Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác (19-5-1890/19-5-2010): Hồ Chí Minh chiêu mộ hiền tài

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Sau Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 14-11-1945 Bác Hồ ra tiếp lời kêu gọi: Nhân tài là kiến quốc. Bác viết: “Sau 80 năm bị thực dân Pháp dày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc chắn thắng, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng phát triển, càng thêm nhiều”.
Thời điểm lịch sử ấy, nước ta mới giành độc lập, thực dân Pháp đang rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã nêu những công việc quan trọng và bức thiết nhất của dân tộc ta trong lúc này là “Kiến thiết ngoại giao, kinh tế, giáo dục…”. Một năm sau, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vào ngày 20-1-1946, Bác lại ra chỉ thị “tìm người tài đức”. Đọc lại văn bản này, ta thấm thía và xúc động mãnh liệt bởi tư tưởng sâu sắc và đức độ của Người. Bác viết: “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người tài đức” (nay đã hơn 86 triệu người). Một điều hết sức đặc biệt và cũng rất đỗi chân thành, khiêm tốn là Bác đã tự nhận khuyết điểm vì không thấy được hết các bậc hiền tài khiến cho họ không thể hiến thân: “…Vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi các bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”… Bác nêu rõ: “Nay muốn sửa đổi những điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, tài năng, nghề nghiệp, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Hai văn bản “Nhân tài là kiến quốc” và “Tìm người tài đức” của Bác vừa nêu trên là những văn kiện vô cùng quan trọng của Đảng ta, chẳng những có giá trị lúc đương thời mà còn có giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu đối với hưng thịnh của đất nước và dân tộc. Đây là tầm nhìn chiến lược và hết sức đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là tinh thần thực sự cầu thị, thực sự khoa học và tư tưởng nhân văn sâu sắc của Bác. Bởi vì, Bác thấy rõ, đâu là nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời thể hiện một cách chân thành tư tưởng trọng dụng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ” vốn là bản chất cao cả của các bậc vĩ nhân.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác, biết bao người tài đức, các nhân sĩ trong nước và nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tự nguyện đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng hòa bình. Các bậc danh nhân như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, các trí thức tân tiến tài năng như Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa… và biết bao người con ưu tú khác vì kính trọng và cảm kích trước trí tuệ trác tuyệt cùng với những lời cầu hiền tha thiết của Bác đã dốc lòng vì nghĩa lớn, góp phần xứng đáng cho thành quả của đất nước Việt Nam.
Nguyễn Tấn Tuấn
(Theo tư liệu về Hồ Chủ tịch)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)