Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, bên cạnh những chiến công anh hùng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ làm cho kẻ thù khiếp vía sợ run còn có sự đóng góp không hề nhỏ của đội ngũ cán bộ công tác tuyên truyền, văn nghệ sĩ, nhà báo ở các đài phát thanh địa phương trong đó có Đài Tiếng nói Nam bộ (TNNB).
Các cựu nhân viên cán bộ Đài TNNB họp mặt tại Đài Truyền hình TP.HCM năm 2016 |
Dù chỉ hoạt động trong thời gian 7 năm ngắn ngủi nhưng Đài TNNB đã có sức lan tỏa rộng lớn đến tinh thần yêu nước quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và sục sôi chí căm thù giặc ngoại xâm.
Kỷ vật đánh thức kỷ niệm
Mỗi lần đến với Bảo tàng Cách mạng TP.HCM trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM sau khi đi thăm các phòng trưng bày hiện vật tranh ảnh lịch sử, ông Đỗ Tấn Huỳnh (Tư Huỳnh) và nhiều đồng đội khác đều ghé thăm chiếc máy phát sóng của Đài TNNB đang được lưu giữ tại đây. Được nhìn thấy và lấy tay vuốt ve một kỷ vật trong thời kỳ gian khổ sống chết cùng có nhau, hầu như ai cũng rưng rưng xúc động. Ông Tư Huỳnh và tất cả anh em nguyên là cán bộ và nhân viên của Đài TNNB như được sống lại thời tuổi trẻ sớm giác ngộ cách mạng và sẵn sàng xả thân cho cuộc kháng chiến “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sau ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 giữa mùa thu lịch sử. Cũng theo yêu cầu của Ban liên lạc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM khối phát thanh truyền hình, năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nam bộ kháng chiến, Ban Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP.HCM đã đồng ý đưa chiếc máy phát sóng triển lãm trong buổi họp mặt 70 năm ngày thành lập ngành phát thanh truyền hình. Có thể coi đây là buổi họp mặt có ý nghĩa nhất vì tất cả mọi người đến dự đã có thêm một lần chiêm ngưỡng và nâng niu kỷ vật gắn bó lâu bền trong nhiều năm kháng chiến. Đứng mân mê nhiều lần với chiếc máy phát sóng, ông Tư Huỳnh nói trong xúc động: “Tuy chiếc máy phát sóng này đã được phục chế và tân trang lại do hư hỏng và quá cũ kỹ nhưng tôi vẫn thấy nó vẫn là người bạn thân thiết của anh em khi công tác tại Đài TNNB”. Theo lời kể của người cán bộ 85 tuổi, sau khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam bộ, nhân dân cả nước lại bắt đầu đi vào cuộc kháng chiến đầy sinh tử. Với chủ trương đánh giặc từ nhiều phía và phát huy vai trò của công tác tuyên huấn, Ủy ban Kháng chiến quyết định thành lập Đài TNNB. Ông Bùi Văn Đạt – nguyên cán bộ đài nhớ lại: “Lúc mới ra đời năm 1947, đài có trụ sở tại vùng căn cứ Long An. Tuy nhiên do thực dân Pháp tìm cách vô hiệu hóa cơ quan ngôn luận của kháng chiến nên thường xuyên cho quân lính đến bắn phá và hủy diệt”. Đó là một ngày vào đầu tháng 5-1949, trong cuộc hành quân lội nước vào Đồng Tháp Mười, bọn chúng xông thẳng vào nơi đài đóng tại gò Ông Mười Tài để bắt tận tay. Được cảnh giới trước nên anh em đã kịp thời khuân vác các bộ phận chủ yếu của đài mang đi cất giấu. Tuy vất vả và có người hy sinh nhưng ai cũng yên tâm vì máy móc đều được bảo toàn. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đài lại tiếp tục hoạt động càng làm cho bọn chúng tức tối. Theo quyết định của ông Mai Văn Bộ – lúc bấy giờ là Trưởng đài TNNB, do bị tập kích quá nhiều lần nên 4 tháng sau đài bí mật chuyển xuống Khu 9 thuộc bờ kinh 9 nay là xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Sức mạnh vô biên từ tiếng nói
Ông Đỗ Tấn Huỳnh được trao kỷ niệm chương vì những đóng góp cho ngành phát thanh – truyền hình |
Với công lao đóng góp trong 7 năm kháng chiến, sau khi ra Hà Nội, Đài TNNB đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhiều cá nhân được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến. |
Ông Tư Huỳnh nhớ lại: “Đây là vùng giải phóng nên rất an toàn, vì thế hàng đêm đều phát sóng đúng theo lịch. Tuy ít bom đạn nhưng cuộc sống cũng khó khăn vì thiếu thốn đủ bề nhưng chủ yếu dựa vào nhà dân”. Đó là những ngày đi bắt cá, mò cua để cải thiện bữa ăn. Khi lương thực chưa tiếp tế đủ thì dân nuôi. Nhân dân chính là chiến lũy và hậu phương vững chắc che chở người cán bộ dù trong hoàn cảnh khó khăn nào. Làn sóng điện của Đài TNNB không chỉ truyền tải thông tin về tình hình chiến sự và tin chiến thắng khắp nơi mà còn là nguồn động viên to lớn đối với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chính vì thế kẻ thù càng thêm căm tức và lồng lộn tìm mọi cách cắt đứt “cái lưỡi kháng chiến” như chúng vẫn gọi. Ngoài biện pháp quân sự như hành quân càn quét hay biện pháp kỹ thuật như rà đài phá sóng, bọn chúng còn tung nhiều đội biệt kích thám báo tìm cho được “địa chỉ đỏ” của đài để đánh trúng đầu não tuyên truyền. Như đánh được hơi, đến đầu tháng 5-1950, thực dân Pháp dùng 4 máy bay khu trục đến ném bom và thả rốc két vào ngay trụ sở đài. Tuy nhiên với tinh thần dù hy sinh nhưng không để máy móc hư hao, anh em đã nhanh chóng lao vào cứu chữa. Sau buổi phát thanh lần cuối để thách thức quân thù, vào một đêm tối tất cả chuyển đồ đạc xuống ghe tàu, đi theo con nước ròng của dòng sông Trẹm về sơ tán ở huyện Cái Nước. Vì cuộc săn đuổi ráo riết, trong mấy năm ròng đài đi hết huyện này sang huyện khác cho đến cuối năm 1954 ngưng phát sóng sau khi làm tròn sứ mạng vẻ vang của mình.
Đã 60 năm trôi qua, nhiều thính giả của Đài TNNB vẫn không quên lời tạm biệt đầy nuối tiếc của chị phát thanh viên: “Theo lệnh Hồ Chủ tịch, Chính phủ và TW Đảng Lao động Việt Nam để thi hành điều khoản về đình chiến theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đài TNNB sẽ ngưng công tác. Bộ biên tập cùng nhân viên của đài sẽ lên đường tập kết ra Bắc. Bắt đầu từ ngày mai đài sẽ ngưng phát thanh”.
Với công lao đóng góp trong 7 năm kháng chiến, sau khi ra Hà Nội, Đài TNNB đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhiều cá nhân được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến. Gần 70 năm kể từ ngày Đài TNNB ra đời, nhiều cán bộ nhân viên đài nay đã nghỉ hưu do tuổi cao sức yếu, có người đã vĩnh viễn chia tay đồng đội nhưng hình ảnh và công lao của những con người làm nên sức mạnh ngàn cân từ tiếng nói vẫn còn in đậm và đẹp mãi trong trái tim của nhiều thế hệ.
Quang Phan
Bình luận (0)