Đoàn nhà báo ở TP.HCM về thăm Ba Tơ sau năm 1975 |
Những ngày ở Hà Nội, tôi thường đến chơi nhà đồng chí Trương Quang Giao – người anh họ của tôi và cố Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Các đồng chí đều nhận định: “Hồi ấy, giặc Pháp bối rối và hốt hoảng trước khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, chúng chuyển sang đàn áp dã man. Trong một đợt khủng bố mới, chúng đưa một số tù chính trị về giam giữ ở Ba Tơ, và nơi đây trở thành vườn ươm “hạt giống cách mạng” để phục vụ cho khởi nghĩa”.
Bài thơ “độc quyền”
Trong những ngày bị giam giữ ở đây, đồng chí Phạm Ngọc Trân – anh của đồng chí Phạm Kiệt – đã sáng tác bài thơ “độc quyền” “Chăn giữ vịt con” ca ngợi tinh thần lạc quan của các chiến sĩ Ba Tơ.
Đã quyết ra tay chuyển cuộc đời
Thế này mới thú hỡi em ơi!
Sớm khuya chăm sóc đàn con dại
Mưa nắng xông pha chiếc nón cời
Nay gánh tang bồng còn phải nặng
Mai cờ lãnh đạo dễ như chơi
Ngày kia cất ngọn trường thương vẫy
Vui cả anh em đẹp đất trời.
“Đẹp đất trời”, ngày 11-3-1945 là ngày đáng ghi nhớ của nhân dân Quảng Ngãi, ngày ấy 28 chiến sĩ bị tù đày, trong đó có các đồng chí Trần Lương (tức Trần Nam Trung), Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt… với vài ba khẩu súng và giáo mác, với lòng yêu nước đã quyết tâm cùng nhân dân Ba Tơ nổi dậy cướp đồn, đánh Tây, đuổi Nhật thành lập chính quyền cách mạng ở một huyện nhỏ.
Sau tiếng súng Ba Tơ, một khí thế cách mạng mạnh mẽ dâng lên, vượt ra ngoài sông Liên, lan đi khắp cả miền Tây Quảng Ngãi.
Bài học Ba Tơ trong 9 năm chống Pháp là sức mạnh tinh thần qua nhiều thế hệ, đưa đến chiến thắng lớn ở Tây Nguyên. Theo GS. Trần Văn Giàu, Ba Tơ đã chi viện cho Nam bộ cả một chi đội vệ quốc đoàn. Từ Ba Tơ, ta kéo quân đánh Mang Đen, Công Plông, Đắc Đoa, rồi Kontum… chiến thắng tiếp chiến thắng vang dội. Thời kỳ này, các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng sáp nhập với Kontum thành mặt trận miền Tây. Trong những ngày tháng đấu tranh chống Mỹ, Ba Tơ đã lập nên những chiến công hiển hách như trận Trà Nô đánh tan một lữ đoàn Mỹ ngụy đi càn, diệt 200 tên, bắt sống hàng trăm tên giặc. Trận giết tên thiếu tá tỉnh đoàn trưởng bảo an Hà Quốc Ân và những trận tiến công vào Giá Vụt, Hoàng Đồn đã khiến cho Mỹ ngụy mất ăn, mất ngủ, làm hả lòng hả dạ đồng bào trong tỉnh và mang đến thắng lợi hoàn toàn cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.
Đường về Ba Tơ
Đường về Ba Tơ là con đường khởi nghĩa võ trang cướp chính quyền. Đây là bài học quý báu để khởi nghĩa Trà Bồng, cho tổng công kích năm Mậu Thân, và cho bão táp nổi dậy năm Ất Mão (1975).
Trong những ngày tháng đánh Mỹ, tôi được dịp về lại Ba Tơ. Cô Hoa, cô giao liên dũng cảm đưa tôi về (sau này tôi nghe tin cô Hoa đã hy sinh trong một trận càn). Thật là xót xa cho cây lá còn xanh mà ngọn cành rơi rụng. Bao bà má đã chở che, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội đã tiếp tế gạo muối nuôi quân, bền bỉ đấu tranh trước mũi súng của kẻ thù. Chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu tấm gương trung liệt. Một bản làng như thế, một dân tộc như thế không giặc nào có thể làm khuất phục được và làm sao không chiến thắng! Ba Tơ giờ đã hồi sinh, đồng bào Kinh, Thượng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, sự thay đổi của Ba Tơ hôm nay có ý nghĩa lớn lao trên con đường đổi mới do Đảng ta lãnh đạo. Và cũng nhờ hào khí Ba Tơ mà quân dân Vạn Tường mới có thể thắng lớn ngay từ trận đầu khi giặc Mỹ đổ bộ vào miền Nam.
Đường về Ba Tơ là con đường xương máu do cha anh xây đắp nên. Ba Tơ mãi là điểm son, là ngôi sao sáng ngời trên bầu trời của tổ quốc.
Hôm nay trở lại Ba Tơ nhân kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa ở vùng đất này, chúng tôi là những chiến sĩ đàn em có dịp ôn lại những kỳ tích mà đội du kích trẻ tuổi hào hùng năm xưa đã làm nên. Xin cúi đầu tưởng nhớ các chiến sĩ du kích anh hùng đã ngã xuống cho Ba Tơ mãi mãi đẹp xanh, cho đồng bào H’rê mỗi ngày một đổi mới, tin yêu ở cách mạng, ở Đảng ở Bác Hồ.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Bình luận (0)