Hội nhậpGiáo dục phát triển

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THCS Võ Trường Toản (13-9-1956/ 13-9-2016): Đạo tôn sư trăm năm vun đắp

Tạp Chí Giáo Dục

Tọa lạc ở số 11 trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM) rợp bóng cây xanh, Trường THCS Võ Trường Toản – một trong những ngôi trường lâu đời – có kiến trúc đẹp, đậm chất châu Âu giữa lòng thành phố.

Tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường

“Chất thơ” trong ngôi trường cổ

Tiền thân của Trường THCS Võ Trường Toản là Trường Nam trung học công lập Võ Trường Toản (trên cơ sở vật chất của Trường Sư phạm Nam Việt), một trong những trường đào tạo HS  giỏi lúc bấy giờ, có các lớp từ đệ thất đến đệ nhất (lớp 6 đến lớp 12) và phụ trách thêm một ban tiểu học. Niên khóa 1955-1956, trường có ba lớp đệ thất, HS là những thí sinh đậu kế tiếp trong kì thi tuyển vào đệ thất Trường Pétrus Ký (tháng 7-1955). Sau ngày 13-9-1956, Trường Sư phạm Nam Việt được dời về Trường Quốc gia Sư phạm (ĐH Sư phạm TP.HCM) thì trường mới hoạt động riêng biệt.

Tiếp nối truyền thống xưa, thầy trò Trường THCS Võ Trường Toản đã đạt và giữ vững nhiều thành tích: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM, Huân chương Lao động hạng 3. Nhà trường vinh dự có một giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản – vinh danh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Trường THCS Võ Trường Toản ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc đặc trưng từ thời Pháp. Những khung cửa sổ gỗ nổi bật trên nền tường vàng. Mái ngói đỏ sẫm trầm mặc qua thời gian càng tôn lên nét đẹp cổ kính của ngôi trường. Từng chi tiết nhỏ như: mái vòm, rui mè, họa tiết ở những cánh cổng cầu thang… vẫn giữ nguyên kết cấu, kiểu dáng ban đầu.

Để giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc từ thời Pháp, thầy Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Trường THCS Võ Trường Toản là một ngôi trường cổ có kiến trúc độc đáo của thành phố. Ban Giám hiệu chúng tôi luôn xem trọng việc giữ được cái hồn của ngôi trường. Hằng năm đều có tu bổ như quét vôi, hệ thống cửa chỗ nào mục nát đều được thay đúng màu sắc, kích cỡ như ban đầu… Cây xanh trong khuôn viên trường được quan tâm chăm sóc cẩn thận để giữ gìn màu xanh cho trường. Hiện nay, trường có 30 phòng học và các phòng chức năng như: phòng nghe nhìn, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng multimedia, phòng tin học, phòng thiết bị… phục vụ cho trên 1.900 HS”.

Trên các tầng lầu, những phòng học thoáng đãng, ánh sáng đầy đủ qua các khung cửa cao lớn. Tựa người vào ban công, chúng tôi giật mình thấy bóng mình đang đứng giữa một khung cảnh thơ mộng. Tán lá xanh mát, bầy chim sẻ ríu rít chuyền cành, lắm lúc còn nghe cả tiếng vượn hú từ Thảo Cầm Viên nằm sát bên trường ngân tới.

Tự hào được mang tên Võ Trường Toản

Các gương HS giỏi cấp thành phố của trường

Thầy Khoa bồi hồi: “Bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng như biết bao thế hệ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và các em HS của nhà trường luôn biết ơn, tự hào về người thầy đã được vinh danh “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” – Võ Trường Toản. Hàng năm cứ đến dịp 20-11, nhà trường lại tổ chức cho các em HS lớp 9 đi tham quan khu di tích mộ cụ Võ Trường Toản tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (năm 1998 được công nhận là Khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia) nhằm giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, cùng ôn lại thân thế, công lao của cụ Võ Trường Toản với dân với nước”.

Năm học 2015-2016, HS của trường đạt các giải thưởng:

– HS giỏi cấp quốc gia: đạt 3 giải khuyến khích; HS giỏi cấp TP: đạt 36 giải (6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba); HS giỏi cấp quận đạt 102 giải; Giải toán bằng tiếng Việt trên internet cấp quận đạt 2 giải nhì, 1 giải ba, 20 giải khuyến khích; Giải toán bằng tiếng Anh trên internet cấp quận đạt 1 giải  ba; Olympic tiếng Anh trên internet cấp quận đạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 23 giải khuyến khích.

