Xây nhà ống là nét đặc thù phổ biến tại các khu đô thị đất chật người đông. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân đầu tiên gây ra nhiều vụ chết người khi bị hỏa hoạn do không tìm được lối thoát hiểm ra bên ngoài.
Phòng cảnh sát PCCC Q.Gò Vấp tập huấn chữa cháy cho người dân |
Hầu hết các vụ hỏa hoạn gây chết người gần đây tại các khu đô thị lớn cho thấy các nạn nhân đều bị thiệt mạng oan uổng do sống trong những ngôi nhà hình ống chật hẹp đang phổ biến ở Việt Nam.
Chết vì nhà hình ống
Rạng sáng 12-3-2017, người dân sống trên tỉnh lộ 10 phát hiện khói lửa bốc lên tại ngôi nhà ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân nên hô hoán. Nhờ lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM kịp thời đến hiện trường để dập lửa khoảng 30 phút sau đám cháy lớn đã được khống chế. Tuy nhiên, do không có lối thoát 4 người sống trong căn nhà hình ống đã tử vong. Gần đây nhất là vào ngày 23-9 một vụ cháy từ một căn nhà cấp 4 trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình cũng đã làm cho một người bị thiệt mạng. Mặc dù tìm mọi cách để ra ngoài nhưng ngôi nhà không có lối thoát nên chủ nhà đã phải chấp nhận cái chết đau lòng. Cũng giống như các vụ cháy khác hầu hết nạn nhân đều sống trong những căn nhà có diện tích nhỏ hẹp được xây theo hình ống không có lối thoát.
Thực tế cho thấy, tại các đô thị lớn hiện nay do lượng người nhập cư đông, diện tích đất chật hẹp nên mẫu nhà ở cũng thay đổi cho phù hợp mà phổ biến nhất là nhà hình ống. Nếu trước đây chiều ngang của một ngôi nhà tối thiểu là 5 hoặc 6 mét thì hiện nay do quỹ đất khan hiếm nên có những căn nhà chỉ còn 4 và thậm chí còn 3 mét trong lúc chiều dài vẫn từ 12 – 15m. Vì thế, thiết kế những ngôi nhà này được gọi là nhà hình ống. Đây là điều khó khăn nhất khi thoát hiểm vì toàn bộ ngôi nhà chỉ có một lối ra duy nhất nhưng đã bị lửa phong tỏa.
Nhiều người sống tại Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội đến nay vẫn còn ám ảnh vụ hỏa hoạn ở ngôi nhà số 37, ngõ 205/53 P. Xuân Đỉnh vì có 4 người trong gia đình chết cháy dù đã chạy thoát lên tầng 3 của ngôi nhà. Mặc dù mọi người nghe thấy tiếng kêu thất thanh bên trong nhưng không thể cứu được vì các cửa ra vào đều bị khóa chặt. Đến khi dập được ngọn lửa lực lượng cảnh sát vào kiểm tra bên trong thì phát hiện người chồng tử vong ở tầng 2 còn người vợ và 2 đứa con nhỏ tử vong ở tầng 3.
Cần có cửa thoát hiểm
Hàng xóm sống xung quanh cho biết, việc dẫn đến cái chết thương tâm của gia đình 4 người là do căn nhà xây kín, không có lối thoát hiểm, cửa chính ở tầng 1 bị khóa nhiều lớp. Trong lúc đó các tầng khác phía bên ngoài xây rào lưới sắt nên người ở bên trong không thể thoát ra được. Cũng do nhà xây theo dạng hình ống nên ngoài mặt tiền 3 mặt còn lại đều không có cửa thoát hiểm. Thiết kế này đã đẩy gia chủ vào nguy hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra và mức độ sống sót rất thấp. Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC, hơn 50% các vụ cháy nổ xảy ra đều liên quan tới nhà dân, trong đó có không ít những ngôi nhà dạng hình ống. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, rất khó thoát hiểm nên dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người.
Kỹ sư thiết kế công trình xây dựng Bùi Sĩ Ân (Công ty TNHH Xây dựng An Lộc, Q.Gò Vấp) cho biết, trong xu hướng phát triển và đô thị hóa như hiện nay, nhà hình ống rất phổ biến tại khu vực nội thành. Nhìn vào quy hoạch các khu dân cư mới được phê duyệt, hầu hết dự án đều có các nhà chia lô dạng ống. Hầu hết nhà hình ống đều chỉ có một lối đi tại tầng một, có cửa lên sân thượng nhưng quanh năm bị khóa kín để phòng trộm. Nhiều nhà ống cũng ít cửa thoát hiểm, lại bị khóa kín nên khi xảy cháy, trong cơn hoảng loạn, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Đây là điều rất nguy hiểm. |
Kỹ sư thiết kế công trình xây dựng Bùi Sĩ Ân (Công ty TNHH Xây dựng An Lộc, Q.Gò Vấp) cho biết, trong xu hướng phát triển và đô thị hóa như hiện nay, nhà hình ống rất phổ biến tại khu vực nội thành. Nhìn vào quy hoạch các khu dân cư mới được phê duyệt, hầu hết dự án đều có các nhà chia lô dạng ống. Hầu hết nhà hình ống đều chỉ có một lối đi tại tầng một, có cửa lên sân thượng nhưng quanh năm bị khóa kín để phòng trộm. Nhiều nhà ống cũng ít cửa thoát hiểm, lại bị khóa kín nên khi xảy cháy, trong cơn hoảng loạn, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Đây là điều rất nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Văn Băng – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyên, nếu xây nhà hình ống thì ngoài cửa chính cần có thêm một lối thoát hiểm bên trong, hạn chế xây bít 3 phía còn lại. Đối với nhà nhiều tầng, để bảo đảm an toàn mỗi tầng ít nhất có một ban công và hạn chế lắp thêm lồng sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp lưới sắt thì có cửa chốt trong và không khóa. Nếu có khóa thì cần trang bị búa, rìu và treo chìa khóa bên cạnh. Trường hợp cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ tìm khi mở và để chìa khóa nơi dễ thấy, dễ lấy. Cửa ra vào chính của ngôi nhà tại tầng một thường làm rất kiên cố, cần có giải pháp để dễ mở khi xảy ra sự cố như: Để chìa khóa tại vị trí dễ lấy, nếu lắp đặt cửa cuốn thì phải có cả bộ lưu điện và bộ tời bằng tay. Ngoài ra mỗi nhà cần trang bị sẵn thang dây, ống tụt với độ dài bằng chiều cao ngôi nhà để có thể thoát nạn khi xảy ra cháy.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương Đăng
Bình luận (0)