Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ký nhân vật: 30 năm dạy chữ ở rừng Sác

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Lương Thị Mỹ Lệ

Năm 1983, từ Sài Gòn, cô giáo trẻ Lương Thị Mỹ Lệ hăm hở lên đường xuống huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ) dạy chữ cho con em người dân rừng Sác. Đã có lần bị bệnh sốt rét làm cho “sống dở chết dở”, nhưng cô quyết định không bỏ cuộc, vẫn bám lớp bám trường, đến từng gia đình vận động HS đi học. Gần 30 năm trôi qua, cô đã góp nhiều công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục của vùng đất rừng Sác này.
“Người mẹ thứ 2” của những học trò lam lũ
Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Sài Gòn, cô ủy viên ban chấp hành Đoàn trường vui mừng khi biết tin Thành đoàn TP.HCM phát động chương trình “Giáo sinh nữ tình nguyện về huyện Duyên Hải công tác”. Và cô đã nhanh chóng đăng ký để trở thành một thành viên của đoàn.
Cô giáo Lệ được phân công dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Long Thạnh. Vùng đất này lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nước ngọt không có, cây cối um tùm, muỗi nhiều vô kể. Chứng kiến cảnh nhiều giáo viên, HS liên tục bị ghẻ ngứa, sốt rét hành hạ, lòng cô đau như cắt. Tối đến, cô ở tại nhà tập thể của trường. Nói là nhà tập thể chứ thực ra là ở từ phòng học này sang phòng học khác. Có hôm đang dạy, học trò bị sốt rét, lên cơn co giật, cô vội vàng đưa đến trạm xá. Cô Lệ nhớ lại: “Lúc xuống đây được mấy hôm, do không để ý nên tôi gội đầu bằng nước mặn, khiến tóc rối tung cả lên. Vậy là sáng hôm sau, tôi phải xin phép hiệu trưởng về lại thành phố để cắt luôn mái tóc dài”. Nhiều lúc quá khó khăn, lòng cô bị “dao động” muốn quay lại thành phố. Nhưng với suy nghĩ mình còn trẻ, và hơn hết là tình yêu thương học trò vùng quê nghèo khổ, cô quyết ở lại với vùng đất này. Vất vả không thể kể hết, nhưng điều cô Lệ nhớ như in cho đến tận bây giờ là mấy chục học trò tuổi không đều, một số em đứng cao gần bằng cô mà mới học lớp 1. Ngoài giờ lên lớp, cô tranh thủ đến từng gia đình trò chuyện với phụ huynh để vận động, thuyết phục họ cho con em đến trường. Cô cũng không ngại bỏ ra hàng giờ trò chuyện với những em HS có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh khó khăn để tìm ra biện pháp “kéo” các em về với cái chữ. Thấy học trò đến lớp mà bụng đói, cô đã bớt phần ăn sáng của mình cho các em. Những hôm nghỉ học, cô theo trò ra đồng, cùng nhau mò cua bắt cá về nấu cơm ăn. Tình cảm của cô giáo Lệ với học trò ngày càng sâu đậm hơn. Cô tận tụy cống hiến, vừa là giáo viên, vừa là “người mẹ thứ 2” của các em.
Không thể rời xa…
12 giờ trưa ngày thứ bảy, Trường Tiểu học Long Thạnh vắng bóng học trò, giáo viên của trường cũng về sớm, riêng cô Lệ vẫn loay hoay với những tờ giấy vụn, bức tranh, những vỏ sò, ốc trong lớp học của mình. Hỏi ra mới biết, cô đang “sáng chế” đồ dùng học tập từ những “chất liệu” gần gũi nhất để những giờ lên lớp trở nên sinh động hơn. Ngoài ra, cô còn thường xuyên tìm giấy vụn, lịch cũ cắt ghép thành những bức tranh theo chủ đề như cây cối, động vật để minh họa cho tiết dạy của mình. Cô Lệ cho biết: “Làm đồ dùng học tập cho trẻ là một điều hết sức cần thiết, nhất là với những lớp học ở vùng đất còn nhiều khó khăn này”. Trong lúc đang trò chuyện với chúng tôi, nhận được tin một HS bị sốt đang đưa đi cấp cứu, cô bỏ lại đống giấy vụn rồi vội vàng đạp xe theo sau phụ huynh.
Sau 3 năm công tác, các đồng nghiệp cùng đợt tình nguyện về lại thành phố, riêng cô không nỡ rời xa lũ học trò chân đất nên xin được ở lại. Và đến nay, cô được xem là người cuối cùng còn “bám” lại mảnh đất rừng Sác trong phong trào “Nữ giáo sinh tình nguyện đầu tiên về Duyên Hải” năm 1983. Ngày qua ngày, cô mang đến cho các em học trò những tiết học vui nhộn, lý thú với những đồ dùng học tập “tự chế”, cũng như tình yêu thương vô bờ của “người mẹ thứ 2” dành cho các em…
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Gần 30 năm giảng dạy, cô Lệ vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì sự nghiệp giáo dục năm học 2008-2009; trước đó, 2 năm liền cô được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, 19 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Thế nhưng, niềm vui lớn nhất của cô là nhiều thế hệ HS do cô dày công “vun trồng” nay đã thành danh, đem tài năng của mình cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)