Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2014): Người dẫn đầu phi đội Quyết Thắng

Tạp Chí Giáo Dục

Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung (thứ 3 từ phải qua)
Những ngày cuối tháng 4-2014, chúng tôi rất hạnh phúc khi được ngồi nghe Đại tá, Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam – phi công Nguyễn Thành Trung – kể lại những trận xuất kích cắt bom ngoạn mục của gần 40 năm trước.
Trong mỗi chúng ta, dẫu là người không trực tiếp tham gia chiến đấu đều không được phép quên những ngày tháng hào hùng, những chiến sĩ quả cảm quyết hy sinh cho đất nước đứng lên. Câu chuyện về phi công Nguyễn Thành Trung không chỉ là chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của quá khứ, của một dân tộc giàu truyền thống đoàn kết và anh dũng.
Trận xuất kích tháng 4
Nhắc đến Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, cả thế giới đều biết nhưng ít ai biết rằng đời thường ông rất đỗi bình dị, khiêm tốn, thân thiện từ trong cách ăn mặc, giọng nói cho đến những câu chữ khi nói về mình. Đề cập đến trận xuất kích cuối tháng 4, phi công Nguyễn Thành Trung nhớ như in ngày nhận lệnh từ Đại tá Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri giao cho phi đội Quyết Thắng mà ông là Phi đội trưởng. Hai nội dung trong lệnh của Tư lệnh Quân chủng là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lực lượng phi đội phải tập trung đánh vào sân để máy bay của địch ở Sân bay Tân Sơn Nhất.
16 giờ 30 ngày 28-4-1975, phi đội Quyết Thắng xuất kích từ Sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Phi công Nguyễn Thành Trung lái chiếc số 1, loại A37 dẫn đầu. Ông nhớ lại: “Chúng tôi bay ở tầm thấp dọc theo bờ biển Nam Trung bộ để tránh rađa của địch phát hiện. Khi đến địa phận Xuân Lộc (Đồng Nai), trời mưa rất to, mây đen xám xịt trên bầu trời. Đúng như kế hoạch, chúng tôi nâng độ cao lên đến 2.000m rồi chuyển hướng về Vũng Tàu”.
Theo phi công Nguyễn Thành Trung, việc chuyển hướng là để nghi binh, đánh lạc hướng địch trước khi về Biên Hòa.
Từ trên không trung, phi công Nguyễn Thành Trung thấy rõ mồn một những gì trong khuôn viên Sân bay Tân Sơn Nhất, những điểm mà phi đội cần phải tiêu diệt trong vài giây nữa. Anh ra lệnh tấn công. Chiếc số 2, số 3, số 4 và 5 (phi đội gồm 5 máy bay) đã nhận lệnh, phản hồi: “Rõ”. Chiếc số 1 do ông cầm lái thả bom trước nhưng không hiểu sao, lúc này bom không rơi. Nhanh như chớp, ông lượn lên cao để các chiếc sau “nhã” hàng loạt bom xuống. Sau loạt bom, ông cho máy bay vòng lại bổ nhào xuống, bồi thêm một loạt bom nữa. Khu máy bay với hàng chục chiếc, nhà xe quân sự và cả kho xăng dầu đã rực lửa, khói nghi ngút cả một khoảng không.
Trước đó, lúc 8 giờ 30 ngày 8-4, phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển chiếc F5 đã lên đường ném bom Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất). Ông nhớ lại thời khắc ấy: “Hai quả bom ném không trúng mục tiêu, phải ném tiếp hai quả nữa nhưng chỉ một quả nổ”. Lần ấy, ông còn biến kho xăng Nhà Bè thành chảo lửa trước khi cho máy bay hạ cánh xuống Sân bay Lộc Ninh.
Hai trận xuất kích thành công, căn cứ đầu não của địch bị thiệt hại khá nặng nề đã khiến nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn dao động, góp phần lớn trong việc đẩy nhanh cuộc Tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Niềm hãnh diện của không quân Việt Nam
Hiện nay các con của ông đã là những cơ trưởng, cơ phó của Airbus 321 và Boeing 777, tiếp viên hàng không và công tác tại Trung tâm Đào tạo tiếp viên.
Tên thật của phi công Nguyễn Thành Trung là Đinh Khắc Chung (sinh 1947) tại Châu Thành, Bến Tre. Năm 1963, cha ông là Đinh Văn Dậu lúc bấy giờ là Phó bí thư Huyện ủy Châu Thành đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giết, đó cũng là lý do mà ông đổi tên họ. Nguyễn Thành Trung là con út trong một gia đình có 4 anh em, trong đó 3 người anh đều thoát ly theo cách mạng. Hai năm sau ngày cha mất, ông được các đồng chí trong Ban Binh vận T2 (Khu 8) đưa lên Sài Gòn học tiếp trung học và lấy bằng cử nhân ĐH Khoa học Sài Gòn, thi tuyển vào không lực Việt Nam Cộng hòa theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục Miền Nam.
Từ 1969-1972, ông được đào tạo lái máy bay tại Mỹ. Thời gian này, ông được Ban Binh vận Trung ương Cục Miền Nam bố trí vào cơ sở nội tuyến thuộc lực lượng không quân Sài Gòn. Tại đây, ông dũng cảm, mưu trí ẩn mình trong lòng địch chờ lệnh hành động…
Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung nghỉ hưu vào năm 2008. Thời điểm đó, ông đã được bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng) mời làm việc. Ông tự hào rằng, hiện các con của ông đã là những cơ trưởng, cơ phó của Airbus 321 và Boeing 777, tiếp viên hàng không và công tác tại Trung tâm Đào tạo tiếp viên. Riêng chúng tôi hãnh diện rằng, quân chủng không quân Việt Nam có một phi công Nguyễn Thành Trung tài ba, gan dạ, liều lĩnh xuất kích ở những thời khắc lịch sử quan trọng, đều mang thắng lợi vẻ vang.
Bà Lê Ánh Hồng, người nhiều năm làm y tá cho Thiếu tướng tình báo Lâm Thị Phấn (nguyên mẫu của người đẹp Tây Đô – Bạch Cúc), nhận xét về Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung: “Anh ấy rất gần gũi, hết lòng vì mọi người. Gặp anh lần đầu, không ai nghĩ rằng anh là phi công anh hùng từng dẫn đầu các phi đội thả bom ở các căn cứ đầu não của địch. Anh không thích ai nói nhiều về mình…”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Phi công lái được nhiều loại máy bay 
Đất nước thống nhất, Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung được phân công phụ trách đào tạo và huấn luyện bay tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 935 và Trung đoàn Không quân cường kích 937. Ông cũng là người có nhiều năm đào tạo phi công phục vụ tại chiến trường Campuchia. Với hơn 35 năm kinh nghiệm, lái được nhiều loại máy bay từ F5, A37, AN-26, Boeing 777…, ông đã từng đảm trách chức vụ: Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (Hãng hàng không quốc gia Việt Nam). Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994. 
 
 

Bình luận (0)