Kỳ 1: NỮ ANH HÙNG MÃI MÃI TUỔI 20
Năm 2012, trong một lần về nguồn, nhiều cán bộ lão thành thuộc Ban Tuyên huấn Khu 8 Tây Nam bộ sau khi đã dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm của Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp đã tìm đến ngôi mộ người đồng đội mới được quy tập về đây. Đó là ngôi mộ của nữ liệt sĩ Trần Thị Gấm.
Ông Đỗ Tấn Huỳnh (bên phải) cùng đồng đội đứng trước ngôi mộ nữ liệt sĩ Trần Thị Gấm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp |
Người cán bộ nhà máy in
Người nhiệt tâm nhất là ông Đỗ Tấn Huỳnh – cán bộ của Ban Liên lạc Tuyên huấn Khu 8 – nguyên là bạn chiến đấu một thời cùng với liệt sĩ Trần Thị Gấm. Tuy đôi chân hơi yếu nhưng ông vẫn đến từng hàng mộ để đọc lại tên cho rõ: “Tôi nhớ không nhầm, ngôi mộ chị Gấm nằm ở hướng này mà”. Theo lời kể của người cán bộ hơn 80 tuổi, ngôi mộ này mới được gắn bảng tên chính thức gần đây: “Trước ngày 30-4-1975, mộ chị Gấm ở một khu đất gần Trường Tân Thành A, Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sau này tỉnh Đồng Tháp đã đưa thi hài chị cùng đồng đội về an nghỉ tại nghĩa trang này. Lần nào tới đây tôi cũng thắp hương và nhổ cỏ mộ người bạn cùng chung đơn vị với mình”.
Với những chiến công oai hùng đó, chị Gấm đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng anh dũng của nữ liệt sĩ Trần Thị Gấm cũng đã đi vào văn chương khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho ra mắt truyện ngắn Trận đánh Trần Thị Gấm, bài vọng cổ Mùa bông điên điển của nhạc sĩ Phan Thế, bộ phim Hoa điền thanh của Xưởng phim hoạt hình TW. |
Xuất thân trong một gia đình nông dân ở ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là vùng căn cứ địa cách mạng, chị Gấm sớm ý thức được nỗi đau mất nước do thực dân và đế quốc gây ra. Ông Trần Văn Trầm – ba chị, Bí thư Chi bộ xã là người có ảnh hưởng chí hướng lớn nhất là đối với người con gái lớn trong nhà. Mặc dù là chị cả trong gia đình có 5 người con nhưng 17 tuổi chị đã thoát ly đi hoạt động vùng chiến khu. Đó là năm 1963, sau trận đầu Ấp Bắc chiến thắng giòn giã ngay quê hương chị. Nơi công tác đầu tiên của chị là nhà in Lý Tử Trọng thuộc Ban Tuyên huấn khu 8. Đây là cũng chính là cái nôi ra đời của Báo Giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ ở Đồng Tháp Mười. Ông Trần Nhã – một cán bộ trong nhà in vẫn không quên những ngày cùng chiến hào với nữ liệt sĩ Trần Thị Gấm: “Trong 3 năm cùng làm ở nhà in, anh em chúng tôi coi chị Gấm là người chị cả thân thương. Không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà chị còn là tấm gương đi trước trong mọi hoàn cảnh khó khăn và ác liệt nhất. Khi ở nhà in chị là người làm việc tích cực trong khâu xếp và đóng báo, khi phát hành chị đã phối hợp với đồng đội giao chuyển báo và đến tận nơi an toàn, đầy đủ thuộc 7 tỉnh khu Trung Nam bộ”. Anh em trong nhà in vẫn không quên những lời dặn của chị giao nhận báo phải chu toàn không để thất lạc dù một tờ vì đó là mồ hôi công sức của bao người. Là người phụ nữ nên chị rất đảm đang trong công tác hậu cần, sau giờ làm việc chị cùng anh em đi trồng cây, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Những lúc mưa gió chị ngồi vá áo, sửa dép cho anh em ai nhờ việc gì chị đều giúp. Bản tính hiền lành lại giỏi giang nên ai cũng quý mến chị, có gì vui buồn đều giãi bày tâm sự cùng với người chị cả thân thương. Thế nhưng thời gian gắn bó với nhà in quá ngắn ngủi. Ngày 5-6-1966 cùng với 6 đồng chí trong nhà in Lý Tử Trọng, chị Trần Thị Gấm đã anh dũng hy sinh. Năm đó chị vừa tròn 20 tuổi.
Đẹp loài bông điên điển
Nhắc đến chuyện xưa, nhiều đồng đội đứng bên nấm mồ nữ liệt sĩ Trần Thị Gấm nghẹn ngào xúc động kể lại trận chiến đấu ác liệt giữa các cán bộ nhà in với giặc Mỹ giữa mùa nước nổi Đồng Tháp Mười. Đầu tháng 10 khi nước nổi lên cao, Mỹ ngụy đã dùng chiến thuật mới là dùng hạm đội nhỏ trên sông kết hợp với thuyền bay, trực thăng và L19 mở trận càn lớn hòng thọc sâu đánh phá căn cứ địa của ta nhằm gây thêm thiệt hại. Tại chốt tiền tiêu bên kinh Gáo Đôi thuộc xã Tân Công Sính, huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) có 7 đồng chí bám trụ. Sau một ngày chiến đấu với kẻ thù hết đạn, 6 đồng chí lần lượt hy sinh chỉ còn lại một mình chị Gấm. Lúc này địch đã phát hiện ra chị và cho 2 thuyền bay chạy sát vách nhà sàn để kêu gọi đầu hàng. Lúc này chỉ còn 1 thùng lựu đạn gài loại cổ đỏ. Vừa thương tiếc đồng đội vừa căm tức quân thù chị đã cho nổ tung thùng lựu đạn. Kết quả 2 chiếc thuyền bay nổ tung và hơn 1 tiểu đội địch chết và bị thương tại chỗ. Hôm đó vào ngày 5-10-1966. Mặc dù chị Gấm hy sinh nhưng trận đánh cuối cùng này đã chặn đứng được đợt tấn công của địch và bọn chúng phải rút lui vì sợ hãi. 5 người con gái đất Tiền Giang anh hùng vừa tròn 20 tuổi.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)