Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Lời ca vẫn bay cao…

Tạp Chí Giáo Dục

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: I.T
Vậy là Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về với thế giới vĩnh hằng đã tròn 10 năm. Quãng thời gian không lâu, mà cũng không ngắn đủ để đánh giá cho một nhân vật hoạt động văn nghệ có tầm vóc đáng trân trọng và đáng tôn vinh.
Ngày trước, tôi có người cô lấy chồng – chú Hồng Dũ Hồ xứ Huế, bạn thân của cụ bà thân sinh ra Sơn. Giải phóng Huế, rồi giải phóng Sài Gòn, bà cô dặn tôi vào tiếp quản Sài Gòn nhớ ghé thăm mẹ Sơn, rồi cho cô biết tin. Tôi đã đến phố Duy Tân tìm nhà Sơn và sau đó vài ba lần đưa bác Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Hoàng Trung Thông đến chơi nhà Sơn, nghe Vĩnh Trinh hát, Trịnh Công Sơn đàn, Trịnh Vĩnh Trinh giọng tròn ấm, dung dị, sang trọng và bay bổng.
Hồi ấy, Sơn vẫn còn biên chế ở Huế, chưa xin được vào Sài Gòn. Sơn có khó khăn, một cảnh đôi quê, mẹ già, một đàn em chưa có công ăn việc làm. Sau giải phóng muốn đoàn tụ, quy về một mối. Tôi quen biết các đồng chí lãnh đạo ở Bình Trị Thiên nên có góp phần nhỏ về thủ tục thuyên chuyển, vì ở địa phương sợ Sơn đi được thì các văn nghệ sĩ khác cũng xin đi. Vì thế đến năm 1978, Sơn vẫn ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, do thủ tục lúc bấy giờ rất nhiêu khê. Sơn vào thành phố có thêm đất “dụng võ” hơn. Và một loạt bài hát đầy khí thế mới ra đời: Em ở công trường em ra biên giới, Sài Gòn mùa xuân, Mùa thu Hà Nội, Huyền thoại mẹ… mà bạn trẻ cả nước đều hát, đều thuộc.
Nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng: “Một thiên tài âm nhạc nói không ngoa chút nào bởi trong lời bạt cho một album nhạc của Sơn, nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca – bởi ở Sơn nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào phụ. Và Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc – mẹ hiền…”.
Nhiều lần tôi đến với Nguyễn Tuân, Sơn rất quý mến bác Nguyễn, vẫn ngồi đàn hát cho bác nghe. Má Sơn kho cá, nấu món ăn Huế nhờ tôi chuyển cho bác Nguyễn mỗi dịp bác vào Nam. Còn với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Đào, nhà soạn nhạc tài ba, con trai Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn lúc nào cũng xem là đồng nghiệp đầy triển vọng.
Tôi vẫn nhớ mỗi lần tôi và nhà văn Nguyễn Đình Thi đến chơi với Sơn, Sơn mời ra quán Trịnh nghe nhạc và uống cà phê. Có lúc, nhiều “thượng đế” yêu cầu Sơn lên hát những bài hát trong “Ca khúc da vàng” với những giai điệu êm đềm Như cánh vạc bay, Nắng hạ làm say đắm bao bạn trẻ, bao thế hệ. Khi về, Sơn lại “thù lao” cho chúng tôi đã ngồi nghe mỗi người một chai rượu vang.
Tôi nhớ lại từ hôm Sơn mất, điện thoại từ Hà Nội của anh Nguyễn Đình Thi, của giáo sư Nguyễn Xuân Đào, điện thoại từ Đồng Nai của nhà thơ Xuân Bảo, điện thoại từ miền Tây, từ Ba Lan, Thụy Điển, Nga… của các anh chị sinh viên và các tòa đại sứ cùng bè bạn Việt Nam tới tấp gọi; có người xác minh nguồn tin, có người nhờ đến thắp hương chia buồn, chia đau thương cùng các em của Sơn: Hà, Tịnh, Tâm, Ngân, Diệu, Thúy và Vĩnh Trinh… Bây giờ, gió hiu hiu thổi như tiễn đưa “dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy”. Những tri âm như Cao Tiệm Ly chỉ biết lấy đàn làm vũ khí như thuở xa xưa nào. Bá Nha mất, Tử Kỳ biết sao đây? Nhưng trong nỗi buồn đau, nghe lại Sơn hát với niềm lạc quan: “Cây vẫn cho lộc và cây vẫn cho hoa” chan chứa tình đời…
Trịnh Công Sơn là một tài năng đặc biệt, như Nguyễn Đình Thi đã nói: “Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, một nhà thơ tài danh”. Theo tôi, anh còn là một họa sĩ, là ông hoàng của màu sắc với cây cọ vàng. Nhân 10 năm ngày mất, tôi thức cả đêm tìm đọc lại những bài ký, tùy bút của Sơn viết về đất nước, về bạn bè về Huế với một sự xúc động và tấm lòng nhân từ. Văn của Sơn trong trẻo và có hình ảnh độc đáo, tên tuổi anh vượt ngoài biên giới với những “đĩa vàng” giải thưởng ca khúc ở Nhật, với hàng chục đĩa CD, với hàng trăm bài hát: vươn lên tìm cái đẹp, cái thiện… Nhiều nhạc sĩ nước ngoài nghiên cứu về âm nhạc để làm đề tài: Nhạc Trịnh.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Mười năm rồi anh thanh thản về với cát bụi đồng quê, về với Hương Giang, về với thế giới của các bậc hiền triết. Anh đã trở về cát bụi nhưng những lời ca của anh vẫn bay lên cùng bao thế hệ mai sau.

 

Bình luận (0)