Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kỹ năng xin việc thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải bạn trẻ nào cũng biết được những kỹ năng cần thiết để có thể xin được công việc như mong muốn cũng như tìm được nơi thực tập ưng ý.
Không ít bạn trẻ đứng trước thực trạng tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm ổn định, không đúng sở trường chuyên môn. “Cả những người có học vấn cao cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp, nên mình rất lo”, Nguyễn Thúy Anh, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, có việc làm không khó bởi nó nằm ở chính nỗ lực của mỗi người.

Các bạn trẻ đến phỏng vấn xin việc trong một ngày hội việc làm ở TP.HCM /// Ảnh: X.P
Các bạn trẻ đến phỏng vấn xin việc trong một ngày hội việc làm ở TP.HCMẢnh: X.P

Biết xây dựng mối quan hệ
Có người nhận định: “Số người thất nghiệp ngày càng nhiều một phần vì doanh nghiệp không có nhu cầu lao động”. Ông Bình cho rằng nói như thế là hoàn toàn sai. Bởi doanh nghiệp rất cần người làm được việc, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Chưa kể hiện nay VN có nhiều doanh nghiệp quốc tế hàng đầu đầu tư nên cơ hội việc làm là rất lớn.
Để có thể tìm được việc làm, theo ông Bình SV cần phải biết xây dựng mối quan hệ. Có thể làm quen với những SV cùng ngành ở khóa trước, các thầy cô trong khoa, vì đây sẽ là những cầu nối việc làm rất hiệu quả. Ngoài ra, đừng bỏ lỡ những ngày hội việc làm bởi qua những ngày hội này có thể tìm được công việc ưng ý.
Việc thay đổi, tự hoàn thiện không phải là điều gì quá to tát và cũng chẳng cần những 'bước đi' quá dài. Bắt đầu với từng bước nhỏ nhưng hiệu quả sau đây, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều thay đổi tích cực.
Đánh giá đúng năng lực bản thân
Lãnh đạo một công ty môi trường ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) kể mới đây tuyển dụng một SV vừa ra trường, nhưng chỉ sau vài ngày làm việc người này đã chê lương ít, chê môi trường làm việc, đòi hỏi nhiều điều cho bản thân mà không nghĩ bản thân thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, rồi quyết định nghỉ việc. Nói về điều này, Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng đây là thực tế của nhiều SV mới ra trường, họ chưa biết cách tự đánh giá bản thân nên gây ra những sự ngộ nhận từ chính năng lực, tự cho cái quyền được yêu cầu cao với doanh nghiệp.
“Phải có cái nhìn tương đối khách quan: Vị trí mình đang đứng ở đâu? Nếu ra giá quá cao thì sẽ mất đi công việc phù hợp, nếu ra giá quá thấp là đang phí hoài tài năng của mình. Vì vậy, ở những năm đầu sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể chấp nhận một công việc có lương thấp để lấy thêm kinh nghiệm cho bản thân, lấy đó là nền tảng để vươn đến các công ty, tập đoàn lớn hơn”, bà Hoàng Anh khuyên.
Tìm nơi thực tập phù hợp
Đang là thời điểm SV năm cuối bắt đầu tìm kiếm chỗ thực tập, thế nhưng có nhiều SV chẳng biết làm gì để có được nơi thực tập phù hợp, đúng ngành học…
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, yêu cầu của từng vị trí công việc sẽ hoàn toàn khác nhau vì nó phụ thuộc vào đặc tính nghề nghiệp mà các bạn theo đuổi. Tuy nhiên, luôn có những khung quy định “vàng” mà các công ty hay dùng, đó là kỹ năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, kỹ năng sử dụng máy tính và các kỹ năng mềm (thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo…). Đối với SV thực tập, nhà tuyển dụng chưa cần đến kinh nghiệm trong nghề, mà chính là cách giao tiếp có khôn khéo không, có thuần thục ngoại ngữ hay không.
Những thói quen, thái độ tưởng chừng vô tình, thậm chí đôi khi chỉ là cửa miệng, có thể âm thầm 'giết chết' bạn trong nỗ lực đạt được thành công trong cuộc sống.
Ông An cho biết đã từng tiếp xúc với nhiều SV và nhận ra có những sai lầm mà SV đã mắc phải trong quá trình tìm kiếm chỗ thực tập, qua đó vô tình đánh mất những cơ hội. “Đó là nhiều SV đi thực tập mà không thèm để tâm đến nơi mình sẽ xin vào làm. Chỉ hỏi nhà tuyển dụng những câu cực kỳ ngớ ngẩn như: “Chỗ nào trống cho em xin vào làm”. Hoặc các bạn đi đến một công ty xin việc mà chẳng thèm quan tâm công ty đó đang thiếu vị trí nào, có phù hợp với năng lực bản thân hay không? Đối với những người như vậy có thể bị loại ngay từ vòng “gửi xe”. “SV phải chủ động tìm kiếm những thông tin về công ty mình muốn”, ông An khuyên.
Nói về việc có nhiều SV cho rằng thực tập không quan trọng, đi thực tập cho có, cho hoàn thành môn học, đủ điều kiện thi tốt nghiệp, ông An cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm. Bởi kỳ thực tập rất quan trọng, là bước đầu chạm đến môi trường làm việc để có thể bổ sung những kinh nghiệm làm việc cho bản thân, và là cơ hội để cọ xát với thực tế, để được “thử và sai”. Đó chính là “kinh nghiệm” mà các nhà tuyển dụng chính thức đang tìm kiếm.
Còn theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt TP.HCM, SV cần chủ động xác định môi trường công việc định thực tập ở đâu để có nơi thực tập phù hợp, có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Ngoài ra, SV không nên quá ỷ lại vào những mối quan hệ của phụ huynh, cũng như chọn công ty thực tập theo bạn bè, vì dễ dẫn đến việc bị “ép buộc” thực tập ở môi trường không phù hợp, không thể tiếp thu nhiều.

Xuân Phương (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)