Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30-4-1975/30-4-2010: Những cuộc chiến sinh tử

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 3: Đặc công Rừng Sác

Thiếu tướng Trần Thành Lập (phải) cùng phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM

“Chiến sĩ Rừng Sác chiến đấu với các trận càn quét, những trận pháo kích của địch như cơm bữa. Để vào ấp chiến lược lấy nước, liên lạc phải vượt qua nhiều lớp hàng rào thép, mìn, lựu đạn. Cuộc sống “lấy cây làm giường, mặt nước làm nhà”, hái ngọn chà là, rau kền, đọt ráng làm thức ăn; sống giữa mênh mông sông nước nhưng anh em phải chia nhau từng lon nước ngọt. Gian khổ, hiểm nguy là vậy nhưng các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến công vang dội đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc…” – Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 lúc bấy giờ cho biết. 
Cho tổ quốc trường tồn
Dù quá khứ đã lùi sâu hơn 40 năm, nhưng giờ nhớ lại Thiếu tướng Trần Thành Lập vẫn ngậm ngùi: “Sau gần 4.000 ngày bám trụ ở chiến khu Rừng Sác, hơn 1.000 chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, trong đó hơn 800 chiến sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Các đồng chí của tôi đã hòa vào sông nước mênh mông Rừng Sác cho tổ quốc trường tồn”.
Tướng Lập kể tiếp: Sau khi nhận chức Trưởng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng Mỹ Oát-mo-len xác định Rừng Sác là vị trí huyết mạch nên đã cho nâng cấp hệ thống phòng thủ, và chỉ đạo cho các đơn vị bằng mọi giá phải bảo vệ vị trí này. Lúc này, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác mang mật danh T10, sau đó đổi thành Đoàn 10, với nhiệm vụ “chặn cổ” sông Lòng Tàu, đồng thời đánh các quân cảng, kho tàng, phát triển chiến tranh du kích, làm tiêu hao sinh lực địch…
Đoàn 10 nằm giữa khu rừng đước, sú, với kênh rạch chằng chịt, con nước lên xuống theo thủy triều. Các chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa thay nhau đốn cây để kết lại thành sạp lấy chỗ ăn, ngủ. “Muốn có nước uống phải đi lấy ở những giếng nằm trong vùng chiến lược. Vì vậy có không ít anh em đi lấy nước về cho đoàn cùng uống đã mãi mãi nằm lại nơi đây trước làn bom đạn của quân thù. Sau này, ta nấu nước mặn để lấy nước ngọt theo kiểu chưng cất như nấu rượu hiện nay. Số nước ít ỏi đó được chia cho anh em, trung bình mỗi ngày một chiến sĩ được 4 lon sữa bò nước – Tướng Trần Thành Lập nói tiếp – Để có số nước đó, anh em rất cẩn trọng trong việc đun nấu, nếu có khói là máy bay địch lập tức oanh tạc, pháo từ xa cũng phun tới như mưa. Do đó anh em phải chọn thứ củi thật khô, dễ cháy, ít khói và đun theo dạng bếp Hoàng Cầm. Chưa hết, anh em phải cử người trèo lên cao để xem có khói hay không. Các chiến sĩ chú ý từng tý một, nếu không thì nấu được một giọt nước vô tình mất một giọt máu. Ngoài cách “chưng” nước đó, anh em còn sáng tạo ra một cách khác để lấy nước, đó là chẻ cây ra thành từng thanh rồi ghép lại giống như hình chiếc thùng và lót tấm ni lông vào bên trong để hứng nước mỗi khi trời mưa. Nhưng độc đáo nhất vẫn là cách lấy nước theo kiểu người ta lấy mủ cao su.
