Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-1947/ 27-7-2015: Kỳ 3: Hành trình của một tấm ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Liệt sĩ Lưu Văn Búc (giữa) trong bức ảnh quý còn sót lại 

Cứ đến ngày 26-8 hàng năm, ông Lưu Văn Mộc – ngụ đường Chí Linh, TP.Vũng Tàu lại lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp một nén nhang cho đứa con trai Lưu Văn Búc đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên.

Tấm ảnh cuối cùng

Mặc dù đây chưa phải là ngày giỗ của liệt sĩ Lưu Văn Búc nhưng ông Mộc vẫn không quên ngày 26-8-1970, đứa con trai thứ hai của gia đình tạm biệt giảng đường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng bạn bè khóa 13 Khoa Vô tuyến đi tòng quân khi đang học dở năm thứ hai. Vợ chồng ông đâu có ngờ rằng, chỉ sau 2 năm gia nhập quân ngũ Búc đã anh dũng hy sinh sau một trận bom của máy bay B52, vĩnh viễn nằm lại trên vùng núi rừng Kon Tum. Ông Lưu Văn Kính – người em trai kế của liệt sĩ Búc kể lại: “Do gia đình không có một tấm ảnh nào của anh Búc nên bố mẹ tôi quyết định nhờ thợ vẽ lại một bức chân dung của anh để thờ phụng”… May mắn lại bất ngờ đến với vợ chồng ông Mộc khi gần 40 năm sau được kết nối với đồng đội anh Búc, quý nhất là trong số bạn bè sinh viên khóa 13 năm ấy, có người còn giữ được một tấm hình của anh Búc chụp trong thời gian theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Kể từ đó, hành trình về một tấm hình dần dần được hé lộ…

Căn nhà nằm giữa con hẻm gần chợ Tân Sơn Nhất, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM của vợ chồng ông Lê Sơn và không ai khác, người cựu binh đã nghỉ hưu này chính là chủ nhân của tấm hình duy nhất còn sót lại về liệt sĩ Lưu Văn Búc. Tấm hình dù đã cũ nhưng vẫn còn rõ nét và điều đặc biệt là không bị tróc hay ố vàng như những tấm hình bình thường khác dù đã qua gần nửa thế kỷ. Cả 3 người trong tấm ảnh đều còn rất trẻ chỉ độ 17 tuổi, trong đó anh Búc là người ngồi giữa. Nhiều năm nay, ông Sơn luôn có mong muốn gặp lại gia đình người bạn để trao lại tấm ảnh như một kỷ vật thiêng liêng của người đồng đội. Ông cũng không ngờ bố mẹ người bạn chiến đấu nhiều năm nay không hề có một di ảnh nào để thờ phụng con trai. Thế nhưng sau nhiều năm liên lạc với chính quyền địa phương huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên – nơi gia đình ông Mộc trước đây đã từng sinh sống thì cũng chỉ biết họ đã vào TP.Vũng Tàu lập nghiệp, nhưng không có địa chỉ cụ thể. Tưởng chừng tấm ảnh đặc biệt của người liệt sĩ mãi mãi ở trong ngôi nhà ông Sơn và sẽ không bao giờ tìm được hành trình trở về của nó.  

Một kết thúc đẹp

Ông Lê Sơn chính là bạn học cùng khóa với liệt sĩ Búc và cùng nhập ngũ ngày 26-8-1968 với rất nhiều sinh viên của Trường Bách khoa. Dù thời gian đã đi qua hơn 40 năm nhưng ông Lê Sơn vẫn không quên được câu chuyện mình có được tấm hình của đồng đội: “Tôi có được tấm ảnh cậu Búc cũng là một câu chuyện hy hữu mà đến tận bây giờ vẫn không sao giải thích được. Nó như một cơ duyên hay đúng hơn là một sự sắp đặt sẵn của số trời”. Theo lời kể của ông Sơn, khi vào đến Quảng Bình, họ vẫn chung một đại đội. Một lần tại căn cứ Tam Đa, sau khi hàn huyên tâm sự, chiến sĩ Búc bất ngờ lấy trong cuốn sổ tay ra một tấm hình và đưa cho ông giữ hộ mặc dù lúc đó 4, 5 chiến sĩ đang có mặt ở đây. Dù học cùng khóa nhưng ông không phải đồng hương và cũng chẳng là bạn học cùng lớp nhưng không hiểu sao Búc lại “chọn mặt gửi vàng” trao tấm ảnh duy nhất cho ông? Cất kỹ tấm ảnh vào ba lô, Lê Sơn coi đó như là một niềm tin mà người đồng đội trao gửi cho mình trong hoàn cảnh sống chết cận kề.

… Chiến trường Tây Nguyên năm 1972 thật sự ác liệt với tên gọi mùa hè đỏ lửa. Cũng tại hầm của Tổ đài 15 W thuộc C31 D18 thông tin F320 đã bị bom B52 bắn trúng hầm. Ông Sơn vẫn không quên buổi sáng định mệnh đó: “Năm người ở trong một căn hầm gồm có tôi, Tiến, Nam, Tiếu và Búc. Tan cuộc nói chuyện, tôi và Tiếu trở về hầm cũ nhưng chưa đầy 5 phút sau máy bay B52 đã bắn một loạt đạn trúng ngay hầm của Búc. Trong 4 người bị thương, Búc bị nặng ở phần đầu, lần lượt Tiến, Gióng hy sinh và cuối cùng là Búc cũng không qua khỏi”. Kể đến đây, người cựu binh không khóc nhưng trong lòng ông nặng trĩu nỗi đau vì nhớ thương người đồng đội ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Giao thi hài cho bộ phận khác, Tiểu đội phó Lê Sơn lại cùng anh em vượt Trường Sơn đi tìm trận đánh mới.

Năm 2012, vợ chồng ông Sơn được Hội Cựu chiến binh Q.Gò Vấp tổ chức một chuyến tham quan ở Vũng Tàu. Thế nhưng trước đó vài ngày, ông nhận được cú điện thoại từ ông Lê Xuân Tiếu đã phục viên ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An báo tin mừng là đã tìm được nơi ở của cụ Mộc. Như có sự sắp đặt sẵn, vợ chồng ông đã theo tàu cánh ngầm ra thành phố biển nhưng bỏ luôn cả chuyến đi nghỉ mát để tìm bằng được thân sinh đồng đội của mình. 

Sau 40 năm chờ đợi nay cụ Lưu Văn Mộc đã ngoài 90 tuổi với 60 năm tuổi Đảng, sức khỏe đang ngày một yếu dần. Thế nhưng, khi biết tin có người đem hình con trai về nhà ông thấy như trẻ lại và đáng sống hơn bao giờ hết. Cũng từ đó, trên bàn thờ nhà ông Lưu Văn Kính không còn lạnh lẽo cô đơn vì đã có tấm hình thực của người anh trai yêu quý.

Phan Ngọc Quang

Tròn 40 năm lưu lạc, tấm hình của liệt sĩ Lưu Văn Búc đã đi qua một hành trình với nhiều ẩn số, cuối cùng như dòng nước mát đã tìm về được thủy tổ cội nguồn với trăm ngàn cung bậc vui buồn và sướng khổ. Một câu chuyện có kết thúc vô cùng đẹp… 

 

Bình luận (0)