Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỷ niệm 70 năm ngày Nam bộ kháng chiến: Theo tiếng loa vang

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM xem triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm ngày Nam bộ kháng chiến tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ngày này 70 năm trước, cố GS. Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã đọc lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, nhân dân Sài Gòn – Gia Định nắm chặt vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ngày 23-9-1945, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã dẹp tan âm mưu  của quân Pháp đánh chiếm nước ta một lần nữa. Trước đó, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cũng đã nhanh chóng tập hợp lực lượng của Tổng Công đoàn Nam bộ, các tổ và đội vũ trang công nhân, người già, phụ nữ và cả trẻ em ở nội và ngoại thành để sẵn sàng cho ngày Nam bộ kháng chiến.

Ký ức ngày 23-9

Sinh thời, GS. Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ kể lại: Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, tại các tỉnh Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến và các cấp ủy Đảng đã tổ chức được đội du kích, tự vệ chiến đấu bố trí ở các khu vưc trọng điểm và tuần tra, canh gác công sở nghiêm ngặt. Chỉ một thời gian ngắn nhưng tập hợp đến 320 đội tự vệ ở 16 khu vực tác chiến nội thành. Đêm 23-9, trước trụ sở UBND TP.HCM hiện nay, đường Norodom (tức Lê Duẩn sau này) và một số điểm xung yếu khác đã diễn ra những cuộc đánh trả quyết liệt. Điều đáng nói là quân và dân Sài Gòn lúc này chiến đấu đến giây phút cuối cùng và chứng kiến hình ảnh quân ta tiến lên thay cờ trên cột cờ Thổ Ngữ.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) nhìn nhận: Kháng chiến thành công phải kể đến mưu trí, anh dũng của cán bộ chiến sĩ Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và sự đồng lòng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù của quân dân Sài Gòn – Gia Định. Lúc bấy giờ, từ nội đến ngoại ô Sài Gòn được chia 5 mặt trận, trong đó có 4 mặt trận xung quanh, gồm: Các mặt trận được xây dựng từ các hướng bao vây địch, sẵn sàng tổ chức ngăn chặn và bẻ gãy các cuộc tiến công. Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn – Gia Định có chiến tuyến là hầm được đắp mô nhiều tầng, nằm trên 3 trục chính: Trục khu Thị Nghè, Hàng Xanh; trục Cầu Bông, Bà Chiểu, cầu Hang (Gò Vấp) đến cầu Bến Phân; trục Cầu Kiệu, Phú Nhuận, ngã ba Chú Ía ra An Nhơn; Mặt trận phía Bắc (Tham Lương), cửa ngõ hướng đi Tây Ninh và biên giới Campuchia. Mặt trận phía Tây hay mặt trận Phú Lâm – chợ Đệm) án ngữ lộ Đông Dương 16, đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho và lộ số 10 Phú Lâm – Đức Hòa và Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn (Mặt trận phía Nam).

Để công tác di chuyển cơ sở cách mạng từ nội thành về vùng ven an toàn, Ủy ban Nam bộ kháng chiến đã cầm chân địch trong thời gian dài nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở cách mạng di chuyển về vùng ven. Riêng ở nội thành, thời điểm dầu sôi lửa bỏng ấy nhưng lại có đến 14 tiểu khu và hơn 300 tổ xung kích được tập hợp trên tinh thần tự lực cánh sinh, chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu giành chiến thắng, dẫu biết trước cuộc chiến đầy nguy nan.

Từ lời kêu gọi

“Đồng bào Nam bộ, Nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

Độc lập hay là chết!

Hôm nay

Ủy ban Kháng chiến kêu gọi

Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.

Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức ra khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:

– Không làm việc, không đi lính cho Pháp.

– Không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp.

Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt. Hãy đốt sạch, phá sạch các cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm.

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt võ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu vào sáng 23-9-1945 vừa dứt, quân dân Sài Gòn – Gia Định đã đồng loạt mở màn các đợt tiến công. Từ các ngả Xóm Chiếu – Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Quy, khu vực trung tâm thành phố như ga xe lửa, chợ Bến Thành, Cầu Muối, Thị Nghè, Tân Định, Bàn Cờ… tình hình chiến sự diễn ra ác liệt ngay trong đêm 23, rạng sáng 24-9. Trong vòng tuần lễ, kể từ 23-9, quân đội Pháp lâm vào cảnh khốn khó khi viện binh chưa tới kịp, trong khi đó Pháp dựa vào Anh và Nhật để phá vòng vây nhưng âm mưu của chúng thất bại. Quân dân Sài Gòn – Gia Định đã đốt phá 138 công sở, xí nghiệp, gần 100 tàu lớn nhỏ, nhiều kho vũ khí, lương thực… và hàng trăm tên địch.

Đại tá Tư Cang nhớ lại, lúc bấy giờ, thanh niên quyết tử, xung phong công đoàn tổ chức nhiều đội cảm tử quân xung kích, biểu tình vũ trang các chốt địch, cướp vũ khí đánh trả bắt nhiều tù binh và giải thoát cho quân dân ta đang bị tạm giam. Người trước trúng đạn, lớp người sau tiến lên…

Khí phách của quân và dân Sài Gòn trong ngày Nam bộ kháng chiến đã in đậm trong tâm trí bao thế hệ người Việt. Tuổi trẻ TP.HCM đã và đang tiếp bước truyền thống cha ông, những người con của vùng đất Nam bộ thành đồng, phát huy hào khí Nam bộ kháng chiến trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập.

Bài, ảnh: Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)