Đến bây giờ, vị tướng già Trần Thành Lập vẫn không thể nào quên những khó khăn trong suốt 3 năm bị địch phong tỏa (từ năm 1969 đến 1971). Từ 40 anh em đặc công tinh nhuệ được tăng cường cho Đại đội 5 vào năm 1967, đến đầu năm 1971 chỉ còn 10 người và đến cuối năm đó còn lại 7 người. Gạo hết, anh em phải tìm hái ngọn chà là, rau kền, đọt ráng, mò cua bắt ốc để ăn cầm hơi cho có sức chiến đấu. Sau 3 năm, Đoàn 10 đã liên lạc được với cơ sở và nhờ tiếp tế gạo, thuốc men. “Mỗi lần có thuyền ghe nào của dân ra khơi đánh bắt là kèm theo vài ba ký gạo, nhưng địch cũng kiểm soát dữ lắm. Số lương thực ít ỏi đó chỉ đủ để nấu cháo cho các anh em bị thương nặng, còn lại đều phải ăn rau, ăn củ, ốc cua mà thôi”, Thiếu tướng Trần Thành Lập nói.
Nỗi kinh hoàng của kẻ thù
Khẩu hiệu: “Rừng Sác là nhà, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm, bến cảng kho tàng là trận địa, có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh và đã đánh là thắng”. Nhiều chiến sĩ xác định quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, không ít chiến sĩ đã được đồng đội làm “giỗ sống” khi đi làm nhiệm vụ. Xuất phát từ tinh thần đó, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã lập nên nhiều chiến công vang dội. 
Đầu năm 1967, Mỹ bắt đầu rải chất độc hóa học để diệt trụi Rừng Sác với mục đích không còn chỗ cho Việt Cộng ẩn nấp. Hết rừng, quân ta lại đào hầm. Những cái hầm chữ A nửa chìm nửa nổi nước ngập bì bõm là nơi che bom che đạn, là nơi cứu chữa cho các anh em thương binh. Sau đó anh em đào hầm sâu xuống và rộng hơn, đóng 2 đầu 2 cọc, cột chiếc võng vào đó. Bên ngoài chiếc võng phải dùng ni lông bịt lại để nước không ngấm vào, rồi đặt thương binh nằm đó mà điều trị. Thiếu thốn trăm bề, thuốc men không có, nhiều lúc phải hái lá rừng làm thuốc, xé chăn màn làm băng, nấu nước sông lọc lấy muối rồi dùng muối đó đun sôi để rửa vết thương cho anh em thương binh.
Cuộc sống chật vật, kham khổ tột cùng là vậy nhưng các chiến sĩ Rừng Sác vẫn chiến đấu với một tinh thần quả cảm, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tướng Trần Thành Lập vẫn nhớ như in trận đánh giòn giã và ác liệt nhất của đặc công Rừng Sác: “Khi địch phát hiện lực lượng của ta tại sông Ông Kèo, chúng đã mở một trận càn lớn. Để mở màn cho trận càn này thì hôm trước chúng đã cho máy bay B52 ném bom rải thảm và cấp tập pháo. Đúng 6h30 ngày 24-4-1969 địch huy động 12 chiếc tàu đổ quân từ sông Lòng Tàu vào sông Đồng Tranh và sông Ông Kèo. Ở đầu 2 con sông này chúng bố trí 1 tàu chỉ huy do tướng Đê – vít, Trưởng lữ đoàn 199 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy. Về phía ta đã mai phục sẵn, 11 chiếc tàu đi vào chỗ mai phục, chiếc thứ 12 vừa tới, pháo của ta dội xối xả xuống khóa đuôi và làm chìm hết 12 chiếc tàu. Cùng lúc đó, một máy bay trực thăng chở một tướng Mỹ định đáp xuống boong tàu chỉ huy ở phía ngoài đã bị ta bí mật tiến tới nã một quả B41 làm banh xác chiếc máy bay”. Xong trận đó, anh em đã sáng tác 2 câu thơ: “Xác tàu giặc ngăn dòng sông chảy. Máu quân thù nhuộm đỏ lòng sông”. Tiếp đó là những trận đánh thắng vang dội như: trận đánh vào kho bom đạn Thành Tuy Hạ đêm 11-11-1972 phá hủy hơn 10.000 tấn bom đạn, 33 nhà kho; trận đánh kho xăng Nhà Bè lớn nhất Sài Gòn rạng sáng 3-12-1973 thiêu hủy 200 triệu lít xăng dầu, một tàu dầu 12.000 tấn, một khu chứa khí đốt… Từ đây chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Trong 9 năm, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh 595 trận, diệt 6.200 tên địch; đánh chìm, cháy 356 tàu thuyền; bắn rơi 29 máy bay… Đoàn 10 đã được tuyên dương anh hùng; Đội 5 – Đoàn 10 được 2 lần tuyên dương anh hùng; 6 đặc công được phong anh hùng…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)