Lãnh đạo TP chụp hình lưu niệm với phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh |
“Tuổi trẻ TP nguyện học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng của bác, tích cực bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng lối sống đẹp, nghĩa tình, xung kích tình nguyện thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng bộ và Nhân dân TP tin tưởng giao phó”.
Đó là những chia sẻ đầy tự hào về bác Tư Kỉnh được anh Nguyễn Mạnh Cường – Bí thư Thành đoàn, thay mặt cho tuổi trẻ TP khẳng định trong buổi tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh – Người chiến sĩ Cộng sản kiên cường”, do Thành ủy TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Một chiến sĩ cách mạng đức trọng
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã dành những tình cảm xúc động khi nói về ông Tư Kỉnh: Anh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo tài cao, mà còn là một chiến sĩ cách mạng đức trọng. Tài cao, thể hiện ở chỗ bằng sự nêu gương của chính mình, đã thu phục nhân tâm quần chúng, tập hợp và quy tụ được mọi người đoàn kết gắn bó xung quanh mình để cùng nhau tổ chức thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác của Đảng. Đức trọng, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong việc anh kiên trì phấn đấu để vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ trong mọi mặt hoạt động và trong cuộc sống giữa đời thường, có tác dụng nêu gương và có sức lan tỏa mạnh”.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thăm hỏi phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh Trung với nước – hiếu với dân Ông Nguyễn Văn Kỉnh sinh ngày 28-2-1916 tại Sài Gòn, nay là TP.HCM; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ; nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam; nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn; nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, 22 tuổi trở thành đảng viên, quyết dứt bỏ cuộc sống êm ấm để dấn thân vào con đường cách mạng chông gai nhưng đầy ý nghĩa. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước: Những năm làm báo L’Avant Garde, Dân chúng…, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ và Cách mạng tháng Tám, tiếp tục kháng chiến 9 năm ở Nam bộ từ miền Đông đến Đồng Tháp Mười, đến căn cứ rừng U Minh… Hơn 10 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô – Viết, đồng chí đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước XHCN anh em, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, xây dựng nước nhà, giữ vững hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Gần 50 tuổi Đảng thì hết 49 năm đồng chí dành để phát triển phong trào Esperanto tại Việt Nam – thể hiện một tinh thần chiến đấu không mệt mỏi vì tự do, bình đẳng, bác ái. Trong 15 năm hoạt động bí mật, bán hợp pháp, 4 lần đồng chí bị bắt tù, có lần bị kêu án tử hình mà vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai nước nhà. Bản lĩnh của đồng chí được thể hiện qua một nhân cách lớn: Dũng cảm, bất khuất, trung với nước, hiếu với dân, sống giản dị trong sáng và vô cùng đẹp đẽ. |
Còn cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khi viết về người đồng chí của mình năm 2003 đã khẳng định: “Điều đáng quý của anh Tư! Rất thương cán bộ, luôn luôn quan tâm tới điều kiện công tác, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng và tâm tư cấp dưới. Không nghe thấy anh vuốt ve mơn trớn và có thái độ nể nang trước những thiếu sót của cán bộ, song anh cũng không bao giờ dùng “đao to búa lớn” để quở trách nặng lời những đồng chí phạm lỗi. Tuân theo phương pháp giáo dục và thuyết phục truyền thống của cha ông “lạt mềm buộc chặt”. Anh thường lựa lời giãi bày và phân tích một cách thấu lý đạt tình điều hay lẽ phải, khiến cho người nghe dần dần được cảm hóa”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức tọa đàm để kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh trong thời điểm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng mới kết thúc, là việc rất có ý nghĩa. Chính cuộc tọa đàm này sẽ giúp chúng ta quảng bá điển hình và nhân rộng mô hình về đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Kỉnh, nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ TP.HCM ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Phong cách Nguyễn Văn Kỉnh
Nguyên Đại sứ Vũ Hắc Bồng chia sẻ: “Với phong cách điềm đạm, con người điềm tĩnh, chúng tôi gần như không thấy anh nao núng bao giờ, nhất là 10 năm làm Đại sứ tại Liên bang Xô Viết, đây là thời kỳ “nóng” với rất nhiều vấn đề quốc tế phức tạp như mâu thuẫn giữa Liên Xô – Trung Quốc… Chính phong thái đó, anh luôn ứng xử công việc một cách khéo léo, không ồn ào, được anh em cán bộ đồng lòng hợp tác nên anh đã thành công, hoàn thành nhiệm vụ”. Còn với ông Trần Hữu Phước thì, một trong những đặc điểm nổi bật của anh Tư Kỉnh là ham học hỏi. Trên giá sách và tại bàn làm việc của anh không bao giờ thiếu vắng các loại sách báo nước ngoài. Anh Tư Kỉnh đã tự trang bị cho mình thứ vũ khí rất lợi hại là vốn ngoại ngữ. Có thể nói trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta (cả khóa II và khóa III), ngoài Bác Hồ, anh Tư Kỉnh là người giỏi ngoại ngữ nhất. Anh có thể sử dụng tốt tiếng Pháp, Anh, Nga, quốc tế ngữ, biết tiếng Tây Ban Nha và có thể giao dịch bằng tiếng Quảng Đông”.
Trước sự quan tâm và tình cảm đặc biệt dành cho người chồng – cha – ông của gia đình, bà Mạc Thị Kim Cúc – phu nhân của bác Tư Kỉnh xúc động: “Buổi tọa đàm này là một sự trân trọng mà lãnh đạo Nhà nước, TP và Nhân dân dành tặng, ghi nhớ về đồng chí Kỉnh. Gia đình sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực, noi gương đồng chí Kỉnh để không phụ sự tin yêu đó”.
Khi kết thúc buổi tọa đàm, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – nhấn mạnh: Chúng ta đã nghe tham luận và nhiều ý kiến phát biểu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của đồng chí Tư Kỉnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của miền Nam và của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến. “Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng chí Tư Kỉnh chủ yếu hoạt động ở miền Nam và công tác ngoại giao ở các nước XHCN nên không có may mắn được sống và làm việc thường xuyên với Bác Hồ. Nhưng những lần được gặp Bác, cũng như tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào miền Nam, đã là nguồn sức mạnh động viên to lớn, tiếp thêm cho đồng chí nghị lực lớn lao trong hoạt động. Đồng chí chân thành, khiêm tốn, lặng lẽ, bền bỉ, kiên trì học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, trở thành người Cộng sản mẫu mực!”, ông Cang đúc kết.
Bài, ảnh: Quang Huy
Bình luận (0)