Nghệ sĩ lão thành Tám Vân ra đi (9-4-2009) để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu cải lương. Nhớ về ông, nhân ngày giỗ đầu, “sầu nữ” – NSƯT Út Bạch Lan đã tâm sự về những ngày đầu bà đến với sân khấu cải lương và được người thầy dìu dắt vào nghề. Không chỉ là nghề hát…
Nghệ sĩ Tám Vân và NSƯT Út Bạch Lan trong dịp mừng thọ ông 70 tuổi – Ảnh: Thuận Vũ |
Khi cánh màn nhung khép lại rồi,
Chỉ còn hiu hắt nỗi đơn côi
Xiêm y trả lại cho sân khấu
Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi.
Đó là những lời thơ mà nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà đã viết để nói về đời nghệ sĩ chúng tôi. Thuở đó mới nghe qua bài thơ tôi chưa hình dung hết những gian nan, vui buồn của nghề hát. Bởi bên cạnh tôi có người thầy, nghệ sĩ Tám Vân – ông luôn “mớm” vào đầu tôi và những đứa trẻ mới vào nghề chân trời màu hồng của sáng tạo.
Thời đó làm đào hát trên sân khấu đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, tôi rạng danh nhờ những vai đào thương, ra sân khấu là phải khóc, vở nào cũng bị đánh đập, la mắng rồi ca vọng cổ đến sáu câu, có khi vai sắp tắt thở vẫn ca. Cảm xúc dâng trào vì đêm nào cũng nghe khán giả vỗ tay ầm ầm.
Ông quan sát tôi hễ thấy đêm nào lơ là một chút là lại gần nói nhỏ: “Con đừng chủ quan nha. Đêm nay phải hay hơn đêm qua”.
Ông như chiếc gương soi cho tôi và nhiều bạn diễn, vì từ thời mới chập chững vào nghề còn là một vũ công ra sân khấu múa một bài trước giờ mở màn, ông đã quan sát. Ông biết cách dạy chúng tôi, không phải hô hào, lớn tiếng mà nhẹ nhàng, bỏ nhỏ, chỉ dẫn từng cách “khai sắc” khi bước từ cánh gà ra ánh sáng sân khấu.
Gương mặt những đứa nhỏ múa như chúng tôi có bừng sáng và lọt vào mắt soạn giả, thầy tuồng hay không là nhờ những phút giây “khai sắc” đó.
Khi tôi bước lên ngôi vị đào chánh, trong mắt ông tôi vẫn là đứa con nít. Đêm nào cường điệu một chút, làm mặt diêm dúa một chút là y như rằng lại nghe những câu “bỏ nhỏ” tế nhị: “Tấm gương nó chán nhìn con rồi, vì nó không quen với lối làm tuồng này”. Tôi hiểu ngay, chờ giải lao bôi mặt làm lại.
Nói có vong hồn cô Thanh Nga, má Ba bầu Thơ. Thời tôi hát đào Thanh Nga còn bé xíu, vào hậu trường hay chạy theo chị hai để tíu tít nói cười. Rồi Nga trổ giò lớn đại, nhanh chóng được má Ba mời NSND Phùng Há, Năm Châu về dạy riêng để chuẩn bị làm đào chánh thế tôi. Lúc đó tôi buồn lắm, sợ mình bị mất ngôi vị đào chánh.
Rồi ngày đó đã tới, Nga thay tôi hát vở Người vợ không bao giờ cưới, Nga đường hoàng làm đào chánh, có vở tôi phải làm vai mẹ của Nga dù tôi mới 20 tuổi. Vừa ngồi làm tuồng vừa khóc, bao nhiêu phấn đắp lên mặt nước mắt hai hàng trôi rõ trên gương mặt buồn thảm như hai hàng sẹo của lưỡi kiếm oan nghiệt.
Tôi tủi vì nghĩ tại sao mình không phải là con của bầu, tại sao tôi mồ côi cha mẹ sống kiếp mua gánh bán bưng, cuộc đời lại xui khiến chi cho tôi gặp anh Văn Vĩ, để rồi vướng vào nghiệp hát não nề này.
