Chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, học sinh phải ôn tập nhiều. Do đó các em cần phải rèn luyện trí nhớ tốt. Ảnh: Anh Khôi |
Nhiều bậc phụ huynh ngày nay than phiền về chứng nhanh quên trong học tập, hoạt động của con cái. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị mất tập trung, để đâu quên đó…
Đã có không ít bậc phụ huynh phải dùng đến thuốc kích thích, thuốc giúp tăng trí nhớ để con học tập tốt hơn, nhưng đâu lại vào đó.
Trí nhớ là một công cụ rất quan trọng để trẻ có thể thành công trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong học tập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, rèn luyện trí nhớ là việc đặc biệt quan trọng đối với mỗi người. Các nhà khoa học tâm lý chia trí nhớ thành 3 loại chính, đó là trí nhớ hình tượng (hương vị mặn ngọt, nóng lạnh, hình bóng, màu sắc, kích thước của sự vật hiện tượng); trí nhớ cảm xúc (một dạng đặc biệt, nhớ những rung động trước sự kiện xảy ra); trí nhớ logic (nhớ những sản phẩm của tư duy, suy luận logic). Có những học sinh thích lặng lẽ học bài một mình, đó là các em có trí nhớ hình tượng phát triển. Ngược lại, có những em ít đọc sách, chủ yếu nghe giảng và thích học nhóm, trao đổi với bạn bè. Điều đó cho thấy ta thường chỉ thích chọn và luyện cho mình một dạng trí nhớ mà bỏ phí những khả năng ghi nhớ khác. Dưới đây là những lưu ý để cho ta áp dụng cả 3 loại trí nhớ: Hình tượng (tri giác), logic (suy nghĩ) và cảm xúc (rung động).
Trí nhớ là một công cụ rất quan trọng để trẻ có thể thành công trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong học tập và nghiên cứu khoa học. |
Đầu tiên là ôn tập: Ôn tập là mẹ của trí nhớ, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành mối liên hệ thần kinh bền vững trong não bộ, từ đó để lại dấu vết sâu đậm trong trí nhớ. Nhưng học thuộc mà không hiểu thì cũng sẽ bị quên. Vì vậy, ôn tập cần phải đủ hai phần, đó là hiểu sâu và nhớ kỹ. Thứ hai là xác định rõ mục đích ghi nhớ: Đề ra nhiệm vụ “cần phải nhớ lâu” có tác dụng rất lớn đối với trí nhớ. Vì thế, khi tạm thời ghi nhớ để đối phó với thầy cô hoặc để đi thi, quả nhiên ngay lúc ấy có thể nhớ nhưng rất chóng quên, chính là do không có mục đích ghi nhớ lâu dài. Thứ ba, tích cực hoạt động thực tế: Luôn quan sát, nắm bắt thông tin, tổng hợp thành quy luật. Ví dụ: Học lý – hóa cần tự tay làm thí nghiệm, học địa lý cần kẻ bảng, vẽ hình… mới ghi nhớ được lâu. Thứ tư, hiểu rõ ý nghĩa nội dung ghi nhớ: Hiệu quả của hiểu và nhớ bài thường cao hơn ghi nhớ máy móc rất nhiều. Riêng đối với những tài liệu khô khan như số liệu, thuật ngữ…, ta cố gắng tạo ra mối liên hệ hoặc ý nghĩa nhân tạo để giúp cho dễ ghi nhớ (liên tưởng). Thứ năm, sắp xếp tài liệu hợp lý: Cùng một số lượng tài liệu, nhất là khi tài liệu quá dài, nếu ta cứ học từ đầu đến cuối, sẽ lâu thuộc hơn so với cách học chia đoạn, rồi cuối cùng tổng hợp lại. Thứ sáu, lưu ý những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ: Đây là cách sẽ rất dễ nhớ hơn với các tài liệu trực quan, hình tượng, giàu cảm xúc, có vần điệu… Vì thế, hãy sưu tầm hoặc tự soạn những định lý toán, những bài ngữ pháp dưới các dạng ca dao, hò vè (chơi mà học)… dễ học, dễ thuộc lại nhớ lâu.
Ngoài ra, một nguyên tắc để ghi nhớ là phải tích cực nghiên cứu tài liệu nhiều lần. Đó là nên ghi vào sổ tay những vấn đề cần thiết. Tranh thủ lúc nào rảnh rỗi lấy ra đọc và đố vui để học cùng bạn bè, người thân. Những điều ta quá bí, không nhớ ra được hoặc nhớ bị nhầm khiến bài làm bị sai, nếu được xem lại những kiến thức đó sẽ thuộc nhanh và nhớ mãi.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)