Suốt 50 năm, người thân của ông ở Thái Bình đã lập ban thờ với tấm bằng ghi công liệt sĩ. Còn ở một nơi khác trong lòng Đà Nẵng, ông sống với ký ức nhớ nhớ, quên quên, không giấy tờ tùy thân. Đó là câu chuyện về cuộc đời ông Võ Xuân Hồng (Vũ Đắc Roanh) ở xã Hòa Châu, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).
Tìm lại được quê quán, vợ chồng ông Hồng (tức Roanh) luôn rạng rỡ niềm vui |
Một chuyện tình cảm động
Những ngày này, căn nhà 101 của vợ chồng ông Hồng ở khu chung cư Nam cầu Cẩm Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) rộn ràng niềm vui, bà con lối xóm đến chúc mừng ông tìm lại quê hương sau bao nhiêu năm trí nhớ ngủ quên. Chậm rãi rót cốc nước mời khách, bà Ngọc – vợ ông kể: “Tui gá nghĩa vợ chồng với ông ấy tới nay cũng đã hơn 30 năm. Đi qua bao gian khó, dẫu có lúc tổ ấm hạnh phúc tưởng chừng rời rã nhưng rồi vẫn cố nắm chặt tay nhau”. Bà Ngọc sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo huyện Hòa Vang. Năm 2 tuổi trong một lần sốt cao, bà bị liệt hai chân. Lớn lên trong cảnh tật nguyền, 15 tuổi, bà đi học nghề may. Bà bảo, cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn liền với chiếc máy khâu trong cô đơn vì đến cả bản thân mình còn chưa lo nổi, nói chi chuyện xây dựng gia đình. Rồi tình cờ một ngày giữa năm 1983, anh trai bà đưa về một người con trai trắng trẻo rồi bảo, nó mất trí nhớ, không nhớ ra quê quán, mình cho nó ở tạm. “Thấy ông cũng hiền nên đi đến hôn nhân”, bà nhớ lại. Một năm sau, khi bà mang thai đứa con đầu lòng tầm 3 tháng tuổi thì một hôm anh trai bà buồn bã nói: “Thằng Hồng nó có vợ và hai con rồi”. Bà vừa buồn vừa sợ. Nghĩ mãi, bà đành nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục làm người vợ hiền vừa tìm cách gợi chuyện để hỏi ông về gia đình trước, khuyên ông đưa con về gặp mặt để lớn lên còn biết máu mủ. Cũng chính những ngày sau đó, cuộc sống gian nan hơn khi bệnh ông trở nặng, ngày tỉnh ít hơn ngày đau.
Bà nói, cuộc sống vất vả có lúc tưởng chừng không gượng dậy được: “Chồng ốm đau, tui tật nguyền, một nách hai đứa con thơ làm đủ nghề, từ may vá đến giữ trẻ, bán bánh tráng nướng… kiếm tiền nuôi chồng, con. Ban đầu còn ở nhờ nhà cha mẹ tui, sau khu đó bị giải tỏa, phải dắt díu nhau đi thuê trọ. 15 năm đi ở trọ. Đến năm 2014, được bố trí chung cư”. “Khổ tận cam lai!”, bà nói.
Tìm quê cho chồng
Mấy năm chung sống, bà vẫn đau đáu tìm quê xứ cho chồng. “Lần dò mãi ông vẫn không nhớ được, chỉ nhớ là đã từng đi bộ đội. Năm trước, vô tình vấp ngã, ông nhớ ra tên cha mẹ và quê xã Thái Xuyên (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đầu năm 2017, tui vay mượn tiền để con trai út Võ Xuân Huy lần theo địa chỉ tìm quê”. Mò mẫm với dòng địa chỉ không rõ ràng, Huy về đến Thái Xuyên khi rạng sáng, dừng chân ăn sáng để hỏi thăm. Không ngờ tìm thấy thật. Huy bảo: “Nhìn nét mặt cô Vê – người cô còn sống em đã nhận ra rất giống ba mình. Lúc cô cho xem gia phả, đọc tên tuổi ông bà nội, em mừng đến nghẹn lòng”.
Bà Ngọc kể, khi nghe con gọi điện vào bảo đã tìm ra quê và biết tên thật của cha là Vũ Đắc Roanh, bà vui đến không ngủ được. Ngay hôm sau Huy cùng hai mẹ con bà Vê khăn gói về Đà Nẵng. Ký ức lật giở từng thứ một, ông ôm chầm em gái và khóc. Lúc này mới biết, năm 1967, đang học trung cấp nông nghiệp, ông viết đơn xung phong đi bộ đội với tên Vũ Đắc Roanh, sinh 1950. Ít lâu sau, gia đình ông ở Thái Bình nhận được giấy báo tử hy sinh ngày 3-10-1969 và chứng nhận liệt sĩ. Thế là ông thành… liệt sĩ từ đó!
Trong khi ông Roanh đang sống vất vả ở Đà Nẵng. Không ngờ, một đồng đội ông Roanh là Mai Đinh Đoan cũng sống chung thành phố lại lặn lội đi thi “Ai là triệu phú” tận Hà Nội để tìm lại đồng đội năm xưa. Ông Đoan kể, mấy chục năm nay, tôi vẫn đau đáu tìm đồng đội không ngờ lại ở chung thành phố. Ông Roanh chính là chiến sĩ liên lạc kiêm thống kê của Đại đội 2, Tiểu đoàn 40 đặc công, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5 do chính ông Đoan làm Đại đội trưởng. Ông Đoan cho biết, đầu năm 1967, sư đoàn được giao nhiệm vụ chuyên trách đánh Sân bay Phù Cát. Tháng 8-1968, sư đoàn được bổ sung thêm nhân lực, ông Roanh được bổ sung làm chiến sĩ liên lạc cho Ban chỉ huy kiêm thống kê cho đại đội. Tiếp đó sư đoàn nhận nhiệm vụ hành quân từ Nam Bình Định ra Bắc Quảng Ngãi tăng cường cho Trung đoàn 22 làm nhiệm vụ phối hợp trong chiến dịch X2 nhằm giải phóng quận lỵ Sơn Hà (Quảng Ngãi). Sau đó, ông Roanh được cho đi học lớp y tá. Trên đường trở lại đơn vị, ngủ lại một đêm trong rừng thì bị B52 đánh bom bị thương. Ông Đoan sau đó đã cùng chính trị viên đại đội đến thăm. Lần thứ 2 ông Đoan trở lại thăm nhưng không gặp được ông Roanh. Theo lời bác sĩ điều trị, do sức ép của bom nên ông Roanh bị loạn thần 60-70%, đã chuyển tuyến trên điều trị. Họ mất liên lạc từ đó!
Tìm lại được quê cho chồng, gương mặt bà Ngọc giãn ra vui sướng, bà bảo, vậy là ước nguyện cả đời đã hoàn thành. Bây giờ chỉ muốn hoàn tất giấy tờ để ông ấy có tấm thẻ bảo hiểm y tế cho đỡ vất vả. Mấy chục năm nay, mỗi bận ông ốm đau, tui phải trầy trật khắp nơi vay mượn đóng viện phí. Cũng ước chi, ông được xác nhận chế độ để đỡ một phần nhọc nhằn cuộc sống tuổi già!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)