Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa ăn gia đình đầm ấm, yêu thương. Ảnh: T.LÊ
Ngày Gia đình Việt Nam năm nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua chủ đề hoạt động với khẩu hiệu “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm đề cao giá trị các mối quan hệ, nhắc nhở mọi người thể hiện tình thương yêu, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau về thể chất lẫn tinh thần thông qua các bữa ăn hàng ngày trong gia đình.
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phát động tuyên truyền khung giờ “vàng” từ 17 giờ đến 19 giờ trên phạm vi toàn quốc, dành cho các thành viên trong gia đình tổ chức thực hiện “Bữa cơm gia đình” một cách ý nghĩa trong Ngày Gia đình Việt Nam.
Mỗi người mỗi cảnh
Tuy nhiên, trên thực tế xã hội hiện nay, không nhiều những gia đình có được không khí ấm áp yêu thương hàng ngày trong mỗi bữa cơm. Cuộc sống “bận rộn” với cơm áo gạo tiền, trong khi các quán “cơm trưa văn phòng” mọc lên nhan nhản. Các buổi chiêu đãi, tiếp khách, xã giao… ngày càng “biến tướng” tinh vi. “Tối nay anh tiếp đối tác. Em đừng chờ cơm”. Chị Mai lấy hơi thở ra thật dài, lắc đầu ngao ngán khi kể với tôi về “xuất xứ” những mẩu tin nhắn đại loại như thế mà chị thường xuyên nhận được từ “chồng yêu”. “Riết rồi cũng quen. Gia đình tôi quanh năm suốt tháng có bao nhiêu bữa cơm sum họp trọn vẹn? Khi có chồng lại vắng con, khi có con lại vắng chồng. Phần tôi cứ lo chuẩn bị bữa cơm cho tươm tất vào cuối ngày. Nếu không ai về ăn, sáng hôm sau nó sẽ trở thành bữa trưa của tôi. Sau đó, tôi lại lăn vào bếp chuẩn bị bữa tối cho chồng con. Công việc chỉ có thế”. Chị nói giọng buồn buồn.
“Con ăn cơm chưa? Nhớ đừng bỏ bữa?”. Mẹ gọi từ quê nhà. Tuyền – sinh viên năm thứ hai một trường ĐH, đang ở trọ xa nhà nhưng lúc nào cũng cứ quay quắt nỗi nhớ bữa cơm gia đình. “Em thèm cơm má nấu biết chừng nào cô ạ. Mấy bữa nay trời mưa đi học về, bọn em mệt quá, cứ “nuốt” mì gói cho xong rồi đi ngủ thôi. Nhớ nhà vô cùng. Giờ này ở quê là cả nhà em đang quây quần bên nồi cơm nóng hổi với món canh chua, cá kho tộ “bá cháy” của má không chê vào đâu được”. Giọng bỗng dưng nhẹ đi, Tuyền nói “Vậy mà, cứ vào chiều tối là má điện thoại nhắc hỏi em ăn cơm chưa? Ăn với gì? Và còn nhắc em không được bỏ bữa. Lúc ấy em phải thiết kế thực đơn “ảo” để trả lời cho má yên tâm đó cô”. Tuyền cúi đầu cố che những giọt nước mắt đang trào ra. 
Chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình nhỏ cũng không phải là chuyện đơn giản, vậy nhưng nếu phải sống chung trong gia đình ba bốn thế hệ thì càng khó vô vàn. Món ăn của người già, con trẻ là đã khác nhau, sở thích và thói quen ăn uống của nhiều người cũng khác nhau. Chưa kể vào những ngày đại tiệc, chuyện nấu nướng cũng không dễ dàng gì vừa ý lẫn nhau. Do vậy, ngày nay có một số gia đình “lớn”, người ta vẫn tách ra ăn uống riêng (dù ở chung). 
