Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-1947/27-7-2015: Kỳ 1: Nhà giáo – liệt sĩ Nguyễn Văn Tần

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi họp mặt cán bộ Ban Tuyên giáo Khu 8 do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng thay mặt Bộ GD-ĐT đã trao tặng bằng khen cho đoàn cán bộ giáo viên đi B vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Tần.

Vì tuổi cao sức yếu và đường sá xa xôi nên bà Trần Thị Chung – vợ nhà giáo liệt sĩ Nguyễn Văn Tần quê ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An không thể vào họp mặt, chỉ có anh Nguyễn Trọng Hoàng – con trai út của liệt sĩ Tần đại diện cho gia đình.

Ra đi để lại hai đứa con thơ

Trong ký ức của anh Hoàng không hề lưu lại dáng hình, khuôn mặt người cha yêu quý của mình vì lúc thầy giáo Nguyễn Văn Tần tình nguyện lên đường vào Nam anh còn ẵm ngửa. Thế nhưng qua lời kể của người mẹ, hình ảnh của cha trong tâm tưởng vẫn theo suốt cuộc đời của anh từ lúc bé cho đến khi trưởng thành. Cũng như người chị gái của mình, vì còn thơ dại nên không thể nào anh thấu hiểu hết sự mong đợi của người vợ 30 năm biền biệt tin chồng và nỗi đau vì không tìm được hài cốt người đã mất. Anh Hoàng nhớ lại: “Năm 1976, có nghĩa là sau 1 năm hòa bình gia đình tôi mới có giấy báo tử của Bộ Giáo dục và Thanh niên miền Nam hay tin bố mất chính thức”.

Anh Hoàng cho biết, trước ngày 30-4-1975 bà ngoại và mẹ anh vẫn còn rất nhiều hy vọng về cha nhưng sau ngày miền Nam giải phóng thì tất cả gần như tiêu tan hết cho đến ngày cầm tờ giấy báo tử trên tay. Anh Hoàng kể: “Là con một nên bố tôi được ông bà nội cưng từ nhỏ, nhưng không phải vì thế mà ông bà ngăn không cho bố vào chiến trường. Thế rồi từ ngày bố ra đi, ngày nào ông bà cũng chờ đợi ngóng tin giống như chờ bố đang đi dạy và làm Hiệu trưởng tại Trường Phổ thông Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cứ vài tháng lại về nhà một lần”. Cũng như bố mẹ chồng, tháng ngày chờ đợi đã làm cho chị Chung héo mòn cả ruột gan. Nhớ lời chồng dặn trước lúc ra đi, người vợ ở hậu phương chỉ biết đảm đang để nuôi dạy hai giọt máu mà chồng để lại.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng trao giấy khen cho gia đình liệt sĩ – nhà giáo Nguyễn Văn Tần

Cũng như ý nguyện của nhiều gia đình liệt sĩ khác, chị Chung rất muốn tìm được thi hài của chồng để đưa về quê tập kết tại nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà. Thế nhưng điều mong muốn của gia đình chị thật khó khăn vì nhà giáo Nguyễn Văn Tần hy sinh trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt mà không có một đồng đội nào chứng kiến. Tại buổi họp mặt cán bộ Ban Tuyên giáo khu tại Tiền Giang, chúng tôi đã may mắn gặp được bà Trần Thị Mỹ Dung, nguyên giáo viên của Ban Tuyên giáo T2 là bạn chiến đấu cùng tổ với liệt sĩ Nguyễn Văn Tần.

Trở về không còn “gặp” được cha mẹ

Dù thời gian đã qua 45 năm nhưng trong ký ức của cô giáo Mỹ Dung vẫn không quên hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Tần: “Năm 1969 anh Tần vào Nam, được Bộ Giáo dục điều động vào Ban Tuyên huấn T2 đóng tại vùng giáp ranh Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prey Veng của Campuchia. Căn cứ T2 chúng tôi đóng tại Gò Chùa hoạt động trên các xã giáp biên giới dọc bờ sông Sở Thượng. Lúc đó là buổi sáng tháng 4-1970 tổ đang họp bàn công tác để chuẩn bị xuống cơ sở thì có tin báo địch đang bố ráp theo chiến dịch trận càn Đông Dương từ Campuchia sang Việt Nam. Vì thế cuộc họp nhanh chóng giải tán và mỗi người chạy theo một hướng. Tôi chạy ngược theo hướng sang Campuchia còn anh Tần và một số người khác chạy về hướng Việt Nam. Khi trận càn kết thúc, khoảng 2 ngày sau mọi người quay về căn cứ điểm danh thì thiếu đồng chí Tần và mất liên lạc từ đó”. Theo bà Dung, đây chính là lý do giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Tần trễ hơn so với những người khác vì không ai tìm thấy xác. Đồng đội ai cũng thương xót vì lúc đó liệt sĩ Tần mới vào đơn vị được 4 ngày đang bị sốt phải uống thuốc và chưa thuộc đường như mọi người. Nỗi đau của bố mẹ và người vợ liệt sĩ Tần lại nhân đôi khi mất hết thông tin về người thân của mình. Sau bao nhiêu năm vào Nam đi tìm mộ, người phụ nữ có hai con nhỏ vẫn sống trong vô vọng. May mắn cho chị là vẫn còn người em họ chồng là anh Nguyễn Trọng Kính đang công tác tại Sài Gòn nên sau đó việc kết nối với Sở Lao động Thương binh tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm Hỗ trợ thương binh liệt sĩ trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều thuận lợi hơn. Ngày 11-7-2012 là thời khắc đáng nhớ nhất của hai chú cháu ông Nguyễn Trọng Kính khi đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự làm thủ tục bốc hài cốt liệt sĩ tại gò Hai Vinh, xã Thường Thới Hậu A. Tuy nhiên, khi khai quật lên thì không chỉ 1 mà có tới 3 bộ xương nằm chồng lên nhau. Lại một khó khăn nữa đến với anh Hoàng vì không biết bọc xương nào là của bố mình. Mãi cho đến mấy tháng sau nhờ trung tâm xét nghiệm ADN của Trung ương mà anh đã nhận lại được hài cốt của người cha thân yêu của mình.

Bài, ảnh: Quang Phan

Sự nghiệp trồng người của liệt sĩ – nhà giáo Nguyễn Văn Tần, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vĩnh Hà còn dang dở; thế nhưng, cô con gái lớn là nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thảo – Hiệu trưởng Trường MN Hưng Thịnh và cô con dâu là nhà giáo Nguyễn Thị Yến – Hiệu trưởng Trường MN Hưng Thông (Hưng Nguyên) đã nối tiếp con đường của cha mình… 

 

Bình luận (0)