Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2009)

Tạp Chí Giáo Dục

Trở về từ địa ngục trần gian

Bài 3: Khí tiết người thai phụ

Sống trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cuộc đời của chị Trần Thị Tố Nga không chỉ gắn bó với bục giảng mà còn có đạn bom gầm réo giữa chiến trường và cả xiềng xích trong nhà lao của kẻ thù. Cuối cùng bằng ý chí đấu tranh bất khuất, chị đã chiến thắng mọi uy lực của quân thù.
Một mình lên máy bay đi tập kết
Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, mới 9 tuổi Nga đã được các chú cho đi làm giao liên. Chưa hiểu cách mạng là gì nhưng cô bé quê ở xã Khánh Hưng, Châu Thành, Sóc Trăng vui lắm. Lúc đầu bọn địch không để ý gì đến một đứa con nít nhưng lâu dần có nguy cơ bị lộ, công việc của Nga càng khó khăn hơn. Năm 1954, hai người trong gia đình Nga theo tàu tập kết nhưng Nga vẫn còn ở lại theo yêu cầu của tổ chức. Gần một năm sau trên chuyến bay cuối cùng từ Sài Gòn ra Hải Phòng người ta thấy có một cô bé chỉ độ 14 tuổi đi một mình ra Bắc tập kết.
 Những năm tháng ở Trường Học sinh miền Nam, dù được ưu tiên học tập trong điều kiện tốt nhất nhưng Nga vẫn nhớ về quê hương, nơi mảnh đất thân yêu mà bom đạn quân thù ngày đêm vẫn dội xuống cuộc sống của người dân. Đang ngồi trên ghế giảng đường, cô sinh viên Trần Thị Tố Nga vẫn ngóng chờ ngày ra trường được trở về miền Nam công tác. Thế rồi đến năm 1966, trong nhóm đi B tổ ba người ngoài anh Nguyễn Đức Châu làm tổ trưởng, thầy giáo Phạm Như Hải còn có cô “em út” Tố Nga, sinh viên Khoa Hóa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới ra trường.
 Vào đến cơ quan Trung ương Cục miền Nam, Tố Nga được phân về làm phóng viên tại Thông tấn xã Giải Phóng, theo dõi tin tức và viết bài thời sự chiến trường. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị trong thời gian này là tham gia đánh trận càn Johnson City nhắm vào căn cứ TW Cục năm 1967 và sau đó được đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ miền Nam tại Bù Đốp (Bình Phước). Với những thành tích đó chị được tổ chức tin tưởng giao cho nhiệm vụ luồn sâu vào nách địch để liên lạc, tuyên truyền chủ trương đường lối cách mạng với tầng lớp trí thức Sài Gòn. Năm 1971, chị được phân công về Ban Mặt trận trí vận Sài Gòn – Gia Định. Biết là nguy hiểm, không ít người lo lắng cho chị nhưng Tố Nga nghĩ rằng việc gì cách mạng giao là mình nên làm và phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đúng như dự đoán, sau khi cơ sở bị lộ chị đã sa vào tay giặc. Chị nhớ lại: “Đêm 10-8-1974, bọn địch cho lính đến bao vây và xét nhà tôi. Do khi lục soát nhà chúng đã tìm thấy được một lá thư hẹn của đồng chí Tám Cần – Trưởng ban Mặt trận trí vận Sài Gòn mà tôi chưa kịp đốt nên chúng đã giải tôi đi”.
Cảm ơn ngày 30-4
 Bắt đầu từ đó là những ngày biệt giam bị tra khảo dụ dỗ để mong tìm ra những đồng chí khác. Chúng đưa ảnh chị ra để làm bằng chứng, kể lại những ngày chị ra Bắc tập kết rồi trở về Nam hoạt động. Một tên cảnh sát còn tuyên bố: “Bắt được Tố Nga là biết hết cơ sở cách mạng”. Chính vì thế chúng dùng đủ mọi thủ đoạn để thực hiện cho được mục đích cuối cùng. Đây là cuộc đối đầu không cân sức nhưng cuối cùng bọn chúng vẫn không khai thác được gì. Những ngày sống trong xà lim, chị đã chịu không biết bao nhiêu đòn tra tấn mặc dù biết chị có thai mà chúng vẫn không tha. “Biết tôi có mẹ già và hai đứa con còn nhỏ nên chúng thường đem ra để dọa dẫm, nếu không khai thì sẽ cho lính đến nhà bắt người thân. Chúng còn đem đứa em họ đến gần chỗ tôi để tra tấn nhằm lung lạc tinh thần” – Chị Nga tâm sự. Khó khăn nhất là những ngày tuyệt thực để đấu tranh với kẻ thù, vì cái thai trong bụng chị ngày một lớn. Nhiều người lo lắng cho chị nếu nhịn ăn nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đứa bé. Trong lòng chị cũng rất thương núm ruột của mình nhưng không thể vì tình cảm riêng tư mà phải đầu hàng quân giặc. Cái thai trong bụng ngày một lớn, sức khỏe của chị cũng giảm sút nhưng đó lại là điều may mắn vì bọn chúng ít đưa chị ra tra khảo hơn.
Cũng trong những ngày đen tối đó chị mới càng hiểu hết tình người, nhất là tình đồng chí khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Dù chỉ là một con cá khô giấu trong bịch rác, nửa con châu chấu nhét đậu phộng, một chai dầu gió của những bạn tù đưa cho chị qua song sắt nhưng thật nồng ấm nghĩa tình của những tấm lòng mà chưa một lần chị biết tên họ là ai. Ngay cả lúc bọn lính đưa chị đến nhà thương Hùng Vương để sinh nở, một số y tá biết chị là tù chính trị đã tỏ thái độ khác hẳn, ai cũng ân cần chăm sóc chị từng li từng tí mặc dù có bọn cảnh vệ đứng bên cạnh. Chị Nga kể tiếp: “Tôi trở về khám khi con gái tôi mới được tám ngày, hai ngày sau chúng gọi tôi lên thẩm vấn liền. Tôi đòi được bế con đi theo nên chúng không tra hỏi được nhiều vì cháu thiếu sữa quấy khóc suốt cả buổi”. Dù biết chị đang có con nhỏ nhưng chúng vẫn không tha, sau đó một tháng lại bắt đầu tra tấn tiếp cho đến ngày 30-4-1975 nhờ bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn, mẹ con chị mới được “sổ lồng tung cánh”.
Từ một người đặt nền móng khai sinh ra ngôi Trường cấp 1 Lê Thị Hồng Gấm, chị Trần Thị Tố Nga bắt tay vào công việc giảng dạy, quản lý cùng anh em đồng nghiệp khắc phục những hậu quả của chiến tranh đưa nền giáo dục cách mạng đến với nhân dân, đồng bào. Sau này khi trở thành Hiệu trưởng Trường cấp 3 Marie Curie (năm 1979) và Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (năm 1987) chị đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, giáo sinh theo học.
Nghỉ hưu rồi chị vẫn còn duyên nợ với ngành và tìm mọi cách xin kinh phí từ các đơn vị trong nước và cả nước ngoài để xây thêm trường. Nhiều người ví chị như chiếc gạch nối giữa hai nước Việt – Pháp trong việc giao lưu văn hóa giáo dục và tìm nguồn tài trợ kinh phí từ Pháp cho các trường học. Chính những đóng góp đó mà chị là một trong số ít người được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Hương Thủy 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)