Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng Quảng Ngãi (24-3-1975/24-3-2010): 35 mùa xuân gieo chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Quảng Ngãi trong giờ học

Sau 35 năm vượt qua bao khó khăn, ngành GD-ĐT Quảng Ngãi luôn nỗ lực chèo lái con thuyền giáo dục tiến lên, ngày càng nâng cao chất và lượng. Đến nay, Quảng Ngãi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi và đào tạo nhiều nhân tài cho quê hương đất Quảng.
Chặng đường cam go
Trong những năm kháng chiến, Quảng Ngãi đã ngoan cường đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm, kể cả giặc dốt và giặc đói. Tiền thân, nơi đây là cái nôi đào tạo nhân tài cho Liên khu V với 2 trường tiêu biểu là Trường Trung học Lê Khiết và Trường Trung học Bình dân học vụ miền Nam Trung bộ. Kế thừa truyền thống hiếu học, nhiều học sinh Quảng Ngãi đã trở thành lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hai tuần sau ngày giải phóng Quảng Ngãi (24-3-1975), hệ thống trường học nhanh chóng đi vào ổn định và tổ chức cho học sinh đến lớp. Trong niềm vui hân hoan, học sinh cấp 1 và cấp 2 bắt đầu đến trường ngày 5-4; cấp 3 tựu trường ngày 10-4. Năm học đầu tiên sau giải phóng, Ty Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi (lúc bấy giờ) đã kề vai sát cánh đến từng trường học, cùng với sự quan tâm chặt chẽ từ chính quyền địa phương đã tạo nên thành tích “gieo chữ” trong muôn vàn khó khăn, cực nhọc. Năm học 1975-1976, toàn tỉnh có 85.116 học sinh, được tập trung trong 2.237 lớp học và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, 3.
Mặc dù ngành giáo dục tích cực tổ chức trường lớp, nhưng số đông những người tham gia kháng chiến vẫn còn chưa biết chữ. Vừa xây dựng kinh tế, vừa chống giặc dốt, ngành giáo dục tiếp tục “gieo chữ” khắp nơi trên toàn tỉnh với hệ thống lớp bổ túc văn hóa cho 2.252 học viên; bổ túc văn hóa cấp tỉnh, huyện cho 435 học viên; phổ thông nội trú tỉnh cho 70 học viên; đào tạo dạy nghề cho 70 học viên và 2 trường sư phạm tỉnh đào tạo 118 giáo sinh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, cố gắng bám trường, bám lớp để đem ánh sáng văn hóa đến nhân dân đất Quảng.
Năm 1977, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Kể từ đó, ngành giáo dục tiếp tục nhân rộng quy mô trường lớp, cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng tình hình giai đoạn xây dựng đất nước. Công tác chống mù chữ được đẩy mạnh, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xóa nạn mù chữ trên diện rộng, đúng vào ngày 30-4-1977. Đến năm 1989, Quảng Ngãi tiếp tục “thai nghén” khi tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (như ngày nay). Những ngày đầu tách tỉnh, Quảng Ngãi lâm vào cảnh khốn khó, thiếu ăn thiếu mặc. Đội ngũ giáo viên xin nghỉ việc khá nhiều (chiếm 4,57%) bởi đồng lương “không thắt chặt bao tử”; hơn 12.279 học sinh bỏ học vì niềm tin vào tương lai trở nên mù mịt.
“Thời kỳ tách tỉnh, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, học sinh bỏ học tràn lan, còn phòng học che tạm bằng “tranh tre lá” đã khiến một số giáo viên phải “nhảy nghề”. Chỉ có những giáo viên yêu nghề mới trụ lại được cho đến ngày hôm nay”, ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tâm sự.
Vượt lên chính mình

Các em học sinh xin sách vẽ

Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, ngành GD-ĐT Quảng Ngãi được Đảng và Nhà nước, các tỉnh bạn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kiến thức chuyên môn lẫn tinh thần để xây dựng ngành giáo dục đạt được nhiều thành tích trên cả mong đợi.
Hiện nay toàn tỉnh có 193 trường mầm non, mẫu giáo; 230 trường tiểu học; 165 trường THCS (trong đó 6 huyện miền núi đều có trường THCS dân tộc nội trú); 37 trường THPT (trong đó có 27 trường công lập; 9 trường bán công, tư thục và dân lập; 1 trường đào tạo hệ chuyên thuộc Trường THPT chuyên Lê Khiết); 2 trường đại học: ĐH Phạm Văn Đồng và ĐH Công nghiệp TP.HCM (cơ sở miền Trung); 3 trường cao đẳng: CĐ Tài chính Kế toán III, CĐ Công nghệ Kỹ thuật Quảng Ngãi và CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất và 4 trường trung cấp.
Với những nỗ lực không ngừng, đến nay Quảng Ngãi đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia: 12 trường mầm non, mẫu giáo, 102 trường tiểu học, 51 trường THCS, 8 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi (phổ cập giáo dục THCS hoàn thành vào tháng 12-2008).
Ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Hành trình 35 năm xây dựng thật gian nan, có những thời điểm thiếu thốn trăm bề. Nhưng cho đến nay, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tích trên tinh thần yêu nghề. Từ đồng bằng đến vùng núi, các trường học phát triển rộng khắp, đáp ứng cho từng cấp học và số học sinh đến trường tăng dần do nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, cùng đó là tinh thần hiếu học của con em Quảng Ngãi. Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy… điều đó thể hiện qua các lớp học được kiên cố hóa, cơ sở vật chất đảm bảo, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày được nâng cao. Chất lượng giáo dục vững mạnh như hoàn thành phổ cập giáo dục, tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, số học sinh đậu đại học, cao đẳng chiếm gần 30%. Tôi tin tưởng sự phát triển bền vững của ngành, khi thế hệ trẻ đang là lực lượng nòng cốt tại các huyện miền núi gian khó, họ có sức trẻ, tinh thần yêu nghề và tiếp nhận phương pháp giảng dạy sáng tạo. Chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cao đời sống, bồi dưỡng kiến thức giảng dạy cho giáo viên, gắn liền với phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực””.
Bài, ảnh: KIM LONG
“Với thành tích đạt được trong 35 năm qua, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa trên mọi mặt. Vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, vừa phòng chống tái mù chữ, vừa duy trì phổ cập giáo dục bền vững. Để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, ngành cũng cần nhiều sự quan tâm từ các cấp, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành và nguồn lực xã hội hóa”, ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giãi bày.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)