Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2014): Ngày gặp không có hoa ban trắng

Tạp Chí Giáo Dục

Đại tá Nguyễn Văn Lưu với kỷ vật Anh hùng Phan Đình Giót tặng trước đêm hành quân
Những chiến sĩ Điện Biên một thời chia nhau nắm cơm, củ sắn đã gặp lại nhau sau 60 năm xa cách. Đây cũng là dịp để họ thắp nén hương tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống với lòng tiếc thương vô hạn…
Hội trường ngập tràn tiếng cười, chốc chốc lại nghe tiếng nấc cất không thành tiếng khi nhắc lại tháng ngày đau thương, mất mát và chia ly. Nơi họ gặp nhau, không phải là chiến trường cũ Điện Biên Phủ nên không có hoa ban trắng để dành tặng nhau, chỉ có nước mắt, nụ cười và dòng ký ức của ngày đầu nhập ngũ, của những đêm hành quân miệt mài trong lửa đạn. Lời bài hát Chiến thắng Điện Biên, Hò kéo pháo… với giọng ca hào hùng như làm sống dậy một thời hoa lửa.
Bồi hồi ngày gặp lại
Từ hôm nhận được thư mời dự họp mặt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại TP.HCM, Đại tá Nguyễn Thị Thành không thể có được giấc ngủ ngon bởi trong lòng bồi hồi, xúc động. Với bà, đồng đội là anh chị, là em dân công hỏa tuyến (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) đều là người một nhà, thương yêu nhau như ruột thịt. 60 năm rồi còn gì, quãng thời gian đủ để nhấn chìm mọi thứ vào quên lãng nhưng câu chuyện của ngày đầu gặp ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bà. Niềm mong mỏi ngày được gặp mặt đồng đội cũ càng làm thời gian trong ngày như dài thêm ra. Nhập ngũ chưa lâu, câu chuyện kể về nhau dở dang khi hành quân qua đèo, qua suối… Họ đã nằm xuống. Giọng bà nghẹn ngào xúc động: “Nhập ngũ, chúng tôi tham gia Đoàn dân công hỏa tuyến huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), trong một trận càn, đoàn hy sinh chỉ còn dăm người. Nhớ lắm từng ánh mắt, nụ cười của nhau”. 
Đứng trước cửa Hội trường Bộ Tổng tham mưu (18C đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) bao mái đầu bạc trắng, những cái bắt tay, vòng tay ôm nhau thật chặt như sợ kẻ thù thời gian đánh mất. Chẳng ai muốn rời xa. Trung tướng Lê Nam Phong, Chủ nhiệm Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên tại TP.HCM, bồi hồi: “Trong số chiến sĩ ở đây, vì nhiều lý do khác nhau mà có người mấy mươi năm mới gặp lại, quý lắm. Chiến trường là nhà nên vắng đi một thành viên thì không thể nào vui được. Hôm nay, không chỉ là ngày họp mặt mà còn là ngày để đồng đội tưởng nhớ nhau”. Có thể nói họ là một trong những thế hệ đầu, là cánh chim đầu đàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam từng dọc ngang các chiến trường cam go, ác liệt nhất lại được trở về với quãng thời gian mà họ đã từng sống và chiến đấu. Tình đồng chí một lòng son sắt. Họ khóc vì hạnh phúc. Khóc vì ai đó nhắc tên đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống mà họ tận mắt chứng kiến. Lấy đôi kính lão, đưa tay gạt nước mắt, Đại tá Trịnh Thất Thuyết (Trung đoàn 88, Đại đoàn 308) giọng nghẹn ngào, run run: “Vất vả lắm mới có được ngày hôm nay. Không xúc động sao được khi người có mặt ở đây là nhờ những đồng đội đã nằm xuống”.
60 năm, chưa đủ dài để nhớ

