Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2014): 27 năm đi tìm đồng đội của cha

Tạp Chí Giáo Dục

Sau mỗi lần nhận thư của thân nhân liệt sĩ là anh Truyền lại loay hoay đánh dấu bản đồ chuẩn bị lên rừng
Gần 40 năm sau ngày quê hương im tiếng súng, mảnh đất Quảng Trị – một thời được mệnh danh là chảo lửa – vẫn còn nhiều chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi trên mọi miền đất nước nằm lại chưa về. Có hàng ngàn cuộc tìm kiếm, cha mẹ tìm con, vợ tìm chồng, con tìm cha…
Thế nhưng, có một cuộc tìm kiếm đầy cảm động mà ít ai ngờ tới, đó là hành trình 27 năm đi tìm đồng đội người cha của một đứa con. Anh là Ngô Gia Truyền, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị).
Cắt rừng tìm hài cốt liệt sĩ
“Anh Truyền ơi, nhà mình có thư”, đó là câu quen thuộc của người bưu chính mỗi tuần lại vang lên ở cái xóm nhỏ của xã Hải Lệ. Không cần xem, vợ chồng anh cũng biết đó là thư của thân nhân nhờ tìm phần mộ người thân. Đã 27 năm qua, vợ chồng anh Truyền nhận hàng ngàn lá thư. Đã có gần 1.300 liệt sĩ được anh và Đội quy tập mộ liệt sĩ xã Hải Lệ tìm kiếm, cất bốc đưa về cho người thân hoặc đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ; trong đó có nhiều sự tìm kiếm dựa vào thông tin từ những lá thư của thân nhân liệt sĩ. Tháng 7, những lá thư, kể cả thân nhân liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước lại tìm về nhà anh. Anh Truyền bảo rằng, những chuyến tìm về ấy là chuyến đi hi vọng, bởi vậy anh và đội tìm kiếm cố gắng hết mình để tìm thấy người thân cho các gia đình một cách nhanh nhất. Đó cũng là sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì hòa bình độc lập của đất nước. Mỗi lá thư nhận được, anh Truyền cất giữ cẩn thận, ghi lại vào một cuốn sổ cho dễ nhớ để khi có điều kiện là tiến hành tìm kiếm. Mân mê trên tay lá thư nhòe nét mực, anh Truyền cho biết: “Đây là một lá thư của gia đình ở Hải Phòng tìm kiếm người thân. Thường thì các thân nhân liệt sĩ gửi cho mình giấy báo tử, đơn vị chiến đấu, địa điểm hy sinh, một vài thông tin khác nếu có và kèm một lá thư tay của gia đình về khát khao tìm thấy người thân. Anh em trong đội tập hợp lại, tra cứu thông tin chính xác về đơn vị chiến đấu và từ đó căn cứ bản đồ, xác định vị trí rồi chuẩn bị hành lý lên đường”. Nói thì đơn giản nhưng mỗi đợt đi kéo dài cả tuần, thậm chí nửa tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc “ăn sương, nằm đất”, trèo đèo, lội suối hết ngày này sang ngày khác. Còn nhớ có nhiều hôm lạc đường, cả đội phải quay lại điểm xuất phát. Việc tìm kiếm không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ, có những chuyến đi rồi lại trở về không. “Có lần, đội tôi tiến hành chuyến tìm kiếm, đi cùng còn có cả thân nhân và đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Văn Quế – từng tham gia trận đánh cuối cùng ở chân Cao điểm 264, gần động Ông Do (xã Hải Lệ), trong những ngày ác liệt cuối tháng 12 năm 1972, ngay trước thềm lễ ký hiệp định Paris. Núi rừng cây cỏ ngày càng làm thay đổi địa hình, công việc tìm kiếm rất vất vả, tưởng chừng buông xuôi. Nhưng mỗi lần nhìn vào ánh mắt người thân của liệt sĩ Quế, anh em lại càng quyết tâm hơn nữa. Sau ba ngày tìm kiếm, cuối cùng hài cốt liệt sĩ Quế cũng được anh em tìm thấy. Mừng đến rơi nước mắt”, anh Truyền nhớ lại.
“Có lần khác tìm thấy anh em còn nguyên trong bọc tăng nilon như đang nằm ngủ, nhưng cũng không ít lần xót xa rớt nước mắt vì hài cốt chỉ còn nắm đất và vài di vật chưa kịp lấy lên khỏi mặt đất đã bị phân hủy. Công việc xác định tên tuổi và quê quán vì thế càng khó khăn hơn”, anh Truyền lặng lẽ đưa tay lau giọt nước mắt trên gương mặt sạm nắng gió.
