GS. Lương Duy Trung (thứ hai từ trái sang) |
Thầy Lương Duy Trung xuất thân trong một gia đình nhà giáo – Nho học có truyền thống nổi tiếng ở tỉnh Quảng Bình. Tuổi thanh niên thầy đi bộ đội, là thương binh bị hỏng mắt. Thầy chỉ sống, làm việc bằng một con mắt từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
1.Cách đây vừa đúng 50 năm (1965), các trường ĐH ở Hà Nội đều phải sơ tán về nông thôn, vùng trung du miền núi để tiếp tục giảng dạy, học tập. Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Thầy trò chúng tôi gánh gạo, chặt cây, san nền làm lán trại, lớp học, đào hầm hào, phòng không, duy trì việc dạy và học trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khó khăn. Lớp học tranh tre nứa lá đơn sơ, bàn ghế được ghép từ tre nứa, bảng đen mờ viết không nhìn thấy chữ. Trái ngược với hoàn cảnh đó, giờ lên lớp của các thầy bộ môn văn học nước ngoài rất thu hút, gây sự say mê hứng thú học tập của sinh viên, làm cho ai nấy đều rất phấn khởi, chăm chỉ học tập theo chủ trương “dù hoàn cảnh nào cũng thi đua học tốt, dạy tốt”. Thầy Lương Duy Trung là một tấm gương mẫu mực truyền đến cho chúng tôi lòng yêu ngành yêu nghề, yêu văn học phương Tây đến mức kỳ lạ mà sau bao năm rồi vẫn không thể nào quên.
Thầy Lương Duy Trung bình dị, khiêm tốn, tự nhiên và thân mật. Khi lên lớp thầy vui vẻ, giảng giải chậm rãi, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng nội dung bài giảng rất rõ ràng, dễ hiểu, nổi bật từng vấn đề vốn rất khó của từng tác giả, tác phẩm văn học phương Tây. Ngoài việc giảng dạy nghiêm túc trên lớp mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, sơ tán khó khăn thầy vẫn tổ chức ngoại khóa, phụ đạo hướng dẫn sinh viên tập và biểu diễn các trích đoạn tác phẩm văn học.
2. Thầy Lương Duy Trung xuất thân trong một gia đình nhà giáo – Nho học có truyền thống nổi tiếng ở tỉnh Quảng Bình. Tuổi thanh niên thầy đi bộ đội, là thương binh hỏng mắt. Thầy chỉ sống, làm việc bằng một con mắt từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, thầy được cử đi học đào tạo giáo viên tại Trường Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Là thương binh lại là người biết Pháp ngữ, yêu thích văn học phương Tây, năm 1959 thầy tốt nghiệp và làm cán bộ giảng dạy bộ môn văn học phương Tây tại Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với vốn Pháp văn đã có chỉ sau một năm đọc sách, nghiên cứu năm 1960 thầy bắt đầu giảng dạy bộ môn này. Năm 1963 thầy là một trong số tác giả Giáo trình văn học phương Tây đầu tiên được xuất bản ở miền Bắc mở đầu cho việc nghiên cứu, giảng dạy văn học phương Tây ở các trường ĐH. Phần “Văn học Phục hưng” do giáo sư Lương Duy Trung viết có giá trị về nhiều mặt, nhất là phương pháp luận khi đánh giá tác giả và tác phẩm. Chương viết về thân thế, sự nghiệp của Sêchxpia trong đó phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm bi kịch, hài kịch của Sêchxpia của giáo sư Lương Duy Trung đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói giáo sư Lương Duy Trung là chuyên gia hàng đầu về Sêchxpia. Năm 1976, cùng với giáo sư Nguyễn Đức Nam được đào tạo về văn học phương Tây từ Liên Xô (Nga) trở về, giáo sư Lương Duy Trung đã cho ra mắt công trình Sêchxpia (NXB Văn hóa Hà Nội, 1976) tương đối hoàn chỉnh và có hệ thống đầu tiên ở Việt Nam. Dưới góc độ “truyện danh nhân”, Sêchxpia của Nguyễn Đức Nam và Lương Duy Trung mà phần đóng góp chủ yếu là của giáo sư Lương Duy Trung có đóng góp trong việc nghiên cứu, giới thiệu và giảng dạy Sêchxpia ở nhà trường Việt Nam. Cho đến nay, chưa có công trình nào về đại danh hào này vượt Sêchxpia của Nguyễn Đức Nam và Lương Duy Trung về tư liệu lẫn văn phong. Chẳng những là giáo trình ĐH, giáo sư Lương Duy Trung còn là tác giả biên soạn phần văn học phương Tây trong sách giáo khoa các cấp. Giáo sư là một trong những người có đóng góp trong việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập Sêchxpia ở Việt Nam.
Ngoài Sêchxpia, giáo sư Lương Duy Trung còn giới thiệu nhà viết hài kịch nổi tiếng Pháp Môlie cho độc giả Việt Nam qua bài viết Môlie ở Việt Nam. Mặc dù bài viết ngắn gọn nhưng khá đầy đủ và có hệ thống về việc giới thiệu Môlie ở Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng 8 (1945) qua các tác phẩm kịch nổi tiếng của ông như Tactupp, Trường học làm vợ, Người ghét đời, nhất là Lão hà tiện được diễn trên sân khấu ở Sài Gòn, Hà Nội dưới thời tạm chiếm và rất được khán giả Việt Nam hoan nghênh. Những vấn đề châm biếm xã hội mà Môlie miêu tả hàng trăm năm trước vẫn còn có ý nghĩa thời sự đối với Việt Nam trước đây và hiện tại. Những đóng góp nghiên cứu, giảng dạy của giáo sư Lương Duy Trung đối với hai đại văn hào Sêchxpia và Môlie ở Việt Nam rất được khẳng định trong nửa thế kỷ qua.
3. Là một thương binh trong hơn 60 năm qua giáo sư Lương Duy Trung giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ đào tạo trong ngành sư phạm chỉ bằng ánh sáng của con mắt còn lại. Bằng con đường tự học, tự bồi dưỡng, không ngừng trau dồi về Pháp ngữ, Anh ngữ, cần cù, âm thầm chịu khó thầy đã học, đọc, viết và dạy, góp phần đào tạo hàng vạn giáo viên. Các “giáo trình văn học phương Tây”, “Sêchxpia” nói lên sự cố gắng vượt bậc của thầy trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn học phương Tây. Năm 1991, 1992 thầy được Nhà nước cử đi nghiên cứu tại Trường ĐH Paris VII và một số cơ sở nghiên cứu tại nước Cộng hòa Pháp. Thầy đã tiếp xúc, trao đổi khoa học với các đồng nghiệp Pháp, tìm đọc nhiều tư liệu về các trường phái văn học hiện đại của Pháp. Những năm sau đó, thầy có dịp “Tây Âu du ký” qua nhiều quốc gia Tây Âu.
Đất nước, con người, văn hóa và văn học phương Tây mà bấy lâu thầy tìm hiểu qua trang sách nay được “tai nghe mắt thấy” là những thu hoạch vô cùng đối với thầy – Một người thương binh hỏng mắt cả đời gắn bó với cánh đồng văn học phương Tây.
PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp
Bình luận (0)