Những tháng ngày ở Thủ đô, những năm tập kết ra Bắc, tôi và một vài anh em văn nghệ trẻ miền Nam, hễ vào thu gió heo may tháng bảy, ngày mười là thường xách rượu đến nâng cốc mừng tuổi bác Nguyễn.
Không phải mỗi lần gặp nhau là để liên hoan mà thường luận bàn chuyện văn chương, thế sự. Bác Nguyễn bao giờ cũng vui và linh hoạt, với uy tín văn chương và cuộc đời của bác, bác vào đâu là được “ưu tiên” một cách thân tình và có khi còn trịnh trọng là khác.
Chúng tôi xem bác là bậc cao niên, lão thành, nhiều kinh nghiệm, mỗi lần đi công tác với bác là mỗi lần học tập cách quan sát, cách lấy tài liệu. Bác đến với mọi người, mọi nhân vật rất chân tình. Tuy có người vẫn ngại cho bác là kênh kiệu, là khó tính, nhưng chính ra không phải vậy, bác rất chân thật, cẩn thận và chu đáo, kẻ nào nịnh hót và xảo trá thì không tiếp xúc được với bác. Tôi còn nhớ một lần đi Cô Tô, ra đảo Vân Đồn, đoàn gồm có bác Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Đoàn Giỏi, Diệp Minh Châu, Huỳnh Thế Phương, Phạm Tường Hạnh và tôi.
Bác vẫn ba lô như thời kỳ đi Điện Biên Phủ, trong ba lô đủ các thứ, như một “tủ chạn” thu nhỏ. Ai cũng cười là đi biển mà mang cá khô và cả nước mắm – nước mắm khô. Quả thật bác là người rất cẩn thận, cái cẩn thận có phần “lẩm cẩm”, vì năm ấy, 1972, bác đã trên 60 tuổi rồi. Nhưng đúng như dự kiến, liên tiếp mấy ngày biển động, không có lấy một con cá khô, thế là chúng tôi cũng “ăn theo” với “ông cụ lẩm cẩm”, các thứ mà ai vẫn tưởng là “chở củi về rừng ấy”! Bác lại cười với các bạn trẻ.
Năm 1971, mùa hè, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi là phóng viên mặt trận của Báo Thống Nhất, đi theo. Bác chuẩn bị cho tôi các câu hỏi khi phỏng vấn tù binh: “Đây là những câu hỏi với sĩ quan cấp tá, vì chuyến này nhất định ta thắng to, khối tù binh là sĩ quan cao cấp”. Bác cho tôi mượn áo, giày và cặp da, cho có vẻ “ký giả” có cỡ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Bác còn truyền cho tôi cách hỏi giặc lái Mỹ, từ chỗ khêu gợi những chuyện bình thường vợ con, các loại rượu, các món ăn và đưa dần “nhân vật” đến điều mình muốn khai thác. Các đồng chí phụ trách tôi, các tổng biên tập, giám đốc đài, trưởng ban tuyên huấn cũng không hướng dẫn tôi tỉ mỉ bằng bác. Nguyễn Tuân là một người rất thích cái gì bình thường, nhiều lúc tầm thường, nhưng rất thanh cao và độc đáo. Văn chương của bác cũng vậy. Bác sử dụng những từ rất bình thường, dân dã, nhưng đã được nâng cao, và độc đáo Việt Nam. Nhiều người cứ tưởng là “cầu kỳ”, thật ra thì không phải thế! Bác thường dặn tôi: “Phải dùng những từ, những hình ảnh mới, đừng đi đường mòn. Phải luôn luôn sáng tạo không ngừng”. Cho nên văn chương của Nguyễn không giống một ai, mà cũng chẳng ai bắt chước nổi. Vốn từ vựng của bác rất phong phú. Cũng như Truyện Kiều, nhiều từ rất thường, bình thường, nhưng rất “khuôn vàng thước ngọc”, tôi tìm và chịu ảnh hưởng ở “tự điển” riêng của bác.
Việc đánh giá cũng như nhận định một tác phẩm, thơ văn hoặc con người cũng vậy, bác rất thận trọng, không hồ đồ và có suy nghĩ. Hễ đã phát biểu là có đắn đo, có mức độ, khi truy vài kẻ xấu thì bác dùng từ có lúc quá “chính xác”, làm cho kẻ ấy phải suy nghĩ và từ bỏ thói hư tật xấu ấy.
Bác Nguyễn rất nghiêm với người đáng nghiêm, còn với lớp trẻ, bao giờ cũng rất trân trọng và rất hiền từ, nhiều lúc quá bình đẳng. Số bác – tôi nói số ở đây là “số phận” chứ không phải là “số mệnh” – là số rất sướng, rất hào hoa. Thí dụ một vài chuyến đi nước ngoài, có tiền dịch sách, phỏng vấn hoặc thù lao nói chuyện là xài như “ông hoàng châu Á”. Bác có thể mua chục hoa hồng hàng mấy chục rúp(*) để viếng mộ danh nhân chẳng hạn. Tính khí nhiều lúc rất ngang tàng, bác có nhiều bạn học làm lớn nhưng thường bác ít lui tới và tuyệt đối không nhờ vả, trái lại thường đến với em út, với người khó khăn, với bạn trẻ để góp ý, giúp đỡ. Chưa bao giờ tôi thấy bác nóng với người dưới. Từng làm thủ trưởng một cơ quan trung ương – Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1948, lúc bấy giờ không có chức chủ tịch, nhưng chính bác rất bình dị, không có vẻ gì là người cấp trên cả. Ít người tuổi “cổ lai hi” mà tinh tường, khỏe khoắn và sáng suốt như vậy. Những năm sau này, khi TP.HCM và cả miền Nam giải phóng, thường mỗi năm vào vài lần, tôi đã cùng đi với bác tận Minh Hải, Côn Đảo. Ở đấy, bác chỉ thích nhìn mặt trời mọc buổi sáng trên biển và mặt trời lặn sau biển, rồi về.n
Đoàn Minh Tuấn
(*): Một rúp hồi ấy giá trị bằng 1,8 USD
LTS: Vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo TW và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn lớn Nguyễn Tuân. Nhân dịp này, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, tác giả bài viết dưới đây cũng được mời tham dự.
|
Bình luận (0)