Cố nhà báo Phan Hiền (thứ hai từ trái sang) trong lần gặp mặt các đồng nghiệp và giới văn nghệ sĩ. Ảnh: T.L
|
Cứ đến tháng 6 hàng năm từ ngày nhà báo Phan Hiền mất, tôi và Đặng Trung Hiếu – nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM thường đến thắp hương giỗ anh Phan Hiền. Nhớ năm 2004, sáng sớm ngày 30-6. Cháu Hòa – con gái của anh Phan Hiền – gọi điện cho tôi báo bố Hiền đã qua đời vào lúc 3 giờ 20 sáng hôm ấy.
Tôi bàng hoàng và vô cùng xúc động, vì mới chiều hôm trước anh còn gọi điện khoe với tôi là vừa viết xong bài báo cho Đại Đoàn Kết. Tôi cứ ngỡ rằng mình nghe nhầm. Mặc dầu đã ở tuổi 82, nhưng anh còn khỏe, minh mẫn và “phong độ” lắm!
1. Là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, năm tròn 21 tuổi, Phan Hiền đã làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện An Lão, Hải Phòng. Từ tháng 6-1947 đến tháng 5-1950, anh là Phó ban Tuyên huấn Liên tỉnh ủy Hải Phòng – Kiến An. Ngoài ra, anh còn là Chủ bút Báo Giết Giặc, Ủy viên thường trực Ban Tuyên truyền Liên khu ủy II. Từ tháng 6-1950 đến tháng 7-1954, anh phụ trách Báo Hải Phòng. Từ tháng 8-1954 đến tháng 4-1975 là Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; Phó vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản và Vụ trưởng Vụ Xuất bản, trợ lý Ban Tuyên huấn Trung ương, cố vấn của đồng chí Tố Hữu. Từ tháng 5-1975 đến năm 1987, anh là Trưởng đoàn chuyên gia Tuyên huấn – Văn hóa tại Lào. Từ 1987 đến tháng 2-1993, là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch. Từ tháng 3-1993, nghỉ hưu. Anh qua đời vào năm 2004.
2. Tôi là bạn vong niên với anh từ hồi còn ở Hà Hội hơn 50 năm nay, lúc anh còn ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Tôi biết khi đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam vì có lần chiếc đài bán dẫn của anh bị hỏng nên anh mang đến nhờ chúng tôi sửa giúp. Thời điểm đó anh là Vụ phó Vụ Báo chí, hàng ngày theo dõi tin tức để góp phần chỉ đạo báo chí mà đài lại hư thì buồn thật. Biết vậy, tôi liền chạy sang Bá Âm ở Bà Triệu nhờ ông bạn kỹ thuật thân chữa gấp trong nửa ngày. Từ ấy, chúng tôi thân nhau. Anh là thanh niên Hải Phòng giác ngộ cách mạng tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1944. Suốt 60 năm làm tuyên huấn, từ cán bộ tuyên huấn thành phố, làm phó rồi trưởng ban, từ Tổng biên tập Báo Thời Mới – tờ báo tư nhân ở Hà Nội tạm chiếm… Trưởng ban và sau là Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch. Giai đoạn này, nhà báo Phan Hiền đã viết hàng năm bảy trăm bài báo, ký nhiều tên khác nhau, xuất bản nhiều tập sách, trong đó Bác Hồ và sự nghiệp trồng người là cuốn sách được các nhà xuất bản tái bản nhân dịp 30 năm thực hiện di chúc Bác. Các tập tiểu phẩm: Đầy tớ nhân dân, Thư gửi người đầy tớ được in đi, in lại đến mấy lần. Và anh được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức cho các nhà xuất bản in những tập sách nhỏ Người tốt, việc tốt nói về những chiến sĩ trên các mặt trận sản xuất, văn hóa, giáo dục, khoa học… được Bác tặng huy hiệu.
Không chỉ giỏi về viết lách, anh còn là một thầy giáo có trình độ cao, giảng dạy cho bao thế hệ nhà báo và chịu trách nhiệm dẫn dắt nhiều tên tuổi cho làng báo Việt Nam. Khi được nhiều nơi mời giảng, nói chuyện hoặc truyền đạt các nghị quyết của Đảng về báo chí, anh đã thay mặt đồng chí Tố Hữu định hướng công tác báo chí cách mạng cho giới báo chí nước ta. Nhà báo Phan Hiền – một cán bộ cách mạng lão thành, một chiến sĩ làm công tác tư tưởng của Đảng, làm quản lý báo chí và xuất bản đã được gần Bác, trực tiếp nghe Bác dạy bảo trong việc tổ chức viết và chỉ đạo phong trào “Người tốt, việc tốt” do Bác phát động. Anh đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, trong việc “trồng người”, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác giao và được nhận huy hiệu do Hồ Chủ tịch tặng thưởng.
3. Là nhà báo lão thành, nhiều dịp được gặp các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhà báo Phan Hiền đã phát biểu, viết thư đóng góp, đề xuất với Đảng những điều tâm huyết của mình trong công cuộc đổi mới nước nhà. Bao nhiêu nhiệm vụ nặng nề Đảng giao từ năm 1944 đến nay tròn 60 năm, anh đã hoàn thành xuất sắc và cống hiến với tinh thần trách nhiệm suốt cả cuộc đời. Khi thì ở chiến khu, lúc hoạt động nội thành, khi vào tuyến lửa.
Còn nhớ, khi về giải phóng thủ đô 1955, nhà báo Phan Hiền được đồng chí Trường Chinh giao nghiên cứu công tác xuất bản báo chí của Đảng. Khi ấy, anh còn bỡ ngỡ, chưa biết làm sao. Đồng chí Trường Chinh thân mật vỗ vai, bảo: “Giao cho Phan Hiền con dao rựa, cứ thế chặt cây phát đường mà đi”.
Rồi anh được đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương phân công soạn thảo quy hoạch về báo chí cho miền Nam sau khi giải phóng 30-4. Bao nhiêu nhiệm vụ nặng nề tưởng chừng khó khăn mới vượt qua, anh đã “khai sơn phá thạch” hoàn thành một cách xuất sắc.
Khi nghỉ hưu, ngày ngày, anh vẫn theo dõi báo chí và xem truyền hình. Mặc dù tuổi cao, anh không nề hà nhận giúp đỡ Cục Báo chí (Bộ VH-TT) phát hiện những thiếu sót của các báo, tạp chí và đề cao những tấm gương người tốt, việc tốt. Tôi là bạn, là đồng chí của anh. Lúc tuổi xế chiều, sáng sáng chúng tôi vẫn uống cà phê với nhau, chiều chiều đàm đạo về nhân tình, thế sự… Các con anh đều là bạn thân thiết với tôi, các cháu xem tôi như chú, như anh. Trong nhóm còn có anh Đặng Trung Hiếu – nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM. Phan Hiền là anh cả, anh Hiếu là anh hai và tôi là út.
Thế hệ trẻ hôm nay xem anh là tấm gương cao đẹp của một nhà báo, nhà cách mạng kiên cường có trình độ lý luận tự học, tự tìm tòi được Quốc hội phân công tham gia soạn thảo Bộ luật Báo chí – xuất bản đầu tiên của nước ta.
Tiếc thương nhưng rất đỗi tự hào về anh, thế hệ nhà báo hôm nay sẽ tiếp nối bước anh như trong thơ Hoàng Trung Thông: “Con lớn lên viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua…”.
Đoàn Minh Tuấn
Bình luận (0)