Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản pháp lý hướng dẫn trực tiếp đến các cơ sở giáo dục ĐH về nguồn tài nguyên giáo dục mở, chính thức mở ra một kỷ nguyên số cho giáo dục ĐH với một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia được sử dụng, khai thác…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) đã thông tin điều này tại hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang.
Cần thiết có khung pháp lý
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhận định, cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT rất quan tâm đến nguồn tài nguyên mở trong giáo dục ĐH. Từ năm 2005, Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong phong trào khóa học mở toàn cầu. Tại thời điểm đó, Bộ GD-ĐT cùng với Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF) phối hợp với một số công ty phần mềm đã triển khai dự án “Học liệu mở Việt Nam”. Và phần mềm đầu tiên là connexions với mô hình xuất bản đơn giản, hiệu quả đã giúp triển khai một số hoạt động phát triển tài nguyên giáo dục mở cho các trường ĐH trong giai đoạn 2006-2010. Đây chính là nền móng ban đầu cho việc xây dựng các học liệu mở ở Việt Nam.
Đến năm 2012, theo thỏa thuận hợp tác thì Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cùng với UNESCO Hà Nội điều chỉnh cuốn tài liệu “Hướng dẫn nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục ĐH” và tài liệu này đã được gửi cho các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam vào thời điểm đó để tham khảo. Tuy nhiên, những việc làm này từ các thập kỷ trước cũng chưa thực sự có tính hệ thống, do đó việc phát triển tài nguyên giáo dục mở của nước ta vẫn chưa đạt được những mức độ như mong muốn.
Hiện nay, mặc dù một số trường ĐH ở nước ta đã khai thác, phát triển tài nguyên giáo dục mở nhưng chúng ta vẫn còn thiếu một khung pháp lý đầy đủ để hướng dẫn xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên quan trọng này. Các thầy cô, giảng viên Việt Nam chủ yếu vẫn tự tiếp cận với nguồn học liệu mở trên thế giới và giới thiệu tới đồng nghiệp, sinh viên mà chưa thực sự tham gia tạo lập, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở đó.
Trước một đòi hỏi cấp thiết, một nhu cầu cấp bách là chúng ta phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý hướng dẫn; tạo điều kiện, hành lang pháp lý đầy đủ cho các bên liên quan thì được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, định hướng của Văn phòng Chính phủ, trong gần 2 năm qua, Vụ Giáo dục ĐH đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, cùng tham gia vào những nghiên cứu của các thầy cô về chủ đề xây dựng nguồn tài nguyên mở trong giáo dục ĐH. Đồng thời, đã xin ý kiến của rất nhiều bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH; xây dựng một khảo sát trực tuyến tới rất nhiều trường ĐH với những đối tượng khác nhau, từ các giảng viên, nhà quản lý đến sinh viên thuộc các trình độ khác nhau.
Mở ra kỷ nguyên số cho giáo dục đại học
Sau gần 2 năm thực hiện cùng sự hỗ trợ của các bên liên quan, Vụ trưởng vui mừng thông tin những kết quả ban đầu. Về mặt khuôn khổ pháp lý, từ dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước thì Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2022 cũng đã ban hành một quyết định quan trọng (Quyết định 3784) hướng dẫn việc xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến trên nền tảng các khóa học trực tuyến đại chúng mở.
“Lần đầu tiên, chúng ta có một văn bản pháp lý hướng dẫn trực tiếp như thế nào là học liệu mở và quy trình ra sao để đáp ứng các tiêu chí. Văn bản này cũng đã được phổ biến đến các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước” – Vụ trưởng nói.
Sản phẩm thứ hai là dự thảo quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án “Xây dựng tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục ĐH”, đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đồng ý. Vụ Giáo dục ĐH cũng đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ để thực hiện những bước cuối cùng hoàn thiện thủ tục, quy trình để có thể ban hành trong tương lai gần. “Có thể nói đây là khung pháp lý, một cơ chế đột phá để chính thức mở ra một kỷ nguyên số cho giáo dục ĐH với một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về nguồn học liệu, nguồn tài nguyên có chất lượng được sử dụng, khai thác trong giáo dục ĐH cũng như các bên liên quan” – Vụ trưởng đánh giá.
Vụ trưởng tiếp tục bày tỏ: “Là đơn vị đầu mối chủ trì triển khai nhiệm vụ này, chúng tôi rất vui mừng khi thấy việc nghiên cứu, xây dựng chính sách của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự quan tâm không chỉ từ các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ quan bộ, ngành liên quan. Mà cả những đơn vị, tổ chức nước ngoài quan tâm tới giáo dục ĐH Việt Nam cũng đã có những đầu tư, hỗ trợ nguồn lực để chúng ta có thêm nguồn tổ chức các nghiên cứu có ý nghĩa như thế này”.
Vụ trưởng cũng hy vọng mô hình hợp tác này sẽ còn được nhân rộng, triển khai hiệu quả ở nhiều dự án, nhiệm vụ khác nữa. Với sự hỗ trợ đó, cùng sự đồng lòng của các thầy cô, cơ sở giáo dục ĐH thì giáo dục ĐH nước ta sẽ có những cơ hội rất tốt để hội nhập một cách sâu sắc với các nền giáo dục trên thế giới.
Được biết, với sự chỉ đạo của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), các trường ĐH Văn Lang, ĐH Thái Nguyên, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Y Dược Hải Phòng đã cùng phát triển dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam” ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 năm 2021, triển khai trong năm 2022-2023 thông qua sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF). PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Dự án này ngoài việc giúp người học và người dân nói chung thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, hướng đến một xã hội học tập suốt đời thì còn giúp các cơ sở giáo dục ĐH khai thác được sức mạnh cộng hưởng của các bên, tối ưu hóa nguồn lực vận hành, tăng cường kết nối với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới”.
Mê Tâm
Bình luận (0)