Cảnh sát Pháp đã buộc chiếc máy bay tư nhân chở nhóm du khách được cho là “siêu giàu” định đi nghỉ tại Cannes, phải quay lại Anh vì vi phạm lệnh phong toả.
Một chiếc máy bay Embraer Legacy 600.
Theo báo chí Anh ngày 11/4, vụ việc xảy ra vào thứ Bảy tuần trước khi chiếc máy bay tư nhân hạng sang Embraer Legacy 600 hạ cánh xuống sân bay của thành phố cảng Marseille – thủ phủ tỉnh Provence.
Tại đây đã có 3 chiếc trực thăng chờ sẵn để đón 10 du khách bay từ Anh sang, theo kế hoạch sẽ đưa họ đi tiếp tới một biệt thự sang trọng tại thành phố nghỉ mát nổi tiếng Cannes.
Nguồn tin từ lực lượng Cảnh sát Cote d'Azur (còn gọi là French Riviera – là một phần của vùng Riviera thuộc tỉnh Alpes-Maritimes của Pháp) cho biết:
Cảnh sát bảo vệ tại sân bay Marseille đã yêu cầu các máy bay tư nhân không bay tới và hạ cánh tại sân bay này, nhưng chiếc máy bay trên vẫn hạ cánh được xuống đường băng.
Trên máy bay có nhóm du khách 10 người gồm 7 nam ở độ tuổi 40-50 và 3 nữ ở độ tuổi 24-27, là những người mang quốc tịch Đức, Pháp, Romania và Ukraine.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời cảnh sát biên giới cho hay: “Họ đi nghỉ lễ tại Cannes, nhưng chúng tôi đã thông báo rằng họ không được phép vào lãnh thổ Pháp và họ đã rời đi 4 giờ sau đó”.
Binh sĩ Pháp làm nhiệm vụ tại sân bay Marseille hôm 18/3.
Côte d’Azur là một phần bờ biển Địa Trung Hải của Pháp, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bởi cảnh quan hướng ra Địa Trung Hải tuyệt đẹp.
Kể từ ngày 18/3 bất kể du khách nước ngoài nào đến Pháp đều phải chứng minh nơi cư trú chính của họ, hoặc phải thuộc loại những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu cụ thể như giới ngoại giao, nhân viên y tế hoặc phi hành đoàn.
Tổ chức chuyến đi này là một doanh nhân người Croatia làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Anh.
Ông này được cho là đã chi trả tất cả mọi khâu, từ việc thuê chiếc Embraer Legacy 600 (loại máy bay kinh doanh xa xỉ do Brazil sản xuất, có giá bán khoảng 5 triệu Bảng Anh) chở nhóm khách từ Anh sang Pháp, cùng 3 chiếc trực thăng đưa tiếp họ tới biệt thự sang chảnh đã thuê sẵn tại Cannes với lý do “mong được nghỉ ngơi cùng bạn bè…”
Cảnh quan rất đẹp với nhiều du thuyền đậu tại Cannes.
Ông này giải thích rằng cả nhóm sẽ đến Cannes và khoá cửa ở trong biệt thự, nên sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại. Nhưng đây chỉ là một chuyến đi nhằm mục đích giải trí nên rõ ràng đã vi phạm lệnh phong toả.
Nguồn tin cảnh sát Pháp cũng cho biết, doanh nhân người Croatia này đã đề nghị đưa tiền cho cảnh sát và ngỏ ý “thương lượng” nhưng không đạt được mục đích.
Dẫu sao thì cũng chỉ 3 phi công lái trực thăng Pháp phải nộp tiền phạt, còn nhóm 10 du khách “siêu giàu” vẫn ngồi trên khoang chiếc máy bay Embraer Legacy 600 trong khi trả lời các câu hỏi của cảnh sát.
Dù không có lý do chính đáng để bay xuyên biên giới, nhưng lúc đầu khi bị chặn lại, không được xuống sân bay, nhóm du khách này đã tranh cãi với cảnh sát và tỏ ra bức xúc khi thấy 3 chiếc trực thăng chờ họ phải bay đi mà không được đón khách.
Kênh truyền hình BFMTV dẫn một nguồn thạo tin cho hay, nhóm người này đã cố gắng “kết nối” thông qua vài cuộc gọi điện thoại tới đâu đó, xem ra muốn được được can thiệp để “lách lệnh phong toả” nhưng bất thành. Sau đó 9 người bay trở lại Anh, người thứ 10 thuê máy bay khác bay sang Berlin (Đức).
Hiện tại các chuyến bay thương mại đã giảm đáng kể tại các sân bay trên khắp châu Âu. Cảnh sát biên giới cùng lực lượng chức năng tại nhiều sân bay cũng đang cố gắng ngăn chặn các máy bay tư nhân vi phạm lệnh phong toả.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của người dân tại Strasbourg – miền đông nước Pháp – xem có vi phạm hay không.
Pháp áp dụng lệnh phong toả từ ngày 17/3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19, chỉ cho phép những chuyến đi thực sự thiết yếu được chứng minh bằng giấy tờ theo đúng thủ tục. Phong toả theo kế hoạch sẽ kéo dài tới ngày 15/4, sau đó có thể sẽ được gia hạn tiếp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ thảo luận về tình hình dịch Covid-19 trên truyền hình trực tiếp vào ngày thứ Hai 13/4.
Trong đại dịch Covid-19, những người cực kỳ giàu phần lớn đều né dịch bệnh theo cách rất khác biệt so với đại đa số đồng bào của mình.
Ngay khi các quy định hạn chế di chuyển lần đầu được đề ra, nhiều người trong số họ đã có thể thuê máy bay riêng về nước, tránh các chuyến bay thương mại đường dài tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Khi đã về tới nhà, một số lại né dịch bằng cách “ở ẩn” trong các khu nhà nghỉ theo mùa tại các vùng nông thôn hoặc bờ biển, gây lo ngại cho cư dân trong vùng.
Họ còn gây căng thẳng cho các bệnh viện địa phương vốn chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với dịch bệnh khi dòng người không phải là cư dân sở tại đổ về quá đông.
Linh Lê (theo dantri)
Bình luận (0)