Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2021): Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Cả đời đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng thành từ người lính “ba lô, chân đất”, bước chân ông đã in dấu khắp các chiến trường Tây Nguyên, đất thép Củ Chi, Đông Nam Bộ, Trung Bộ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và sau cùng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bất cứ ở đâu ông cũng đều trải qua những trận chiến ác liệt để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, ông tiếp tục vững lòng trong trận chiến mới, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ tham mưu, tác chiến mà còn đi tìm công lý cho những nạn nhân bị chất độc màu da cam/dioxin.


Ở tuổi 74, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn miệt mài viết sách và tỉ mỉ ghi từng dòng chữ tặng cho bạn bè của mình

Ông là thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM).

1.Gặp thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trong những ngày đất nước Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2021), tôi cảm nhận được niềm tự hào dân tộc vô bờ bến qua ánh mắt của ông. Những kỷ niệm về trận chiến, về lãnh đạo tài ba và những người đồng đội thân yêu… được ông lưu lại qua những bức ảnh nhuốm màu thời gian và cất cẩn thận trong ngăn tủ. Nhìn vào bức ảnh của một thanh niên mặc áo lính với gương mặt trẻ măng được treo trên một góc tường, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ bắt đầu kể về thời binh nghiệp của mình. Đó là ngày 30-9-1966, ông chính thức trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320. Qua nhiều lần luân chuyển vị trí, đơn vị, địa bàn hoạt động, năm 1967, ông được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng trinh sát của Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 5, Trung đoàn 88 và chính thức bước vào trận đánh đầu tiên trên đất Củ Chi trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968. Đây là một trong những thời điểm gian khổ nhất của ông và đồng đội nhưng với lòng căm thù giặc, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, người thanh niên tỉnh Hưng Yên này quyết sống chết với kẻ thù ngay từ những năm đầu bước ra chiến trường. Sau 2 đợt Mậu Thân, Trung đoàn của ông rút về khu Bàu Cỏ, Củ Chi giáp Tây Ninh, thuộc vùng “tam giác sắt”. Thời điểm này ác liệt nhất ở chiến trường miền Đông Nam Bộ nói chung và Bắc Sài Gòn nói riêng.


Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ luôn tự hào về tinh thần quả cảm, kiên trung của dân tộc Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh ác liệt, bước chân thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã in dấu khắp các chiến trường Tây Nguyên, đất thép Củ Chi, Đông Nam Bộ, Trung Bộ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và sau cùng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trận chiến nào cũng để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc và khó quên. Trong đó ông nhớ nhất là trận Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Với địa hình thuận lợi, trận chiến Xuân Lộc đã tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng, chớp được thời cơ tiến công mục tiêu chiến lược, tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã quân địch, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh giải phóng của dân tộc kéo dài suốt 30 năm. “Nghiên cứu để tìm ra những giá trị đích thực của chiến thắng Xuân Lộc không thể chỉ một sớm, một chiều, lại càng không phải do một cá nhân hay một vài bộ phận mà là trách nhiệm của quân và dân cả nước” – Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhìn nhận.

Khó có thể nói hết những đóng góp mà thiếu tướng Trần Ngọc Thổ dành cho dân tộc bởi ông đã suốt đời tận tụy vì quê hương, đất nước, vì hòa bình, độc lập.

2. Chiến tranh đã để lại cho thiếu tướng Trần Ngọc Thổ 11 vết thương với 61% thương tật nhưng những vết thương ấy không làm ông đau đớn bằng hậu quả mà chiến tranh đã để lại cho các thế hệ cháu, con. Nhìn những nạn nhân da cam/dioxin chứng kiến họ đang sống một cuộc sống vô cùng khó khăn, đau đớn, nhiều em nhỏ tật nguyền, nhiều người bị ung thư, tâm thần, mù, lòa, câm điếc… tim ông như thắt lại. 

 

Theo thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam đã làm cho hơn 4 triệu người bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc màu da cam/dioxin, trong đó có hơn 1 triệu cựu chiến binh tham gia chiến tranh còn sống. Hàng chục hecta ruộng vườn, rừng núi bị nhiễm chất độc khai hoang diệt cỏ… Điều đó đã để lại hậu quả và di chứng là hơn 7.500 ngàn người Việt Nam bị khuyết tật, dị dạng và dị tật nặng. Hằng năm nhà nước phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng để chăm sóc y tế và nuôi dưỡng những người bị nhiễm chất độc nặng, không còn nơi nương tựa.

Đó cũng chính là nỗi niềm của thiếu tướng Trần Ngọc Thổ. Để rồi khi đã giữ nhiều vị trí quan trọng như: Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7 rồi Tham mưu trưởng Quân khu 7 bận rộn với rất nhiều việc như ông đã nhiều lần đứng ra khởi kiện, buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm với người dân Việt Nam nhưng bao nhiêu lần gửi đơn là bấy nhiêu lần họ bác bỏ vì cho rằng ta chưa đủ chứng cứ. “Hậu quả của cuộc chiến tranh để lại là như vậy mà kẻ gây ra hậu quả thì dửng dưng chưa chịu phần nào trách nhiệm đối với dân tộc mình. Không thể chậm trễ hơn, chúng ta phải đấu tranh với Mỹ, buộc họ phải chụ trách nhiệm về hậu quả này” – Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thể hiện quyết tâm  giành lại quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.


Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chụp hình lưu niệm cùng 
Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Suốt cả đời người cống hiến cho đất nước, nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã nhận được rất nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng I; Huân chương Chiến công hạng III; Huân chương kháng chiến hạng III. Ông cũng đã viết nên 2 cuốn sách: “Từ ký ức lịch sử đến dự báo tương lai” và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ “Cuộc đời và Binh nghiệp” để tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của quân đội và nhân dân trên mảnh đất miền Nam thành đồng Tổ quốc cũng như tri ân đồng đội, đồng bào đã sát cánh bên ông, vượt qua khó khăn, gian khổ để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Năm 2013, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tiếp tục khởi kiện Chính phủ Mỹ lần thứ 4. “Phải tiếp tục kiện từ thế hệ này đến thế hệ con, cháu mai sau, kiện cho thắng lợi hoàn toàn. Vì chất độc đó đã ngấm sâu trong lòng đất và sẽ gây hậu quả di truyền lâu dài cho đời sau và không biết thế hệ nào mới có điểm dừng” – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM khẳng định.

Ở cái tuổi 74 nhưng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ rất khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Ông rất thường xuyên tham gia vào những chuyến thăm và trao quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trẻ em kém may mắn. Với ông, điều đó sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau của những người phải chịu hậu quả của chiến tranh, giúp họ vững tin vào con đường phía trước để sống tốt hơn.

 

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)