|
|
>
Sau hòa bình, Phan Tứ về trại sáng tác quân khu 5, nên có thời gian mấy năm tôi được ở cùng cơ quan với ông. Thời đó, dù đi Honda 50 hay đi xe đạp, cứ qua một ngã tư là Phan Tứ giơ tay xin đường rất cẩn thận. Thái Bá Lợi, cùng cơ quan với Phan Tứ kể lại, có lần khoảng 11 giờ đêm, đường phố Đà Nẵng vắng tanh vắng ngắt, nhưng khi qua ngã tư, anh thấy Phan Tứ vẫn chạy xe thật chậm và giơ tay xin đường cẩn thận rồi mới rẽ.
Phan Tứ thường mang một chiếc túi xách lớn bên người, trong đó là cả một kho đựng tất cả những gì cần thiết. Có thể là một cái kim khâu và cuộn chỉ, kèm thêm những chiếc cúc áo các loại, có thể là một cái… kìm hay một cái cờ-lê. Độc đáo hơn, có thể là những chiếc ốc-vít nhỏ dùng cho xe đạp hoặc xe Honda. Bất cứ ai cần cái gì, thiếu cái gì, hỏi Phan Tứ là lập tức được đáp ứng. Ông lôi ngay từ trong túi xách của mình ra ngay cái bạn cần, như một phép lạ. Trong túi xách ấy, dĩ nhiên, có cả bản thảo một bộ trường thiên tiểu thuyết viết về Quảng Nam thời chiến tranh. Thêm một món có thường xuyên trong túi xách mà ít người biết: đó là một chai rượu nhỏ. Phan Tứ thích rượu, nhưng không thích nhậu nhẹt. Thỉnh thoảng khi viết, ông móc chai rượu ra làm một ngụm, lấy hứng.
Phan Tứ ngay lúc sống trong thời bình vẫn giữ tác phong của người cán bộ hoạt động thời chiến. Ông không quên cái gì, không quên chuyện gì, không để mình phải bị động vì thiếu những cái nhỏ nhặt. Tôi nói đùa với các bạn: ông Phan Tứ này mà làm thuế vụ thì con buôn chỉ có…chết! Phan Tứ cũng là người đặc biệt sòng phẳng: xin thì cho, vay thì trả. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn mượn tiền Phan Tứ, ông rất sẵn lòng. Nhưng biết tính ông, mượn xong phải tìm “nguồn” để trả. Có lần, mấy anh em chúng tôi thử… xin tiền Phan Tứ, xem ông có cho không. Ông vui vẻ cho liền, tuy không nhiều. Người như thế không phải kiểu người keo kiệt, nhưng luôn rõ ràng. Bất cứ sự nhập nhằng nào cũng khiến Phan Tứ khó chịu và phản ứng.
Vậy mà sau khi ông mất mấy năm, trong khi làm phim chân dung về ông, Thụy Kha nói với tôi là Phan Tứ có… con riêng. Điều đó khiến anh em chúng tôi bị… choáng. Và đó là kết quả mối tình giữa Phan Tứ với một nhân vật rất nổi tiếng trong một cuốn tiểu thuyết cũng rất nổi tiếng của ông. Phan Tứ mà lãng mạn đến vậy sao? Nhưng dường như đúng là như vậy! Một tip nhà văn của chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt như Phan Tứ mà cũng có “những phút xao lòng” ư? Thì đã sao nào!
Nhật Chung (Theo TNO)
Bình luận (0)