Phụ huynh cần quan tâm, theo sát trẻ, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết |
Bắt cóc trẻ em là một trong những loại tội phạm nguy hiểm. Dù có những trường hợp chỉ mới “nghe nói” nhưng khiến nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học hoang mang, lo lắng. Trang bị cho trẻ những kỹ năng nhận diện và ứng phó trước các tình huống bất ngờ, nguy hiểm là điều hết sức cần thiết.
Nói “không” với người lạ
Mới đây, vụ án cháu Nguyễn Khắc Uy Nghi (11 tuổi, quê Bình Thuận) bị bắt cóc và giết hại làm hoang mang dư luận. Không chỉ bày tỏ sự thương xót cho nỗi đau đớn tột cùng của gia đình người bị hại, nhiều bậc phụ huynh còn có phần phẫn nộ và lo lắng trước tình trạng bắt cóc trẻ em vẫn còn diễn ra trong suốt thời gian qua. Có thể nhận thấy thủ đoạn của những kẻ bắt cóc ngày càng tinh vi. Có vụ, trẻ bắt cóc để uy hiếp tinh thần, bắt cha mẹ các cháu trả món nợ làm ăn đối với chúng. Có vụ, đối tượng nhằm vào tài sản các cháu đang mang trên người để cướp. Đôi khi, chính vì sự bất cẩn và lơ đãng của người lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc bắt cóc trẻ em.
Do đó, ngay từ khi trẻ còn trong độ tuổi mầm non, tiểu học, việc dạy cho trẻ những kỹ năng sống thông qua những bài học nhỏ là điều các bậc phụ huynh nên làm. Giúp trẻ tự lập, biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn bên cạnh có thể sẽ giúp trẻ vượt qua được những tình huống bị kẻ gian lợi dụng. Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên mỗi gia đình phải thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, chứ đừng để đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng.
Theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm. Nếu tính chất những hành vi này nguy hiểm hơn, thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. |
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), “cần dạy trẻ nói “không” với người lạ. Nắm bắt tâm lý trẻ thích được cho quà, đi chơi công viên… nên nhiều kẻ xấu hay lợi dụng điều này để dụ dỗ trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh phải dạy trẻ tuyệt đối không được nhận quà, bánh của người lạ. Tuy nhiên, một số vụ bắt cóc trẻ em do chính những người thân quen với gia đình thực hiện. Vì vậy, bên cạnh việc nhắc nhở trẻ tránh xa người lạ, phụ huynh cũng cần chỉ bảo cho trẻ biết những người tin cậy của gia đình như ông bà, thầy cô, anh chị… Khi có bất kỳ ai đề nghị cho trẻ ăn quà, đi chơi ở đâu cũng phải thông báo liền với ba mẹ hoặc những người tin cậy”.
Để không xảy ra các tình huống xấu với con em mình, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con cái, giữ chế độ liên lạc với con thường xuyên. Với trẻ còn nhỏ, gia đình cần trông nom cẩn thận, tuyệt đối không để trẻ ở những vị trí khuất xa tầm nhìn của mình. Với các cháu đang đi học, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện, đưa đón con, hạn chế việc nhờ người khác đưa đón. Nhiều tội phạm còn bắt cóc có khi chính là những người thân cận của gia đình để tống tiền người thân.
Không thể thờ ơ
Việc trang bị kỹ năng cho trẻ ứng phó với người lạ cần được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ, thuộc lòng, biến thành hành vi ứng xử mỗi ngày chứ không chỉ trong một giai đoạn nhất thời nào đó. “Bắt cóc trẻ em đang trở thành một nỗi lo khiến chúng ta không thể thờ ơ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi phụ huynh hãy có những cách để giúp con trẻ nhận thức được thế nào là bắt cóc và những hậu quả nguy hiểm để lại. Dạy cho trẻ sự cảnh giác cần thiết đối với những gì bất thường xung quanh. Để phòng trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đã có những thông báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em để tuyên truyền cho mọi người. Mỗi người dân, đặc biệt là phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường cần nắm vững để từ đó kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em. Việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về những vụ bắt cóc càng khiến dư luận hoang mang, để lại hậu quả nặng nề. Phụ huynh nên chọn lọc những nguồn tin xác thực, tránh những áp lực tâm lý không đáng có.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)