Tấm lòng của mẹ
Tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè tại nhà riêng vào một ngày trung tuần tháng 9. Cũng như những lần trước, ở tuổi 88 mẹ vẫn còn rắn rỏi, giọng nói trầm ấm qua những câu chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc.
1. Mẹ Mè từng là nữ sinh Trường Áo Tím – nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Là một trí thức, như nhiều người phụ nữ khác, mẹ lập gia đình và sớm giác ngộ cách mạng. Mẹ theo chồng về Bến Tre vừa phụ trách kinh tế Tỉnh ủy vừa hoạt động cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1950, mẹ sang Trà Vinh làm công tác dân vận, tiếp tục hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Long Đức (trường học là cơ sở của cách mạng) và Tổng thư ký Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Trà Vinh. Ở đây, mẹ vừa dạy vừa tham gia công tác xã hội, vận động bà con đi học lớp xóa mù chữ. Trước đó, khi còn ở Bến Tre, biết mẹ giỏi giang, bằng mọi biện pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm chiêu dụ mẹ đứng vào tổ chức của họ nhưng vì lòng yêu nước và căm thù giặc mẹ đã từ chối. Chính những lời từ chối khéo ấy mà mẹ càng bị theo dõi sát sao hơn. Đến năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa trường với lý do: hiệu trưởng thân Cộng, toàn ban giáo sư thân Cộng, dạy đường lối chống Chính phủ.
Năm 1957 là năm nhiều rủi ro nhất đến với mẹ. Mẹ của mẹ bị tai nạn giao thông và mất sau đó một ngày. Rồi khi sinh đứa con gái Nguyễn Thị Bình hai tháng thì Trường tư thục Long Đức đóng cửa, gia đình phải chuyển về Sài Gòn. Hai vợ chồng và 6 người con thuê nhà sống tạm và làm công tác trí vận. Năm 1960, mẹ được bầu làm ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ. Sau đó, TW Cục chuyển mẹ về Tây Ninh phụ trách chương trình đối ngoại. Đến năm 1965, mẹ được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1976 đến 1979, mẹ được bầu giữ các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Y tế – Thương binh – Xã hội Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM.
2. Người chồng chung sống với mẹ suốt đời – người không qua tìm hiểu hay quen biết mà là do sự quyết định của cha mẹ. Mẹ lấy chữ hiếu làm đầu và trở thành một người vợ, người mẹ anh hùng. Đó là bản chất của mẹ. Cũng từ bản chất ấy mẹ đã hướng các con đi theo con đường cách mạng của cha mẹ. Trước khi về R, mẹ dặn với các con: chiến tranh ác liệt còn phải đấu tranh nhiều năm, các con còn trẻ, khoan nghĩ đến yêu đương. Hãy thực hiện ba khoan: khoan yêu, khoan xây dựng gia đình và khoan có con. Các con đã hứa với mẹ và giữ lời, cho đến ngày hy sinh, không ai bận bịu tình yêu cả, cuộc đời trong trắng, chỉ tập trung cho sự nghiệp giải phóng quê nhà.
Những người con trai của mẹ lần lượt ra chiến trường. Lần viết thư về cho gia đình, các anh đều hứa một lòng phụng sự cho tổ quốc. Mong đến ngày giải phóng để được ôm ba má vào lòng, được hôn lên đôi gò má của mẹ nhưng không thể. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn mẹ đã vĩnh viễn mất đi ba người con trai là Nguyễn Huỳnh Sanh (1942-1968); Nguyễn Huỳnh Tài (1944-1967); Nguyễn Huỳnh Đại (1946-1968) và một người con thương binh là Nguyễn Huỳnh Đạo. Trong số đó, Sanh là cận vệ của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (đã mất) tại Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Mậu Thân và hy sinh ngay trên tuyến bảo vệ xung yếu cơ quan đầu não của chiến dịch. Hay tin các con hy sinh, mẹ bị sốc nặng, đầu óc trống rỗng và lâm trọng bệnh. Bác sĩ bảo mẹ không thể sống nổi nhưng quả là một người mẹ Việt Nam anh hùng, chỉ nói riêng về sức chịu đựng.
Những năm tháng làm kinh tế ở Tỉnh ủy Bến Tre, lúc bấy giờ địa phương là vùng địch chiếm, chứng kiến cảnh bọn địch cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ mẹ rất đau lòng. Mẹ mạnh dạn lên tiếng, phản đối việc làm mất nhân tính ấy của chính quyền Ngô Đình Diệm. Và lần lượt những ai đã gây nên tội ác đều đã được trừng phạt thích đáng.
3. Năm 1979 mẹ nghỉ hưu. Hiện nay, mẹ là cố vấn Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP.HCM, cố vấn Hội đồng quản lý quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, cố vấn Câu lạc bộ nhà giáo hưu trí… Mẹ tâm sự: “Dù đã nghỉ hưu nhưng mình vẫn còn sức khỏe, hơn nữa vẫn còn nhiều mảnh đời cần được cưu mang, giúp đỡ. Thấy người tật nguyền, dù có cho tiền hay sữa… thì cũng hết chính vì vậy phải cho họ cái “cần câu” làm phương tiện để họ tự kiếm sống”. Với tâm huyết ấy, mẹ đem suy nghĩ, trăn trở của mình bàn với nhiều người. Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi ra đời, mẹ là trưởng ban. Hội hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển với nhiều chi hội là các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, các nhà mở, mái ấm…
Mẹ Bùi Thị Mè đã được Nhà nước khen thưởng: Huân chương Quyết thắng hạng I; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I; Huân chương Giải phóng hạng II; Huân chương Độc lập hạng II, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam; Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… |
Những việc mẹ làm nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Ở tuổi 88 nhưng mẹ vẫn còn khá nhanh nhạy, hoạt bát, kể chuyện lưu loát mặc dù hồ sơ bệnh án ghi mẹ mắc đủ các chứng bệnh: hở van tim, xơ gan, huyết áp… Mẹ bảo, sức khỏe của mẹ có là vì được làm công tác xã hội, được đi, được chăm lo cho những đứa trẻ tật nguyền là thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thản.
Mẹ làm việc không ngơi nghỉ, ngày ngày đi vận động, quyên góp tiền giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi. Lịch làm việc của mẹ dày đặc đến nỗi một người trẻ, khỏe cũng phải ngán. “Tinh thần của Bác đã truyền cho tôi, “phải vì dân vì nước”, “thương người như thể thương thân”. Tôi rất tâm đắc câu nói của một nhà hiền triết người Pháp: “Tuổi thọ đời người tính bằng thời gian, chất lượng đời người tính bằng sự đóng góp của mình””.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)