Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ 11-3-1945 – 11-3-2010: Kỳ 1: Ngược dòng sông Vệ

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện cùng cô Hoa

Tác giả nghe radio trong những ngày chống Mỹ ở Ba Tơ

Đội du kích Ba Tơ năm 2010 đã được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Ba Tơ hôm nay tôi đến (3-2-2010) kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa đã hồng lên cuộc sống khẩn trương của công cuộc đổi mới. Mái trường, nhà trẻ, trụ sở, chợ búa, bảo tàng, tượng đài, khu dân cư dãy ngang dãy dọc thật rộn ràng đẹp vui.
Tôi nhớ lại cách đây 30 năm ngày sắp hòa bình năm 1974, tôi đã ngược dòng sông Vệ về Ba Tơ bồi hồi nhớ lại hình ảnh đã ăn sâu bao kỷ niệm vào ký ức của những ngày kham khổ và anh dũng năm nào.
“Em ngược thuyền trên dòng sông Vệ
Hát bài ca du kích Ba Tơ”
Ngược dòng sông Vệ một đêm không trăng nhưng trời vẫn sáng sao. Hoa – cô giao liên du kích trẻ dũng cảm và mưu trí, đưa tôi về thị trấn Ba Tơ – Ba Tơ những ngày cuối năm 1974 đã giải phóng từ lâu, thị trấn Ba Tơ tan hoang, xơ xác, nhà cửa đổ nát, cây cối gai góc um tùm không còn nhận ra lối đi…
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, hai tiếng Ba Tơ đã trở thành tiếng gọi của bạo lực vũ trang giành chính quyền của cả miền Trung Trung bộ. Đó là một vùng rừng đại ngàn chất chồng, vách đá dựng cao nối nhau như đàn heo rừng khổng lồ vây lấy thung lũng trù phú này.
Vừa trèo núi, vừa kể chuyện, Hoa tả cho tôi nghe những ngày thanh bình, cảnh đẹp hồn hậu của dòng sông Liên mà khi đầu hôm vượt qua sông, trời nhập nhoạng tối, tôi không hình dung được. Sông Liên đầu nguồn của sông Vệ, bắt nguồn từ dãy núi xa, chảy qua thác Hang Én, nước xanh trong như thủy tinh. Những cảnh chiều chiều thuyền bè cập bến, sớm sớm chở cau, chè xuôi về đồng bằng khắp nẻo. Từ bến sông này, ngay gần Hoàng Dồn ta có thể về suối Bùn, rồi ra đến tận cửa Cổ Lũy. Ba Tơ có đường đi Mộ Đức, theo quốc lộ 1 qua cánh đồng Thi Phổ mênh mông vượt qua Thiên Bút đổ về Thành phố Quảng Ngãi.
Bình thường đi thuyền buồm mất hơn một ngày, đi đường bộ mất 60 cây số từ quốc lộ 1A trung tâm tỉnh lỵ. Ba Tơ là căn cứ cách mạng miền Tây Quảng Ngãi. Từ Ba Tơ, Hoa bảo tôi có thể đi sang Hạ Lào qua Trà Bồng, Trà My có đường nối với quốc lộ 14 để đi Kontum, Đắc Lắc.
Hồi ở Hà Nội, khi tập kết ra Bắc, tôi ở chung nhà với anh Đỗ Đình Cẩn, du kích Ba Tơ; anh và anh Lê Văn Đức cùng đồng đội trong đội ngũ du kích cũng thường gặp nhau… Nghe các anh kể về vùng đất này, tôi ao ước mãi. Những năm đi B chiến trường khu 5 tôi cũng mong được dịp về đây vì tiếng tăm vang lừng của đội du kích bí mật anh dũng có một không hai này. Và tôi đã toại nguyện ước mơ. Mặc dù mình là người đất Quảng nhưng chưa bao giờ đặt chân đến chốn rừng thiêng này. Cái nôi của cách mạng Khu 5. Nơi đây đã dấy lên cuộc khởi nghĩa độc nhất vô nhị trong lịch sử đất nước.
Đội du kích Ba Tơ
Còn nhớ anh Cẩn lúc ở 21 Hàng Khay – Hà Nội, anh đã cho biết bao sự tích anh hùng của đội du kích Ba Tơ của mình. Đội du kích sống và hoạt động được là nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân H’rê ở rải rác trong 26 xã của huyện. Đồng bào Kinh lúc bây giờ những năm 1944-1945 có đến vài ba ngàn dân ở quanh các xã trung tâm Ba Đình, Ba Động, ngoài ra có ít đồng bào dân tộc Chăm. Thời Pháp chia Ba Tơ làm 6 cơ, đặt dưới quyền của tên kiểm lý, mỗi cơ có chánh, phó tổng làm tay sai đàn áp dân chúng. Từ cơ Nhất đến cơ Sáu có một hệ thống đồn sơn phòng đặt ra để ngăn chặn, đàn áp phong trào nổi dậy của đồng bào các dân tộc.
Lần này về đây tôi mới biết phía cơ Nhất rừng núi hiểm trở, nhiều khu rừng nguyên sinh bị Mỹ dội bom B52 cháy trơ trụi. Ban ngày đi qua đây, Hoa dặn tôi cầm một cành lá ngụy trang, khi có máy bay không được động đậy. Ở đây núi liền núi, mây liền mây đi cả ngày không hết.
Đỉnh Cao Muôn cao vút đến hơn nghìn mét chọc thủng trời xanh. Trong hang động sườn núi này là căn cứ chống Pháp bao đời của đồng bào H’rê. Thác Hang Én từ núi cao này đổ xuống như dốc nước từ trong bình ra rót vào khe Sung rồi theo bao con suối đi về sông Vệ. Người dân Ba Tơ tự hào về ngọn núi cao hùng vĩ đó. Các già làng thường chỉ tay về phía núi mà bảo với cháu con: “Đầu người H’rê cũng ngẩng cao như ngọn Cao Muôn ấy!”. Gần đỉnh Cao Muôn có làng Gò Rinh, một làng nuôi du kích và cũng bất khuất kiên cường. Ngày trước có lần Tây đưa lính đến đàn áp, nhân dân Gò Rinh dùng tên, nỏ, bẫy đá và lao phóng ra, máu giặc đỏ cả khe Sung.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Kỳ 2: “Sự tích” anh hùng của người dân tộc Ba Tơ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)