Về thăm quê nhà Bác Tôn (Tiếp theo và hết)
Trong cuộc đời tôi, lần Đoàn Giỏi đến nhà Bác Tôn ở phố Trần Phú – Hà Nội đọc bản thảo cho Bác Tôn nghe lần cuối về cuốn truyện “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày”.
Trời hôm ấy còn hè, Hà Nội nóng lắm, Bác Tôn giản dị cho phép chúng tôi cởi áo ngoài. Đoàn Giỏi nháy mắt bảo tôi không được cởi áo thiếu tôn kính vị Chủ tịch nước. Như hiểu ý, Bác Tôn thân mật cởi áo chemise chỉ còn áo lót. Tại căn nhà Bác ở 31 hay 32 Trần Phú, lúc bấy giờ chỉ có chiếc quạt trần nhỏ, chúng tôi theo lệnh Bác cũng chỉ còn mặc chiếc áo cổ vuông… Bác thân tình bảo các chú muốn viết thế nào cứ viết, nhưng không được sai sự thật, không được quá đề cao Bác, thôi được khỏi phải đọc để đây Bác xem! Các chú cứ uống nước nói chuyện quê nhà nghe. Rồi Bác phe phẩy chiếc quạt giấy rót nước mời chúng tôi. Cử chỉ của vị “quốc trưởng” mà như một công nhân, thật là vô vàn khiêm cung, giản dị.
Vào một ngày tháng 8 năm 1978 – mùa thu cách đây tròn 30 năm, chúng tôi xách máy quay phim bay ra Hà Nội để làm phim mừng sinh nhật lần thứ 90 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hôm ấy có gặp lại các bạn Nga đến mừng thọ Bác.
Trời đã vào thu, mát dịu, con đường rải sỏi vào Phủ Chủ tịch buổi sớm ướt đẫm hơi sương. Vườn cây trong dinh Chủ tịch lặng yên. Nắng lên vườn thu “rổ biếc xen hồng”. Chúng tôi phải đến sớm để đón Bác Tôn. Cũng trong vườn cây lá xanh xanh này Bác Hồ đã ôm hôn Bác Tôn khi Người tặng Huân chương Sao Vàng đầu tiên cho người thủy thủ già Tôn Đức Thắng.
Lẽ ra Bác Tôn không muốn có tổ chức ngày kỷ niệm sinh nhật của mình. Nhưng do yêu cầu của Đài Truyền hình TP.HCM, đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Chánh văn phòng Chủ tịch Phủ lúc bấy giờ, phải xin ý kiến Bác nhưng Bác từ chối. Cuối cùng phải đệ trình lên Bộ Chính trị, và Bộ Chính trị đồng ý tổ chức lễ mừng thọ 90 năm của Bác do yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào miền Nam. Miền Nam sau ngày giải phóng vài ba năm, đồng bào Nam Bắc chưa đi lại được nhiều, mà ở đây là Đài Truyền hình thành phố Bác Hồ, cần hình ảnh Người để báo cáo với đồng bào, đồng chí: gần một thế kỷ, cuộc đời của một người lính thủy kiên cường đã dũng cảm kéo cờ đỏ ủng hộ cách mạng tháng 10, khi cách mạng Nga đang còn trong trứng nước. Và cho đến hôm nay tuy tuổi đã cao, 90 tuổi hạc, Bác vẫn còn sức khỏe lãnh đạo Nhà nước.
Buổi lễ diễn ra thật trọng thể tại phòng khách Phủ Chủ tịch, đông đủ các vị trong Trung ương Đảng và Chính phủ. Chỉ có chúng tôi từ TP.HCM ra là được Người đặc biệt quan tâm. Người đã thân hành nhắc các đồng chí trong Văn phòng Chủ tịch: “Giúp đỡ các chú trong miền Nam ra, xem các chú có khó khăn gì”.
Khi chúc thọ Bác, ngoài bài diễn văn và nghi thức thật trang nghiêm, chúng tôi chưa thấy Bác vui, vì các ánh đèn rực sáng của điện ảnh và truyền hình rọi vàng vầng trán cao láng bóng của Bác, đến nỗi chiếc sơ-mi lụa của Bác ướt đẫm mồ hôi. Bác quay hỏi đồng chí Việt Dũng:
– Các chú trong Nam ra các chú có khó khăn gì không?