Cái nắm tay sau mấy mươi năm xa cách
60 năm, khoảng thời gian đủ dài cho một đời người nhưng chưa đủ dài để họ nhắc nhớ những câu chuyện về năm tháng sống chung với vắt, muỗi, từng vào sinh ra tử ở các trận đánh. Những câu chuyện về gia đình, vợ con, mối tình thơ mộng… họ kể nhau nghe khi ngồi trong chiến hào của mấy mươi năm về trước cũng được nhắc lại, vẹn nguyên. Nằm xuống trên chiến trường không đáng sợ nhưng với chiến sĩ Điện Biên Phủ hôm nay, sự ra đi của họ là một mất mát lớn vì những trang sử vẻ vang sẽ không còn ai chấp bút. Sau một thời gian dài lâm bệnh, Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Trợ lý Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, đã từ trần. Ngày ông đi, không kịp đón mừng sự kiện trọng đại của lịch sử – sự kiện 60 chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, linh hồn ông vẫn ở đâu đó, trong chính trái tim của đồng đội. Ngày họp mặt, dù bận rộn nhưng vợ con Thiếu tướng Hoàng Minh Phương cũng có mặt. Không gian tĩnh lặng, phút mặc niệm các chiến sĩ Điện Biên Phủ vì nước quên thân vừa kết thúc cũng là lúc chúng tôi bắt gặp những đôi mắt đỏ hoe.
Thiếu tướng Hoàng Văn Chương, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam TP.HCM, cho biết chiến sĩ Điện Biên cả nước hiện nay còn lại khoảng trên dưới 1.000 người hầu hết tuổi cao sức yếu, trong đó có nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn. Những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy nhập ngũ chỉ vừa tròn mười tám, đôi mươi, xông pha trận mạc, nay đã là các bậc lão thành, tướng lĩnh. Dù đã trở về với đời thường nhưng họ vẫn lo cho vận mệnh của đất nước, lo cho cuộc sống nhân dân.
Thị lực kém, thính giác giảm nhưng nghe tiếng nói, tiếng cười của đồng đội, họ liền nhận ra nhau, dẫu đã mấy mươi năm xa cách. Kể từ sau 7-5-1954, đồng đội mỗi người chuyển sang một mặt trận khác, không có cơ hội gặp nhau. Có những người, khi gặp nhau bằng xương bằng thịt mà họ không tin là sự thật. Họ cứ ngỡ, 60 năm, tro cốt của đồng đội đã vùi sâu trong đất. Những con người đã ở tuổi 80-90 “tặng” cho nhau những cái tát yêu rồi cười phá lên như những ngày họ chúc mừng nhau khi chiếm được cứ điểm.
Một chiến sĩ Điện Biên Phủ được bộ phận lễ tân đưa vào hội trường trên chiếc xe lăn. “Tuổi cao, sức yếu, bác sĩ không cho phép di chuyển nhiều nhưng ông tôi cứ đòi đi cho bằng được. Sáng nay ông dậy từ 3 giờ sáng, mặc quân phục chờ sẵn. Ông bảo chiến thắng Điện Biên Phủ đã tròn 60 năm. Năm nay không đi thì coi như không thể gặp mặt anh em đồng đội lần cuối”, anh con trai là cháu của người mang quân hàm đại tá nói vội. Chúng tôi kịp nhận ra, người ngồi trên xe lăn ấy là thương binh Nguyễn Hữu Câu, mất hai chân tại mặt trận Điện Biên Phủ vì pháo kích của địch.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Nhớ anh Giót
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Lưu (Trung đội 1, Đại đội 58) luôn nhắc đi nhắc lại về người đồng đội, Anh hùng Phan Đình Giót. Thời khắc anh Giót hy sinh, Đại tá Lưu không thể nào quên: “Thân anh ấy bầm dập với hàng trăm vết đạn đen nhẻm vì thuốc súng khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Anh Giót đã đan chiếc mũ bằng nan tre tặng tôi trước đêm hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên. Ngày chúng tôi gặp nhau, anh kể đủ chuyện gia đình, quê nhà Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Tháng 4-1952, anh ấy vào bộ đội. Thời gian này mẹ già yếu. Con thơ chưa đầy 3 tuổi. Sau hơn một năm trong quân ngũ, vợ anh viết thư cho anh biết con ốm nặng và chết. Anh thương con da diết vì nhà nghèo không tiền thuốc thang”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Lưu có chụp lại chiếc mũ để làm kỷ niệm. Hiện tấm hình kỷ vật ấy vẫn được treo trang trọng trong căn nhà ông ở Q.9, TP.HCM. Sau những phút giây ngập ngừng, không cất lên thành tiếng, Đại tá Lưu đọc lại những vần thơ do chính ông sáng tác tặng người đồng chí: “Mẹ yếu, con thơ, vợ đói nghèo/ Nhưng thù quân Pháp lòng mang theo/ Ra đi hùng dũng xông bom đạn/ Mạnh bước hiên ngang vượt suối đèo/ Đã quyết không làm dân nô lệ/ Đâu ngại thân mình lấp lỗ châu mai…”.
Trần Tuy An
 
 

Bình luận (0)