Tây Bắc thành phố quá khứ và hiện tại
34 năm trước nơi đây là đồn Chi Khu 1 của ngụy quyền Sài Gòn, bây giờ là Nhà truyền thống của huyện |
Những ngày này 34 năm trước, tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố đã xảy ra những trận đánh ác liệt để mở đường cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Và Củ Chi, Hóc Môn – mảnh đất hứng chịu nhiều bom đạn của 34 năm trước giờ đang từng bước san lấp những hố bom, dây thép gai, đồn bốt…, để đưa các công trình nhà máy xí nghiệp về đây cắm rễ, đưa tiến trình công nghiệp hóa nông thôn tiến nhanh về đích.
Ngày này năm ấy…
Đại tá Phạm Tấn Thành (Hai Thành) người Phó chi ủy 1, Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn 2) năm xưa vẫn nhớ rõ mồn một từng chi tiết, từng ngõ ngách của những trận đánh vào các sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.
Chú Hai Thành kể, theo kế hoạch 6 giờ chiều ngày 28-4-1975, Trung đoàn Đất Thép Củ Chi do đồng chí Tám Sơn (Nguyễn Văn Sơn) chỉ huy cùng Trung đoàn chủ lực Binh đoàn 3 đánh chiếm cầu Bông (giờ là cầu An Hạ) trên quốc lộ 22 và cầu Xáng trên tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông, đây là hai con đường huyết mạch chạy về Sài Gòn. Rạng sáng ngày 29-4-1975, khi có lệnh tổng tiến công đánh thẳng vào Đồng Dù (căn cứ quân sự của Sư đoàn 25 ngụy quyền) thì ở tất cả các xã phong trào toàn dân nổi dậy cướp chính quyền cũng được triển khai nhanh chóng. Những người nông dân sống trong ấp chiến lược như Trung Hòa, Phước Hưng, Cây Trôm, Bàu Tre, Tân Quy, Hội Thạnh, Hòa Phú, Cây Bài, Phước An,… bình thường họ chỉ là những người thợ may vá, thêu thùa, đan lát, cấy hái giờ bỗng dưng ai cũng súng ống trong tay nổi dậy khắp nơi nơi càng làm cho chính quyền của ngụy quân hoảng hốt, tháo chạy tan rã.
Đến chiều ngày 29-4-1975 thì 2 Chi khu Củ Chi và Phú Hòa (trụ sở hành chính của ngụy quyền Sài Gòn đóng trên địa bàn huyện Củ Chi) đã được lực lượng cách mạng và nhân dân Củ Chi thôn tính. Cùng lúc đó căn cứ Đồng Dù cũng được Trung đoàn Đất Thép Củ Chi chiếm giữ. Đánh dấu cột mốc Củ Chi hoàn toàn giải phóng trong ngày 29-4.
Vào thời điểm này, Trung đoàn Quyết Thắng do anh Bảy Ga (Nguyễn Văn Ga) chỉ huy cũng đã giải phóng được các xã cánh Nam huyện Hóc Môn như Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Bà Điểm, Tân Thới Nhì… đồng thời đánh chiếm luôn cầu An Hạ, trên quốc lộ 22 con đường huyết mạch làm cầu nối giữa tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh với Sài Gòn – Gia Định. Sau khi cắt đứt được liên lạc giữa các đơn vị hành chính của ngụy quyền ở các tỉnh, Trung đoàn Quyết Thắng từng bước giải phóng một số phường cánh Bắc của Tân Bình, Tham Lương…
Tại Hóc Môn, ngày 29-4-1975 lực lượng du kích và quần chúng nhân dân của 2 xã An Phú Đông và Tân Thới Hiệp nổi dậy cũng đã cướp được chính quyền. Cùng thời điểm trên, Trung đoàn 116 sau khi chiếm giữ cầu Bình Phước kéo thẳng về khu vực các xã cánh Bắc của huyện diệt một trung đội cảnh sát tại cầu Trường Đai (Gò Vấp), tiêu diệt luôn một trung đội trinh sát của khu huấn luyện Quang Trung, mở hai cửa để quân ta tiến đánh vào sân bay Tân Sơn Nhứt. Lúc này Tiểu đoàn 14 đặc công đánh chiếm cầu Chợ Cầu (phường Đông Hưng Thuận) và Đài phát thanh Quán Tre.
Ở các xã Tân Hiệp, Tân Xuân trong ngày 29-4, quần chúng cùng lực lượng vũ trang tại chỗ nổi dậy kêu địch đầu hàng. Lúc đầu chúng còn ngoan cố chống cự nhưng do sức mạnh của quần chúng áp đảo địch phải bỏ chạy, quần chúng giành chính quyền và làm chủ các trụ sở xã tại đây.