Chị Y là hiệu trưởng của một trường tiểu học nhỏ ở một huyện. Sống trong gia đình giàu có, lại có chút “địa vị” trong xã hội. Khi về sống chung với gia đình chồng thuộc dạng “lao động nghèo” nhưng là gia đình “tứ đại đồng đường”. Cố gắng được ít năm, chị tự “cách ly” với mọi sinh hoạt trong nhà chồng. Luôn nói “không” với các buổi họp mặt gia đình, tiệc tùng, sinh nhật, kể cả giỗ cha chồng chị cũng ít khi tham dự. Trong lúc, mấy đứa nhỏ con chị cứ ngây thơ thắc mắc sao mẹ  không đãi tiệc sinh nhật cho con để được tặng quà như mấy anh chị trong nhà. Thật ra, khi cần tổ chức tiệc tùng riêng tư cho gia đình nhỏ của mình, chị đóng cửa làm gọn trong nhà hoặc kéo nhau về nhà mẹ ruột. Có lẽ không khí ở đó phù hợp với cuộc sống của chị hơn. 
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Câu chuyện bữa ăn, mâm cỗ sẽ mặn mà hơn với một chút gia vị của yêu thương. Người ta sẽ gắn bó hơn, thương và hiểu nhau nhiều hơn qua không khí quây quần sum họp của các bữa cơm, buổi họp mặt gia đình… Và ngược lại, nếu thiếu vắng những cuộc “tiếp xúc” ý nghĩa đó có thể các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng xa cách nhau. Tuy nhiên, đôi lúc thời gian, công việc và cuộc sống không thuận lợi để có thể ai cũng có điều kiện tham gia đầy đủ các buổi họp mặt gia đình. Dù không có những bữa cơm gia đình, nhưng việc chạm mặt nhau mỗi ngày là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, đã có rất nhiều những cuộc chạm mặt nhau trong một căn nhà chung chỉ là những ánh mắt “mang hình viên đạn”, thiếu lời nói, tiếng cười, câu chào xã giao, thăm hỏi. Cuộc sống như thế thật đáng buồn biết bao.
Vậy đó, chả trách tại sao ông bà ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Có nhiều người, kể cả người thành đạt, họ có không ít mối quan hệ rất thân tình, vui vẻ, chan hòa với đồng nghiệp và những người chung quanh. Nhưng khi về nhà của mình, mọi thứ đó dường như không dành cho các thành viên trong gia đình. Tôi tự hỏi: Tại sao? Vì cái gì? “Lời chào” tưởng chuyện đơn giản của đời thường, nhưng cũng nên cân nhắc, xem xét như một công tác quan trọng về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, cần trang bị cho học sinh ngay từ khi còn ở ghế nhà trường? Một thực tế đáng buồn như một hạt sạn trong xã hội hiện nay, có một số ít người chuyên làm những công việc “trang bị” kiến thức, kỹ năng hình thành đạo đức cho thế hệ trẻ. Nhưng họ lại quên tự trang bị cho chính mình những vấn đề tối thiểu ấy.
Hoàng Nguyên
Không bao giờ là quá muộn!
Ai trong chúng ta không từng là thành viên của một gia đình dù nhỏ hay lớn. Dù ở chung một mái nhà hay sống mỗi người mỗi nơi, gia đình vẫn luôn là tổ ấm. Cuộc sống muôn màu, nó cũng giống như những gam màu tối sáng trong mỗi con người chúng ta. Lúc buồn rồi lại vui. Lúc giận hờn rồi lại tha thứ. Lúc hạnh phúc rồi lại khổ đau. Lúc thăng lúc trầm… Dù đi đâu làm gì, cha mẹ là nơi chúng ta luôn hướng về. Anh chị em là nơi chúng ta lớn lên và trưởng thành. Thân bằng quyến thuộc là nơi kết nối chúng ta với nguồn cội. Vợ chồng, con cái là nơi để chúng ta nương tựa nhau suốt cuộc đời… Vậy nên, hãy làm mọi điều có thể để giữ cho không khí gia đình được đầm ấm yêu thương, chan hòa thân ái. Mỗi câu chuyện gia đình diễn ra trong cuộc sống hàng ngày chung quanh chúng ta đều phản ảnh sự day dứt, trăn trở, những niềm vui, nỗi buồn, những ngọt ngào và cay đắng, chúng bùng sáng và cũng có thể bị tắt lịm nếu trong mỗi chúng ta không tự nhận ra gia đình của chính mình.
 
 

Bình luận (0)