Buổi tọa đàm bắt đầu từ 8g30 sáng 9-12 và kéo dài hơn 30 phút so với kịch bản vì các diễn giả còn muốn tiếp tục chia sẻ và bạn trẻ còn rất nhiều điều muốn hỏi về kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV
Nếu ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm tiếc vì một số SV bỏ về giữa chừng thì tôi lại tiếc vì không có nhiều SV được tham dự một cuộc tọa đàm cung cấp nhiều câu chuyện thực tế sinh động và nhiều thông tin hữu ích như thế.
Kỹ năng = 75% làm nên thành công
Tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV” do Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM tổ chức sáng 9-12 tại Thành đoàn TP.HCM. Đây là một hoạt động hướng đến Đại hội Hội SVVN TP.HCM lần IV.
|
Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa công bố nhận định gây chú ý: hơn 80% HSSV lạc quan và có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời. Nhận định này đúc kết từ cuộc điều tra, khảo sát về nhận thức và thái độ của HSSV về định hướng tương lai trên 2.000 HS THPT, SV các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.
SV có thể dễ dàng bày tỏ mơ ước trở thành doanh nhân thành đạt, thành ca sĩ nổi tiếng… nhưng thường lúng túng khi được hỏi dự định làm gì để đạt được ước mơ ấy.
|
SV được trải nghiệm kỹ năng làm việc nhóm ngay trong buổi tọa đàm – Ảnh: Trung Uyên
|
Không phải đến khi có nhận định này cộng đồng mới lo ngại về vấn đề kỹ năng của SV. Bài toán kỹ năng "hóc" đến kỹ năng. Sự phối hợp, kết hợp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chưa "búa" đã được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt từ phía doanh nghiệp khi “thử lửa” các cử nhân. Các kỹ năng như làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian… không phải là điều mới nghe với các SV nhưng dường như vẫn là điều gì khó nắm bắt.
Anh Quách Hải Đạt – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM – chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến SV yếu kỹ năng: “Chúng ta chưa thật sự nhận thức được rằng công tác đào tạo kỹ năng là hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực, cũng như chưa có một cơ chế phối hợp thật sự linh hoạt giữa các đơn vị để có định hướng đào tạo kỹ năng tương ứng các nhóm ngành một cách phù hợp nhất"…
Ông Lý Trường Chiến – chủ tịch Trí Tri Corp – kể về quá trình học tập của tuổi thơ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay bối cảnh đất nước có chiến tranh nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần “học tập như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt lùi” vẫn thấm thía trong lòng mỗi học trò.
“Ngày nay, khi đến các trường đại học, tôi chưa cảm nhận được không khí quyết liệt học tập ấy. Các SV còn rất thiếu, rất yếu kỹ năng. Học kỹ năng không phải chỉ học thông tin mà là năng rèn luyện thật kỹ để trở thành kỹ thuật của riêng mình” – ông nói.
Bài tham luận của ông Lý Trường Chiến có vài câu chuyện nhỏ khá thú vị: trong một lần chờ bay tại VN, ông đếm được khoảng 50 người ở sân bay lúc đó, 4 người châu Âu và hai người châu Á (không phải người VN) đọc sách, hai người châu Âu khác trò chuyện với nhau, còn trong hơn 40 người VN thì chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại đi lang thang, ngủ, xem TV…
Lần thứ hai chờ bay ở một sân bay châu Âu, ông ước lượng khoảng 65% số người ở đó đang đọc sách, một số ít ngủ và cuốn sách vẫn cầm trên tay hay đặt trên ngực, một số rất ít không đọc sách vì bận công việc cá nhân… Chuyện tranh thủ đọc sách khi chờ bay ấy tưởng nhỏ nhặt nhưng khi luận ra sẽ thấy nhiều điều.
Kiến thức, kỹ năng, sức trẻ, đam mê… sẽ giúp bạn thành công nhưng có giúp bạn hạnh phúc? ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi mở: “SV hãy biết cân bằng và tận hưởng cuộc sống. Hãy cố gắng cân bằng thời gian của các bạn trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân. Hãy học tập kết hợp với vui chơi lành mạnh, hãy khám phá vẻ đẹp cuộc sống, khám phá chính mình, biết yêu cuộc sống và hướng đến cộng đồng với những giá trị nhân văn. Điều này còn giúp các bạn không mất định hướng khi chỉ chăm chăm đạt được thành công mà bỏ lỡ cơ hội có được hạnh phúc”.
