Trong xu hướng tiết giảm điện năng và bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất laptop đang chạy đua ứng dụng công nghệ màn hình diode phát sáng (LED) và chuẩn bộ nhớ DDR3.
Công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã thể hiện ưu điểm vượt trội và “làm mưa làm gió” trong suốt gần một thập kỷ qua, nhưng đang dần nhường chỗ cho LED (Light-Emitting Diod) – một trong những công nghệ màn hình tiên tiến thậm chí được coi là 1 trong 17 động lực tăng trưởng kinh tế vừa được Chính phủ Hàn Quốc chọn lựa để thúc đẩy phát triển quốc gia.
Công nghệ LED (Light-emitting Diod) lần đầu tiên được nhà khoa học Oleg Losev phát minh ra ở Nga vào năm 1920. Bóng đèn LED được giới thiệu thương mại hóa lần đầu tiên ở Mỹ năm 1962. Nick Holonyak Jr – được xem là cha đẻ của công nghệ đèn đa sắc LED – đã hợp tác cùng với M. Geogre Crawford ở Trường Đại học Illinois (Hoa Kỳ) để hoàn thiện hết các màu sắc sẵn có của LED. |
Điểm khác biệt duy nhất giữa công nghệ màn hình LED và công nghệ LCD hiện thời chính là hệ thống đèn chiếu nền phía sau hay còn gọi là đèn backlight. Đối với công nghệ LCD thông thường, các nhà sản xuất dùng hệ thống đèn nền CCFL, tức đèn nền huỳnh quang cathode lạnh. Đèn nền CCFL gồm các bóng đèn dạng ống bố trí song song nằm ngang. Nhược điểm của đèn nền CCFL là không thể tắt hẳn ở những pixel nhất định mà phải tắt cả khu vực, chính vì vậy không thể cho độ tương phản cao, đồng thời các vùng tối và sắc đen không được thể hiện một cách chính xác.
Công nghệ màn hình LED trang bị hệ thống đèn nền bằng các diode phát quang. Chúng có thể thay đổi màu sắc ánh sáng theo bước sóng, vì thế chỉ một đèn diode phát quang có thể tạo ra rất nhiều sắc màu mà không bị giới hạn bởi các ánh sáng đơn sắc như bóng đèn thường. Ưu điểm của đèn nền LED là cho dải màu rộng hơn, màu sắc trung thực và độ sáng cao hơn 40% so với đèn nền thông thường.
Về mặt mỹ thuật, màn hình sử dụng công nghệ màn hình LED không cần dùng pannel kính nên khung viền màn hình được thiết kế mỏng hơn, giúp màn hình trở nên thanh thoát.
Màn hình sử dụng công nghệ LED backlight không những giúp tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ so với màn hình LCD thường mà còn là một sản phẩm điện tử xanh: không sử dụng các chất gây hại cho môi trường như thủy ngân, chì…, vì các mối hàn được thay bằng hợp kim đồng bạc.
Tại thị trường Việt Nam, có thể kể đến một số sản phẩm tiên tiến sử dụng màn hình LED như LED TV Series 6-7-8 của Samsung, LED TV của Sony, các dòng máy tính xách tay IdeaPad G230, G430, Y450 của Lenovo….
Lenovo IdeaPad Y450 – một trong những laptop hàng đầu hiện nay ứng dụng công nghệ LED và DDR3 mới nhất. |
DDR3 – Tốc độ tăng gấp đôi
Chuẩn bộ nhớ DDR3 (Double Data Rate 3) cũng đang là cuộc chạy đua hết tốc lực giữa các hãng RAM nổi tiếng như Kingston, Apacer hay Samsung nhằm chiếm lĩnh thị phần công nghệ hứa hẹn cực kỳ tiềm năng này, đặc biệt là khi nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Intel đang tích cực chuyển sang hỗ trợ nền tảng công nghệ RAM DDR3. Giá bán DDR3 ngày càng giảm và ngày càng có nhiều nhà sản xuất DRAM tìm cách hợp tác với Intel nhằm phát triển sản xuất DDR3.
Về mặt công nghệ, một ưu điểm nổi trội là DDR3 có thể mang lại tốc độ truyền dữ liệu tăng gấp đôi so với DDR2 – chuẩn công nghệ nhớ thế hệ liền trước, thống lĩnh thị trường bộ nhớ trong suốt những năm qua. Một chip DDR3 có dung lượng từ 512 MB đến 8 GB, cho phép dung lượng một thanh RAM DDR3 có thể đạt từ 4 GB đến 16 GB, và có thể gia tăng dung lượng vô cùng nhanh chóng trong tương lai. Băng thông rộng hơn của DDR3 cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống sử dụng công nghệ vi xử lý kép hay lõi tứ. Trong khi đó, mức độ tiêu thụ điện của DDR3 chỉ khoảng 1,5 so với 1,8 V của DDR2 ở cùng tốc độ bus, mang lại khả năng giảm nhiệt hiệu quả cho các loại laptop, máy để bàn hay những máy chủ.
DDR2 sử dụng mô hình liên kết dạng T. Với mô hình này, có thể hình dung các lệnh và địa chỉ được đưa vào một cái phễu hình chữ T và được đổ xuống hết một lần cho các DRAM xử lý. Còn DDR3 sử dụng mô hình liên kết dạng Fly-by giữa các DRAM và dòng chuyển dữ liệu. Với mô hình này, dòng lệnh điều khiển và địa chỉ là dạng dòng đơn, duy nhất chạy từ DRAM này sang DRAM khác. Về mặt lý thuyết, mô hình Fly-by rút ngắn được thời gian phân bổ dữ liệu đến DRAM hơn so với mô hình T của DDR2.
Các nhà phân tích dự báo, từ nay đến năm 2012 sẽ là thời kỳ thịnh vượng của DDR3 và DDR2 sẽ dần dần biến mất.
V.T
Bình luận (0)