– Thưa Bác, rất thuận lợi. Chúng tôi mạnh dạn trả lời – nhưng nay là mừng thọ Bác, không có rượu để chúc thọ thì thật là “khó khăn” quá!
Bác và mọi người đều cười vui. Bác nói với đồng chí phục vụ:
– Sao không cho các đồng chí trong Nam ra ít rượu?
Thế là mấy khay đựng ly rượu nhỏ được đưa ra. Rượu hồng trong vắt, tất cả đều nâng cốc chúc thọ Bác.
Lúc này chúng tôi quay cảnh mà từ lâu Bác Hồ đã mong ước:
Khi nào kháng chiến thành công
Bắc Nam cùng uống một chung rượu đào.
Mọi người đều xúc động trước tuổi già 90 mùa thu của Bác. Bác vẫn còn cường tráng và quắc thước. Ánh mắt Bác rạng rỡ một niềm vui. Một đồng chí thưa: “Xin chúc Bác thọ 100 tuổi!”.
– Tôi sẽ phấn đấu đến 95 tuổi rồi hẵng hay.
Bác vui vui nhanh nhẹn cầm cốc đi chạm với từng vị trong Chính phủ và các đoàn thể đến mừng. Nhờ thế mà chúng tôi có những hình ảnh đẹp đẽ và vô cùng cảm động ấy.
Các đồng chí phục vụ buổi lễ mừng thọ cho biết Văn phòng có chuẩn bị rượu nhưng không dám làm lâu sợ ảnh hưởng đến sức khỏe Bác; vả lại trên đã có chỉ thị không uống rượu, nên không dám dọn ra. Tiếp theo đó là một thùng bia vừa lấy ở xưởng ra còn bốc hơi lạnh và men bia làm vui bữa tiệc sinh nhật đơn giản mà trang nghiêm đặc biệt hiếm có này.
Trước đó, chúng tôi đã quay cảnh nhà văn Nguyễn Đình Thi ngâm thơ: “Bài ca Hắc Hải” ca ngợi Chủ tịch Tôn Đức Thắng những ngày trên chiến hạm Pari ngoài Hắc Hải, kéo cờ cách mạng ủng hộ buổi bình minh nước Nga Xô-Viết. Chúng tôi ghi hình lại bức ảnh anh lính thủy Việt Nam họ Tôn đứng cạnh các bạn hải quân Pháp năm 1916 mà Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam sưu tầm gửi tặng gia đình Bác Tôn. Chúng tôi cũng đã thu hình nhà văn Đoàn Giỏi đang viết tiểu thuyết “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày”, trích một đoạn tả Bác Tôn ở hầm xay lúa ngoài đảo tù Côn Lôn. Nhà văn Đoàn Giỏi đọc rất đạt và rất xúc động và một đoạn về Bác Tôn bị bọn cai ngục ép buộc lái canô đuổi theo những người tù vượt ngục Côn Đảo. Tên sĩ quan Pháp bảo: lái nhanh lên, Bác Tôn giả vờ cho canô hỏng. Viên sĩ quan Pháp chĩa súng vào ngực Bác Tôn, không sửa nhanh sẽ bị bắn chết. Bác Tôn bình tĩnh nói bằng tiếng Pháp có vẻ khiêu khích “Đố mày dám bắn”. Tên sĩ quan hỏi lại “Sao không dám?”.
– Nếu mày bắn tao, ai đưa mày vào bờ?
Tất cả những thước phim giá trị ấy chúng tôi đã dựng thành bộ phim tài liệu màu mừng sinh nhật Bác “90 năm – một cuộc đời” và phát vào chiều chủ nhật lúc 3 giờ trong buổi phát hình màu thí nghiệm ngày 20-8-1978(1), đúng ngày sinh thứ 90 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hôm ấy nhà văn Vũ Thị Thường có xem và báo cho tôi biết, chưa khi nào xem một đoạn phim hay đến thế!n
Bến Nghé, Tháng 8 – 2008
(1). Hồi ấy cả nước chưa có truyền hình màu chỉ Đài Truyền hình Sài Gòn Giải Phóng mới thí nghiệm.
Đoàn Minh Tuấn Ảnh: H.M
Bình luận (0)