Hôm trước, có một học sinh chọc ghẹo bạn đầu giờ, tôi nói: “Bây giờ chúng ta vào bài học được chưa nào?”. Nhiều em nói to rằng: “Dạ, được rồi thầy ạ”. Còn một em “tố” bạn nói chuyện và chọc ghẹo mình. Rồi em nói vui với tôi rằng: “Thầy ghi tên bạn vào sổ đầu bài để thầy chủ nhiệm phạt đi ạ!”. Tôi hài hước với em ấy: “Thầy không ghi vào sổ đầu bài đâu. Nhiều năm nay thầy không đánh học sinh, bây giờ thầy sẽ đánh bạn ấy”. Cả lớp cười vui vẻ, rồi thầy trò bắt đầu vào nội dung bài học.
Đã 15 năm gắn bó với nghề giáo, khá nhiều lần tôi dùng roi phạt với học sinh. Nói tưởng như đùa, song với tôi (cũng có thể là học sinh nữa) đã trở thành kỷ niệm đẹp từ những lần phạt ấy. Kể ra thì nhiều, tôi xin kể ba kỷ niệm vui sau:
Một. Năm mới ra trường (dạy ở trường tư – lúc bấy giờ gọi là dân lập), tôi kiêm nhiều việc: quản nhiệm nội trú, dạy bộ môn, quản lý thư viện, trợ lý thanh niên. Một lần học sinh vi phạm nội quy, tôi gọi em ra nói chuyện riêng. Tôi để em tự nói lên cái sai của mình. Rồi tôi đưa ra những hình phạt để em lựa chọn. Tôi đánh em hai roi vào mông. Sau bữa cơm chiều thầy trò lên phòng nội trú, chúng tôi lại vui vẻ như chưa có điều gì xảy ra. Quan niệm của tôi, phạt rồi quên đi, không để trong đầu cho nặng nề (học cách tha thứ), thế là cả thầy trò đều thoải mái. Đó là cách ứng xử của tôi mỗi khi học sinh phạm lỗi.
Hai. Một buổi sáng, sau giờ ra chơi, H. vào lớp muộn. Trước lúc vào lớp mình, em qua lớp khác chọc ghẹo bạn trong lúc cô giáo đang dạy. Tôi vô tình đi qua hành lang, thấy thế tôi gọi em ra. Tôi không nói lời gì mà dùng roi phạt em ngay. Sở dĩ tôi dùng roi ngay bởi em là một học sinh khá nghịch, trước đó em cũng hành động tương tự và đã được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở. Tôi nói với H. rằng, hành động của em là thiếu tôn trọng giáo viên. Mặc dù không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp, cũng không trực tiếp dạy lớp em nhưng tôi vẫn có quyền phạt em (trường tôi dạy lúc đó, giáo viên chủ nhiệm (quản nhiệm) ngoài việc quản lý lớp mình còn có trách nhiệm chung để dạy học sinh ngày càng tiến bộ hơn). Đầu giờ chiều hôm đó em đến trường, gặp tôi ở hành lang, em vòng tay cúi chào, nở nụ cười rất tươi và nói: “Em cảm ơn thầy!”. Thực sự tôi khá ngạc nhiên. Nếu học sinh lớp tôi dạy thì đó lại là… chuyện thường. Còn với H. là… chuyện lạ. Tôi cũng đáp lời cảm ơn em, vì chính em không chỉ nhận ra lỗi của mình mà em còn là người dũng cảm khi biết cảm ơn người đã phạt mình.
Trong cuộc sống, cơn tức giận có thể đến bất ngờ đối với mỗi người. Với người thầy đứng trên bục giảng, điều đó dễ xảy ra khi học sinh chưa ngoan, không chăm chú học tập… Bởi vậy, biết chế ngự cơn tức giận là điều vô cùng quan trọng đối với người thầy. Việc phạt học sinh bằng hình thức nào tùy vào từng trường hợp. Có những trường hợp “đánh” học sinh bằng tâm lý, cũng có những trường hợp phải dùng roi. Người thầy cần có những cách xử lý theo từng tình huống khác nhau. Tuy nhiên không được làm tổn thương học sinh. Đừng để sau hình phạt ấy, các em cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí muốn bỏ học vì xấu hổ cũng như những hệ lụy khác.
Sông Hương
Bình luận (0)