|
Ông Lý Trường Chiến chia sẻ: “Hội sách tại VN vào cửa miễn phí vẫn ít người đi hơn hội chợ hay các khu vui chơi. Còn tại các hội sách ở châu Âu, vé vào cửa đến vài trăm USD, thế mà người vào vẫn nườm nượp. Tôi được biết ngay cả nông dân châu Âu cũng đọc rất nhiều sách hằng năm. Chẳng thế mà đi đâu cũng thấy họ cầm sách và hẳn nhiên chúng ta đều thấy họ có kiến thức tổng quát tốt mặc dù không nhiều trường chuyên như VN. Không nhiều giải thưởng quốc tế như học sinh VN nhưng họ tự tin và linh hoạt một cách chủ động trong cuộc sống, tư duy tích cực và nói chuyện rất hay, rất thuyết phục”.
Hãy mạnh dạn đi tìm kỹ năng
Mục lục dự kiến của cuốn cẩm nang Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV mà Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM sắp thực hiện đếm sơ sơ gần 20 kỹ năng. Để động viên SV không… choáng, ông Lý Trường Chiến nói: “Kỹ năng là điều hoàn toàn có thể học và ứng dụng mỗi ngày. Các bạn đang có những điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ trước rất nhiều, chỉ cần tận dụng, các bạn sẽ phát triển rất nhanh”.
Ông Bùi Đức Chính – giám đốc Công ty tư vấn phát triển nguồn nhân lực BCC – chỉ rõ: “Các bạn đã có dịp thể hiện kỹ năng làm việc nhóm và đã trải qua một số cảm xúc. Học kỹ năng thì phải trải nghiệm, phải cảm nhận, phải có niềm tin thì mới nắm bắt được”.
|
ThS Trần Đình Lý – giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp (ĐH Nông lâm TP.HCM) – chỉ ra những kỹ năng tối cần thiết cho SV – Ảnh: Trung Uyên |
Thành công trong cuộc sống còn được đo bằng thương hiệu cá nhân.
“Làm thế nào xây dựng thành công thương hiệu cá nhân?” là câu hỏi quen thuộc các SV hay đặt ra cho những người thành đạt. Ông Đào Duy Thiện Bảo – giám đốc marketing Công ty cổ phần quốc tế BMG – mang đến thông điệp: “Các bạn hãy hướng đến danh tiếng thay vì nổi tiếng. Hãy có suy nghĩ xây dựng thương hiệu cá nhân một cách đúng đắn, tích cực. Thương hiệu cá nhân không chỉ được tạo từ tài năng, đức độ mà điều quan trọng nhất, chính là việc đóng góp – cống hiến âm thầm mà không cần đòi hỏi gì từ người khác”.
|
Nguyễn Thị Kim Khuyên – SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM – bày tỏ mong muốn được gia đình, nhà trường, xã hội hỗ trợ trong việc rèn luyện kỹ năng – Ảnh: Trung Uyên |
Tọa đàm cũng là dịp các SV chia sẻ những bức xúc trong vấn đề đào tạo kỹ năng.
Nguyễn Thị Kim Khuyên – SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM – nhiệt tình bày tỏ: “Chỉ một bộ phận SV chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng và mong nhận được sự hỗ trợ về vấn đề này từ gia đình, nhà trường và xã hội. Mong cha mẹ hãy hiểu chúng tôi cần gì, đừng quản lý chúng tôi quá chặt đến mức không thể tham gia các hoạt động cộng đồng để bổ sung kỹ năng. Mong nhà trường giúp chúng tôi hoàn thiện các kỹ năng thiết yếu trước khi bước vào đời. Mong xã hội tạo cho chúng tôi một môi trường đủ thông tin đáng tin cậy và tạo điều kiện tối đa để rèn luyện lâu dài những kỹ năng cơ bản”.
Người giải chính của bài toán kỹ năng xã hội cần thiết cho SV không ai khác ngoài SV. Và có lẽ hành trình đi tìm lời giải ấy cũng cần lắm sự dấn thân, dám trải nghiệm… như hành trình đi đến những ước mơ.
TRUNG UYÊN/TTO
Tin liên quan
Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM vừa ra quy định về việc không sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhà...
Thầy Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TP.HCM) viết thư ngỏ từ chối nhận...
Kể chuyện cho học sinh vào mỗi giờ ngủ trưa và đầu mỗi giờ học; trang trí không gian lớp học với...
Thông qua nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11)...
Bình luận (0)