Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2015): 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…

Tạp Chí Giáo Dục

Đại tá Trịnh Thất Thuyết
Ngày 7-5-1954, tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm của Pháp bị bắt sống, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
“… 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, là một câu trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu mô tả những ngày gian khó nhưng can trường của người chiến sĩ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
1. Đầu tháng 5-2015, chúng tôi gặp lại Đại tá Trịnh Thất Thuyết (Trung đoàn 88, Đại đoàn 308) trong chiều muộn tại nhà riêng. Đại tá Thuyết vừa trở về sau chuyến ngược xuôi các địa phương thăm đồng đội. Giọng ông run run: “Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên mời họp mặt rồi đi thăm một vài anh em trong trung đoàn. Mấy hôm nay trong người mệt vì thời tiết nhưng cũng phải cố, anh em từng vào sinh ra tử còn có mấy ai đâu?”. Nói đoạn, ông cười khà, tiếp: “Lo vậy chứ lần nào đi về là người khỏe ra, chẳng còn thấy đau nhức gì hết trọi”. 
Chứng nhân chiến dịch Điện Biên Phủ giờ chẳng còn nhiều, phần lớn đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Người cả cuộc đời gắn với binh nghiệp. Người chọn một ngã rẽ. Người được chuyển sang mặt trận khác. Hơn 60 năm, khoảng thời gian quá nửa đời người nhưng những ngày họp mặt, dù ở phương xa nào, họ đều có mặt. Những cái bắt tay, những cái ôm siết vẫn rắn rỏi như ngày nào họ chia sẻ niềm vui chiến thắng nơi chiến hào.
2. Trận đánh đồi A1 của hơn 60 năm trước vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của Đại tá Trần Thế Đề, chính trị viên Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316). Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Trần Phú (Q.5, TP.HCM), Đại tá Đề ngồi sắp xếp lại những tấm hình chụp chung với đồng đội. Có tấm hình được đồng đội là phóng viên chiến trường gửi tặng sau mấy mươi năm lưu giữ. Có tấm hình là bản sao, ông chụp lại ở bảo tàng trong những chuyến về nguồn hay tấm hình do chính ông cất giữ trong chiếc ba lô ngay từ ngày đặt chân đến chiến trường Điện Biên Phủ, phần nhiều đã hoen ố bởi màu thời gian. Ông bảo: “Với tôi, đây là kỷ vật quý. Anh em đồng đội đã ra đi cả rồi”. Cầm từng tấm ảnh trên tay, ông chỉ cho chúng tôi xem, giọng đứt quãng vì xúc động: “Đây, thằng này quê Thanh Hóa, tay pháo cừ lắm. Còn thằng này người Tuyên Quang, Đại đoàn chuẩn bị lo đám cưới cho nó thì nó lại hy sinh. Kia là Phú, quê Phú Thọ, có khiếu đàn, hát ai cũng mê, thế mà…”. Nhắc đến đồng đội trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, giọng ông lại nghẹn ngào: “Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đồng đội tôi chẳng còn mấy ai sau những đêm pháo kích oanh tạc. Số còn lại mỗi người một mặt trận: Người tiếp tục con đường binh nghiệp với chiến dịch Hồ Chí Minh, người sau khi đất nước thống nhất, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Thời gian khắc nghiệt, họ lại ra đi vì tuổi tác”.

Đại tá Trần Thế Đề (bên phải) trao đổi với đồng đội về những tấm hình cũ
Những ngày qua, Đại tá Đề được Đoàn Thanh niên các đơn vị trên địa bàn thành phố mời giao lưu, nói chuyện nhằm hun đúc tinh thần, tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những buổi nói chuyện kéo dài hàng giờ ấy là câu chuyện có thật về các trận đánh, về đồng đội – những người đã cùng ông băng rừng lội suối trong suốt 56 ngày đêm lịch sử. Là những người mẹ thiếu ăn nhưng thấy bộ đội qua làng là “no cái bụng”, nhà có con gà, củ khoai thì cứ “dành cho các con ăn có sức đánh Tây”.
3. Tuổi 20, Đại tá Đinh Công Ty (Đại đội 3, Đại đoàn 312) đã tham gia trận mở đầu chiến dịch Him Lam – Điện Biên Phủ. Nhắc lại những tháng ngày trong lòng chảo Điện Biên, Đại tá Ty bồi hồi: “Đó là những đợt tấn công ác liệt và cam go. Chiến sĩ ta xuất sắc vượt qua hàng rào kẽm gai các loại, từ kiểu bùng nhùng đến dạng giàn mướp kéo dài hơn 200m, ở đó còn treo đủ các loại mìn và có dẫn điện để bảo vệ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là phá đường để xung phong. Đại đội 58 thuộc Tiểu đoàn 428 (Đại đoàn 312) do Anh hùng Phan Đình Giót chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá phá hàng kẽm gai để bộ đội từ các hướng tiến lên”.
Đại tá Ty, Đại tá Đề… là những người đã từng trực tiếp chỉ huy các trận pháo kích vào Sở Chỉ huy địch, chứng kiến tướng Đờ-cát-tơ-ri bị bắt sống và hạnh phúc trào dâng khi lá cờ quyết thắng cắm trên nóc hầm Đờ-cát vào lúc 17 giờ 30 ngày 7-5-1954. “Tôi may mắn được trở lại chiến trường xưa, được thắp nén hương cho đồng đội ở các nghĩa trang từ Bắc vô Nam nhưng vẫn nhiều day dứt vì chưa có dịp trở lại thăm các mẹ, các chị từng chở che mình trong những đêm hành quân dưới mưa bom”, Đại tá Đề day dứt.
Bài, ảnh: Trần Anh
 

Bình luận (0)