Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tình yêu đất nước, ý chí tự cường dân tộc”.
Tin tưởng vững chắc vào chủ trương này nhưng khi được hỏi mong muốn gì nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều trả lời, mong muốn đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức trong giải quyết công việc liên quan đến DN ở nhiều ngành, bộ, địa phương.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
“Sếu đầu đàn” cũng… mỏi
Nền kinh tế đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng trong 9 tháng năm 2023 mới chỉ đạt 4,24%. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% rất có thể sẽ nằm trong số 5/15 chỉ tiêu của năm 2023 không hoàn thành kế hoạch. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN không dễ dàng.
Đây không phải là điều quá khó hiểu, sau 2 năm khó khăn chồng chất vì đại dịch Covid-19 cộng hưởng với những biến động bất lợi trên thế giới. Nhưng trước hết, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng cộng đồng DN Việt Nam, với 97% là DN có quy mô nhỏ và vừa, có “sức khỏe” không đồng đều và nhìn chung là… chưa mạnh.
Ngay cả khối DN nhà nước, vốn được coi là “sếu đầu đàn”, cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, tính đến ngày 31-12-2022, cả nước có 827 DN có vốn góp của Nhà nước.
Trong đó, có 676 DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, với tổng tài sản gần 4 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 1,8 triệu tỷ đồng. Năm 2022, tổng doanh thu khối này đạt 2.643.545 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung là 13% (năm 2021 là 11%); tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản bình quân chung là 6% (năm 2021 là 5%). Có 144/676 DN (chiếm 21%) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ là 69.892 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 1.981.967 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả của các DN nhà nước. Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các DN nhà nước là 1,09 lần.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, DN nhà nước vẫn đang giữ vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DN nhà nước còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhận định, mặc dù hiệu quả hoạt động nhìn chung vẫn tốt nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là so với tổng tài sản lên tới gần 4 triệu tỷ đồng. DN nhà nước vẫn chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
Hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao…
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh quốc tế của DN nhà nước còn hạn chế. Các DN nhà nước phần lớn “tung hoành” ở thị trường trong nước mà chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế.
DN tư nhân: chịu đựng giỏi nhưng chậm “lớn”
Thực tế, những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng (hiện có gần 900.000 DN đang hoạt động, trên 25.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh), cộng đồng DN Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Khu vực DN tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế. Có mặt trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, nhiều DN, doanh nhân đã tạo dựng được uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu, vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng những khó khăn cũng không hề nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà tại Diễn đàn Kinh tế – xã hội năm 2023 do Quốc hội tổ chức vào trung tuần tháng 9, nhiều ý kiến cho rằng cần có cuộc rà soát thật kỹ “sức khỏe” DN.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét: “Khả năng sống còn của DN Việt Nam rất đáng khâm phục, nhưng lại bị tận dụng quá, nên DN vẫn mãi nhỏ li ti. Tuổi thọ DN ở mức thấp so với thế giới”.
Dẫn lại ý này, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sốt ruột: “Các báo cáo chỉ nêu năm nay thành lập bao nhiêu DN. Cần phải xem vì sao DN không “lớn” được, bao nhiêu DN nợ và không nợ ngân hàng. Từ đó tính chính sách dài hạn cho DN”.
Trong khi đó, nhìn vào số liệu thống kê 9 tháng qua, có thể thấy số DN tạm dừng kinh doanh vẫn tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các ngành kinh tế, nhất là ở các ngành đã và đang là động lực tăng trưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, các DN rút lui khỏi thị trường là những DN đã có thời gian hoạt động trên thương trường, đang đóng thuế, trong khi những DN thành lập mới đóng góp cho nền kinh tế còn hạn chế.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, với tiến độ như hiện nay, mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân là năm 2025 có 1,5 triệu DN xem ra rất khó đạt được.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Cùng với đó là những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua: tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, DN, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính nhiêu khê…
Rõ ràng những vấn đề này rất cần được các cơ quan chức năng, trước hết là Quốc hội, trong kỳ họp sắp sửa khai mạc vào tháng này, quan tâm tháo gỡ, từ đó biến những tín hiệu khả quan thành kết quả đáng lạc quan.
Tính đến ngày 20-9-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Điểm lưu ý trong bức tranh thu hút FDI 9 tháng năm 2023 là mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm, song vốn đầu tư mới và vốn góp, mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 15,91 tỷ USD,tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức giải ngân cao kỷ lục 9 tháng giai đoạn 2018-2023, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.
 
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)