Hành trình đồng cảm
Mỗi năm có đến vài tháng anh Truyền cơm đùm, gạo bới cắt rừng đi tìm hài cốt liệt sĩ. Hỏi cơ duyên đưa anh đến với việc đi tìm hài cốt liệt sĩ trong nhiều năm qua, anh cười hiền lành rồi cất giọng: “Tôi là con liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thành cổ năm 1968. Nhiều năm liền, tôi đi xới từng tấc đất, ngọn cỏ để tìm cha. Hơn ai hết tôi hiểu nỗi đau cũng như khao khát tìm thấy người thân. Vì vậy, sau khi tìm được cha thì tôi nghĩ ra ý định đi tìm đồng đội của cha”.
“Nhiều năm liền, tôi đi xới từng tấc đất, ngọn cỏ để tìm cha. Hơn ai hết tôi hiểu nỗi đau cũng như khao khát tìm thấy người thân. Vì vậy, sau khi tìm được cha thì tôi nghĩ ra ý định đi tìm đồng đội của cha”, anh Truyền chia sẻ.
Hành trang mỗi chuyến đi của anh và các thành viên đội quy tập chỉ vài bộ quần áo bạc màu, một ít thực phẩm và cuốc xẻng cùng tấm bản đồ. “Quan trọng nhất là việc đọc, xác định được hướng bản đồ để xác định ra vị trí chôn cất liệt sĩ. Theo đó, chúng tôi căn cứ vào sơ đồ đồng đội liệt sĩ cung cấp để xác định vị trí trên bản đồ rồi tiến hành tìm kiếm”, anh Truyền cho biết. Theo anh, phần lớn các phần mộ liệt sĩ khi hy sinh ở các vùng rừng núi đều được đồng đội mai táng ở những khoảnh đồi yên ngựa hoặc khe suối để tránh bị phát hiện, tránh những cơn mưa núi xói mòn, cuốn trôi. Một phần khác hy sinh và nằm lại chính nơi đang chiến đấu hoặc đang dưỡng thương.
Anh Truyền kể, chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ cảm động lắm. Có nhiều bà mẹ đã ở cái tuổi 80 vẫn lặn lội từ Thái Bình, Nam Định vào Quảng Trị tìm con. Nhìn cái dáng lưng còng, đôi mắt vời vợi ngóng con của các mẹ, anh không cầm lòng được. Những lúc ấy anh nghĩ đến mẹ mình rồi lại quyết tâm đi tìm giúp cho bằng được. Anh không chỉ tìm kiếm ở núi rừng Hải Lệ mà còn đi xa đến tận các vùng rừng thuộc Thừa Thiên – Huế, thậm chí sang cả đất bạn Lào. Anh Truyền kể, không phải chuyến đi nào cũng tìm được hài cốt liệt sĩ, nhiều chuyến đi trở về tay trắng. Nhìn đôi mắt vô vọng của người thân liệt sĩ, anh thấy mình như người mắc nợ.
Hỏi về chế độ đãi ngộ cho đội quy tập, anh Truyền nói rằng, mỗi chuyến đi đội chi phí theo số tiền được cấp vỏn vẹn có 500 ngàn đồng. Số tiền đó chỉ phụ được một ít cho chuyến đi như tinh thần động viên chứ còn nhiều khoản khác các anh phải tự bỏ tiền túi để mua sắm, trang trải. Tuy vậy, anh chưa hề nghĩ đến ngày nghỉ. Anh Truyền tâm sự: “Dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm rồi, nhưng ở vùng núi rừng Hải Lệ như động Ông Do, Cao điểm 264… vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ đang nằm lại chưa đưa về quê được. Mỗi ngày trôi qua, các gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy người thân là niềm trăn trở khôn nguôi, tôi hiểu điều đó nên dù khó khăn đến đâu cũng sẽ tiếp tục hành trình. Tôi tin rằng mỗi lần tìm thấy đồng đội của ba, chắc ba vui lắm”.
Bài, ảnh: Phan Lệ
 
Tâm và tình
Anh Truyền bảo rằng việc tìm hài cốt trước hết phải có cái tâm. Không có cái tâm thì không làm được bởi nhiều chuyến đi phải mất cả tháng trời, có khi phải ăn mì tôm sống qua ngày. Mùa mưa, vắt rừng đầy rẫy, đường trơn trượt, không cẩn thận rơi tuột xuống núi rất nguy hiểm. Gian nan, vất vả nhưng đằng sau anh có sự động viên của người vợ. Chị cam tâm làm trụ cột cáng đáng gia đình để anh hoàn thành tâm nguyện của mình. “Ở đời, sự giàu có không nhất thiết phải là có nhiều tiền, mà giàu có ở cái tình, cái nghĩa. Đó mới là sự giàu có bền vững, không chỉ cho mình mà là tài sản vô giá cho con, cho cháu”, anh chị cùng bảo vậy. 
 

 

Bình luận (0)