Hồi đó, tôi còn làm chuyên viên, phụ trách môn ngữ văn của Sở GD-ĐT… Theo kinh nghiệm của các bậc đàn anh, trước khi ra đề kiểm tra (kiểm tra học kỳ do Sở GD-ĐT ra đề môn toán và ngữ văn) thì nên đi khảo sát vài vòng để tìm hiểu thực tế dạy và học ở cơ sở. Sau khi dự giờ một số tiết ở vài trường thuộc địa bàn thị xã, tôi về một trường vùng ven, cách trung tâm thị xã gần 10 cây số. Tôi cũng nghĩ là chỉ dự giờ khảo sát nên không báo trước cho giáo viên chuẩn bị. Nhưng nghĩ lại không báo trước vẫn có cái hay của nó: Xem giáo viên ứng xử tình huống và dạy “không diễn” (dạy thật) như thế nào. Vừa đến văn phòng cô hiệu trưởng, tôi trình bày lý do dự giờ (dự không đánh giá, không nhận xét, chỉ mang tính chất khảo sát tình hình học tập bộ môn của học sinh), cô hiệu trưởng cho biết môn văn sáng nay cô X. có tiết dạy. Tôi liên hệ ngay với cô X. và cho biết sẽ dự giờ tiếp theo để khảo sát, chứ không có mục đích đánh giá gì cả. Cô nói không đồng ý vì không báo trước để chuẩn bị tinh thần (mặc dù không có người dự giờ, cô X. vẫn lên lớp bình thường). Tôi thuyết phục và mời cả cô hiệu trưởng cùng động viên để cô X. cho đoàn (gồm 3 người) khảo sát dự giờ. Cuối cùng cô X. cũng chấp nhận và mời đoàn vào lớp dự giờ hôm ấy. Sau khi giới thiệu với cả lớp là hôm nay có đoàn khảo sát của Sở GD-ĐT dự giờ, cô X. đề nghị học sinh hoan nghênh. Cả lớp vỗ tay xua tan không khí trầm lắng trước giờ dạy. Cô X. mở sổ điểm ra và nói: “Các em xếp tập lại. Bây giờ chúng ta trả bài cũ (kiểm tra miệng)”. Cô nêu câu hỏi và gọi lớn: “Em Đồng lên bảng!”. Tôi giật mình; cả ba thành viên trong đoàn thoáng chút bối rối, ngơ ngác nhìn nhau. Ngay sau đó, em học sinh tên Đồng đứng dậy, lên bảng đưa tập viết cho cô và trả lời. Em trả lời khá trôi chảy tuy đôi chỗ còn lúng túng. Cô X. nhận xét và ghi điểm 6 cho em. Tôi thở phào và thầm cảm ơn em Đồng (trùng tên với tôi) đã thuộc bài. Nếu em không thuộc bài, chắc cô sẽ phê bình em trước lớp. Em có biết đâu rằng, cũng vì tôi (tên Đồng) mà em bị “cháy thành vạ lây”. Có lẽ cô X. mượn tên em để “nói bụi tre, nhè bụi hóp”, làm cho tôi “quê” với đồng nghiệp chăng?
Người xưa nói: “Dao có mài mới sắc” cũng có cái lý của nó. Một khi đã vào ngành, muốn nghề nghiệp của mình ngày càng tiến tới thì phải không ngừng học hỏi, trau dồi. Đối với giáo viên, một trong những biện pháp đó là dự giờ đồng nghiệp. Dự giờ để học cái tốt, cái hay của đồng nghiệp và biết được cái hạn chế của mình để sửa đổi, điều chỉnh… Những ngày còn đi dạy, tôi luôn mời đồng nghiệp trong tổ dự giờ và nhận xét, đánh giá. Có rất nhiều ý kiến quý báu, những bài học mà đồng nghiệp đã giúp tôi điều chỉnh, sửa đổi. Từ bước đi trên bục giảng, từ cách ra câu hỏi phát vấn đến việc phân tích, cảm nhận chi tiết trong tác phẩm… làm tôi luôn nhớ mãi. Tôi không sợ dự giờ, trái lại tôi rất biết ơn, rất mong các đồng nghiệp dự giờ và góp ý cho tôi tự hoàn thiện mình để có những giờ dạy mà học trò còn nhắc mãi.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)