– Giáo dục toàn diện: 1.019/1.912 HS đạt học lực giỏi (53,29%); 1.782/1.912 HS đạt hạnh kiểm tốt (93,2%); 117/1.912 HS đạt hạnh kiểm khá (6,12%). Trường vẫn giữ vững vị trí: 3 trường mạnh nhất quận về bồi dưỡng HS giỏi.

Thầy Khoa cho biết thêm: “Mỗi dịp được về thắp hương, tưởng nhớ cụ Võ, ấn tượng với các em HS ngoài cảnh đẹp của quê hương Đồng Khởi Bến Tre, đó còn là bài văn bia của cụ Phan Thanh Giản viết về cụ Võ Trường Toản vào năm 1867, có đoạn: “Từ khi tiên sinh dùng nghĩa lý dạy học trò, không những đào tạo nhiều nhân tài lúc ấy, mà phương pháp giảng dạy đó còn truyền đến đời sau. Cho đến nay lòng trung nghĩa của nhân dân lục tỉnh, hăng hái vì nước quên mình, tuy nhờ ân đức cao dày của nhà vua đã giữ vững lòng người nhưng nếu chẳng nhờ công khai hóa của tiên sinh để lại từ trước thì làm sao có được như vậy?”.

Giáo dục HS tài – đức vẹn toàn

Mong muốn HS được phát triển toàn diện, trở thành những công dân có ích cho xã hội, nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn chú trọng dạy người. Theo đó, các thầy cô không ngừng cải tiến phương pháp, tích cực ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học. Cụ thể như: Ra bài tập môn vật lý được gắn với thực tiễn cuộc sống, sử dụng sơ đồ tư duy vào dạy môn địa lý, dạy học theo dự án – điển hình là dự án: “Hướng dẫn viên nhí”, tích hợp các môn lịch sử, công nghệ, Anh văn.

Việc dạy và học không chỉ diễn ra trong 4 bức tường của lớp học mà còn thường xuyên được tổ chức ở bên ngoài nhà trường. Chẳng hạn, môn sinh vật được dạy tại Thảo Cầm Viên, môn lịch sử thì học tại bảo tàng, nhà truyền thống. Qua đó giúp HS hứng thú học tập, các em học được nhiều kiến thức mà nếu chỉ ngồi trong phòng học thì khó đạt được những kết quả này. Học thì phải đi đôi với hành nên hầu hết các môn học như sinh học, vật lý, hóa học… đều có phòng thí nghiệm. Sau mỗi bài học lý thuyết, HS lại được thầy cô hướng dẫn thực hành thí nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các CLB bộ môn nhằm giúp thầy và trò có điều kiện tìm hiểu, sưu tầm, chia sẻ kiến thức cùng nhau.

Nhằm tạo ra môi trường xanh-sạch-đẹp, đặc biệt là thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – HS tích cực”, nhà trường tổ chức cho các lớp chăm sóc bồn hoa, cây cảnh; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trước cổng trường. Bên cạnh đó, còn tổ chức các hội thi vẽ tranh trang trí trường lớp, trang trí các khẩu hiệu, thiệp chúc mừng nhân dịp các ngày lễ vừa là để trường lớp được đẹp hơn vừa là để HS hứng thú với bộ môn mỹ thuật. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, thể dục – thể thao để HS phát triển năng khiếu, nhưng trên hết là để các em được vui chơi sau mỗi giờ học…

Một điểm đặc biệt nữa của Trường THCS Võ Trường Toản là nhà trường tổ chức dạy 2 ngoại ngữ: Anh, Nhật và trong năm học 2016-2017 có thêm ngoại ngữ thứ ba là tiếng Đức. Mỗi HS có thể học 1-2 ngoại ngữ tùy vào năng lực của bản thân. Để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, các em thường xuyên được học với giáo viên nước ngoài…

Có thể nói, với những gì mà tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Võ Trường Toản đang tích cực thực hiện đã tạo nên những HS có đầy đủ trí-đức-thể-mỹ.

H.Cận

Bình luận (0)