Tại thị trấn Hóc Môn, quân giải phóng thuộc Trung đoàn Gia Định cùng lực lượng vũ trang địa phương Hóc Môn đã tấn công căn cứ ngụy thành Ông Năm. Rạng sáng 30-4-1975 đoàn quân đã chiếm được thành.
Lúc 7 giờ sáng ngày 30-4-1975, thị trấn Hóc Môn được giải phóng. Đến 10 giờ trưa thì toàn quận Hóc Môn đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Hóc Môn nô nức phấn khởi mừng chiến thắng vẻ vang ngày quê hương 18 thôn vườn trầu được giải phóng.
34 năm san lấp hố bom
Đưa chúng tôi vòng quanh Củ Chi, nơi những đồn bốt, những bãi chiến trường khốc liệt nhất của Củ Chi, chú Hai Thành, một trong những người chỉ huy các trận đánh năm xưa liên tưởng, đây là khu bàu đế một đồn bốt chi khu của quận Phú Hòa trước đây. Ngày sau giải phóng đây là mảnh đất nhiều bom đạn còn vương vãi ở lại, dây thép gai và hầm hố còn rất ngổn ngang. Nhưng giờ đây trước mắt tôi là một khu công nghiệp Tân Quy rộng hàng trăm ha, với hàng chục công ty xí nghiệp trong và ngoài nước đang san lấp những hố bom này để xây dựng nhà máy sản xuất, quyết tâm cắm rễ trên vùng Đất Thép nhiều bom đạn. Ở Khu công nghiệp Tây Bắc cũng vậy, vết tích của những hầm, hố bom, công sự của sư đoàn 25 ngụy quyền đã xóa sạch. Thay vào đó là những công trình nhà máy, phân xưởng đồ sộ đang mọc lên sau 34 năm giải phóng. Đồng bưng heo hút đầy rẫy những hố bom của 2 xã Tân Phú Trung và Tân Thông Hội giờ đây cũng đang hình thành một khu công nghiệp với quy mô trên 550 ha. Đây cũng là một trong 3 công trình đưa Củ Chi phát triển mạnh mẽ công nghiệp hóa trong chặng đường sắp tới.
“Về Củ Chi đi đường nhựa” đó là câu nói đầy thú vị của những người khách phương xa sau nhiều năm về thăm lại đất thép. Thật vậy, một trong những thắng lợi lớn nhất sau 34 năm giải phóng ở Củ Chi có thể kể đến là các công trình nhựa hóa đường giao thông nông thôn. Dạo quanh các xã vùng sâu, vùng xa và khu kháng chiến cũ, những con đường mới tinh khôi cắt ngang xẻ dọc quanh các thôn ấp như rút ngắn lại khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Gần 300km đường đất đã được nhựa hóa ở 21 xã thị trấn sẽ là cơ sở hạ tầng vững chắc để Củ Chi mời gọi đầu tư, là bước qui hoạch đón đầu trong tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, lan dần về phía Tây Bắc thành phố.
Tại Hóc Môn cũng vậy không khí của những ngày tháng 34 năm trước cũng đang rạo rực len lỏi trong lòng những người dân nơi đây. Cựu chiến binh Trần Văn Tầng ở Đông Thạnh hóm hỉnh nói: “Ngày xưa vừa lo chạy ăn vừa đánh giặc mà đã thắng lợi. Giờ hòa bình đã có nhiều cơ hội làm giàu hơn tại sao không chịu nắm bắt”.
Trong những năm gần đây tình hình công nghiệp hóa ở Hóc Môn cũng đang diễn ra với tốc độ khá cao. Trên các chiến địa, vết tích cũ của những đồn bốt như quân trường Quang Trung, thành Ông Năm, Ngã Ba Đồn… giờ được thay áo mới là khu công nghiệp phần mềm, khu công nghiệp sạch… Địa bàn huyện cũng đã hình thành những khu công nghiệp lớn như Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Bà Điểm… điều này sẽ càng chắp cánh cho Hóc Môn tiến nhanh về đích trong quá trình công nghiệp hóa.
Bác Ngô Sĩ Kiên, cách đây 34 năm là người chiến sĩ tham gia trận đánh chiếm cầu Bình Phước khẳng định: “Dẫu 34 năm, hay 50 năm đã đi qua, người Hóc Môn vẫn chiến đấu và chiến đấu. Xưa quân và dân chung lưng chiến đấu chống giặc, giờ thì chung lưng xây dựng quê hương”.
Nguyễn Đạt
Bình luận (0)