Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kỹ năng viết trong sách Ngữ văn 11

Tạp Chí Giáo Dục

Phần viết trong sách Ngữ văn 11 kế tiếp sau phần đọc hiểu; nội dung chính nhằm trả lời câu hỏi: Sách Ngữ văn 11 rèn luyện cho học sinh viết các kiểu văn bản nào? Nội dung cụ thể của mỗi kiểu văn bản là gì? Những yêu cầu về quy trình, kỹ năng và kiểu văn bản nào tiếp tục được rèn luyện ở lớp 11 và yêu cầu nào là mới so với lớp 10?

Cũng như Ngữ văn 10, yêu cầu viết của Ngữ văn 11 tập trung chủ yếu vào 2 kiểu văn bản lớn là nghị luận và thuyết minh. Các kiểu văn bản khác được vận dụng theo hướng kết hợp các phương thức biểu đạt và thao tác trong bài nghị luận hoặc bài thuyết minh tổng hợp. Cấu trúc phần viết gồm hai mục lớn: Một là định hướng, nêu ngắn gọn lý thuyết và những lưu ý, hướng dẫn về cách viết; hai là thực hành viết gồm luyện tập viết theo quy trình bốn bước và rèn luyện kỹ năng viết. Cụ thể: Các bài học tiếp tục hướng dẫn các em rèn luyện kỹ năng viết văn bản theo bốn bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, viết bài, kiểm tra và chỉnh sửa. Về yêu cầu tìm ý và lập dàn ý, ngoài cách đặt câu hỏi, sách Ngữ văn 11 còn giới thiệu các cách tìm ý khác như tìm ý bằng suy luận (từ khái quát đến cụ thể và ngược lại) và trình bày bằng sơ đồ (grap hoặc sơ đồ tư duy). Các kiểu văn bản và nội dung cụ thể như sau: Về nghị luận, viết bài nghị luận xã hội với các dạng: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý; nghị luận về một vấn đề của đời sống; nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Nghị luận văn học, gồm các dạng: phân tích một tác phẩm truyện; phân tích một tác phẩm thơ và phân tích một tác phẩm kịch. Tất cả các bài viết nghị luận đều liên quan với phần đọc hiểu theo yêu cầu tích hợp giữa đọc và viết. Về thuyết minh, viết bài văn thuyết minh tổng hợp, đề tài gắn với các văn bản thông tin trong phần đọc hiểu. Về nhật dụng, viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội.

Ngoài ra, sách còn bổ sung yêu cầu rèn luyện kỹ năng viết. Đây là nội dung mới của sách Ngữ văn 11 so với Ngữ văn 10. Để viết được bài văn đúng và hay, học sinh cần phải rèn luyện kỹ năng viết (diễn đạt và trình bày). Mỗi bài rèn luyện một kỹ năng, gồm: Kỹ năng mở bài, kết bài; câu văn suy lý và câu văn có hình ảnh trong văn nghị luận; người viết và người đọc giả định, xưng hô trong bài viết; đoạn văn diễn dịch, quy nạp và tổng phân hợp; câu chuyển đoạn; phân tích tác dụng của hình thức truyện; phân tích tác dụng của hình thức thơ; cách trích dẫn trong bài viết; chống đạo văn; cách biểu cảm và các từ lập luận trong văn bản nghị luận; phân tích dẫn chứng; cách bác bỏ và chứng minh.

Viết không chỉ hướng tới hình thành năng lực tạo lập văn bản mà còn giúp phát triển năng lực đọc hiểu và nói nghe; phát triển tư duy và giáo dục nhân cách. Vì thế, việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết quan trọng không kém bất kỳ kỹ năng nào. Để các em viết đúng, hay và sáng tạo, cần rèn luyện liên tục qua nhiều bài, nhiều lớp với một số kiểu bài và kỹ năng quan trọng.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)