Dòng suy nghĩ cứ miên man, nặng trĩu, bỗng một bàn tay đặt lên vai tôi rung nhẹ. Thầy tôi đứng sau lưng tôi nhìn vào tấm gương mỉm cười. Ông chộp lấy hộp phấn, mở nắp một cách điệu nghệ rồi dùng bông phấn đắp mặt lại cho tôi. Ông vẽ thêm những đường nhăn của vai người phụ nữ đau khổ, vai một bà mẹ đầu tiên tôi phải đóng dù đang là đào chánh.
Tôi nhớ mãi câu ông nói: “Nghề hát không có vai nào hèn mọn đâu con. Đóng vai mụ khi còn trẻ là có dịp biến hóa để khẳng định khả năng ứng biến. Nghề hát đâu phải lúc nào cũng phải là đào chánh. Rồi có lúc xuống ngựa ai dạy con hát vai mụ nếu không học lúc này”.
Tôi gật đầu, cố tươi tỉnh để ông vẽ nốt đường nhăn còn lại trên cái trán mà ngày hôm qua ông đã hôn lên khi tôi được khán giả tặng vô số hoa hồng.
Tôi nhớ bàn tay của thầy tôi, bàn tay ấm nồng và nhân hậu. Từ bàn tay này ông đã dìu dắt biết bao nghệ sĩ vào nghề, từ bàn tay này ông đã cưu mang, song hành với người vợ – soạn giả Nhị Kiều, làm nên biết bao kiệt tác cho sân khấu cải lương.
Năm mừng thọ ông 70 tuổi, tôi ca:
Rồi khi thanh sắc không còn nữa,
Son phấn tàn phai buổi xế tà
Giã từ sân khấu ai còn nhớ
Một đời nghệ sĩ, kiếp cầm ca?
Ông chỉ cười, bàn tay run run vuốt tóc tôi. Mái tóc trò và thầy đều bạc.
Thanh sắc không còn, có thể chúng tôi – những nghệ sĩ – sẽ lui về phía sau hậu trường, người làm đồ hội, kẻ sống kiếp lang thang theo phương cách khác để nuôi thân, nhưng mãi mãi tình thầy trò, đồng nghiệp và những đêm hát thật nghiêm túc trên thánh đường nghệ thuật sẽ không chết.
Thầy ơi, con nhớ bàn tay của thầy…
NSƯT ÚT BẠCH LAN
(THUẬN VŨ ghi)
Nghệ sĩ Tám Vân tên thật Lê Văn Tám, sinh năm 1924 tại Ba Tri, Bến Tre. Năm 1942 bỏ học theo anh ruột là Ba Vân để học nghề hát, ông đã đóng được những vai kép nhì, kép đẹp trong các tuồng xã hội của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Ông từng hợp soạn với soạn giả Nguyễn Phương vở Người mặt cháy và sáng chói trong vai kép chánh hát cặp với NS Kim Cúc các vở: Người mặt cháy, Miếng thịt người, Áo người quân tử, Cách Lan Phương Tử… Khi về các sân khấu Kim Chưởng, Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung, nghệ sĩ Tám Vân thủ diễn những vai lão, lão mùi, lão độc, hoặc vai lẳng, vai hề. Các vai nổi tiếng: Gia Lữ Sanh, Duy Bạt (vở Gió ngược chiều), An Lộc Sơn, Ngũ Tử Tư (Tây Thi gái nước Việt), ông Độ (Tần Nương Thất), Tám Hổ (Hai hình ảnh một cuộc đời)… Nghệ sĩ Tám Vân là thầy của các nghệ sĩ: Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Ngọc Hương, Thanh Nga, Thanh Sang, Thanh Tú, Kim Hương, Minh Tâm, Minh Thiện, Phước Trọng… THUẬN VŨ |
Bình luận (0)