Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỷ niệm ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch)

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày hội của các dân tộc Việt Nam

 

Là người dân Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện huyền tích hơn 4.000 năm trước, vua Hùng Vương đời thứ nhất trong quá trình dựng nước Văn Lang đã đi khắp chốn tìm nơi đóng đô.
Nhớ về cội nguồn
Vua Hùng Vương đến một vùng đất rộng rãi, bằng phẳng, nhiều khe suối, vua sai lũ chim đại bàng khuân đất đá đắp thành 100 quả gò, hẹn phải xong trước khi trời sáng. Đắp được 99 quả, chợt có chú gà trống ngủ mơ cất tiếng gáy, đại bàng giật mình bay mất. Vua không ưng bụng, bèn tìm vùng đất khác. Đến một quả núi cao sừng sững có hàng trăm ngọn đồi bao quanh, non sông tươi đẹp vua rất vừa ý nhưng khi xuống núi, vó ngựa giẫm mạnh làm sạt một góc đồi. Vua cho rằng thế đất nơi đây không vững, lại tiếp tục đi.
Tương truyền rằng ngài đã xem xét 99 nơi nhưng chưa vừa ý. Một hôm, khi đến một vùng trung du, ngựa bỗng ghì cương hí vang, vua thấy lạ bèn lên đỉnh núi cao nhất ngắm nhìn bốn phương. Trước mặt là ba sông tụ hội: sông Đà, sông Thao, sông Lô; hai bên là Tân Viên, Tam Đảo chầu về. Cuộc đất này có nơi như long chầu hổ phục, nơi lại như phượng bay ngựa chạy; bãi rộng phù sa; cây lá xanh tươi, đủ hiểm để giữ, đủ thế để mở có thể tụ hội muôn dân, dựng nước muôn đời. Từ đó, núi Nghĩa Lĩnh (hay núi Cả, núi Hy Cương, núi Cổ Tích, núi Hùng) cao 175m được chọn làm kinh đô nước Văn Lang, nơi 18 đời vua Hùng thay nhau trị vì dân Lạc Việt.
Khu vực đền Hùng đến nay vẫn là cái nôi của những huyền tích, truyền thuyết. Những ngọn đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình mang truyền thuyết về trăm con voi, 99 con hướng về đền, một con ngoảnh mặt đi đã bị chém đầu trừng phạt, những lúc trở trời cổ còn ứa máu. Từ đỉnh núi Hùng, dáng như rồng vươn tới, nhìn về ngã ba Việt Trì là hàng chục quả đồi như đàn rùa nổi lên mặt nước chầu về đền. Bên phải núi, đồi Khang Phụ như dáng hổ phục, bên trái là đồi An Thái như vị tướng cầm nỏ giữ đền. Nơi Vua ghì cương ngựa sau thành làng Ghì Cương (nay là xã Hy Cương), dưới chân núi là làng Thậm Thình, nơi xưa dân làng đã thức suốt đêm thậm thình để giã gạo làm bánh cho chàng Lang Liêu dâng vua.
Quốc lễ Hùng Vương
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm 2009 được tổ chức từ ngày 6 đến 10-3 (âm lịch) trong một không gian rộng lớn tính từ Khu di tích lịch sử đền Hùng (thành phố Việt Trì) đến các xã vùng ven của thành phố. Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể vào ngày 10-3 (âm lịch) tại khu vực “Điện Kính Thiên” nằm trên núi Nghĩa Lĩnh với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBMT Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đội hình 100 con Lạc – cháu Hồng, đoàn đại biểu mặc trang phục lễ truyền thống, đoàn kiệu lễ vật, đội tiêu binh rước quốc kỳ cùng đông đảo đồng bào, du khách đến với Quốc lễ.
Từ năm 2005 lễ hội truyền thống đền Hùng của nước ta đã được Nhà nước nâng lên thành “Quốc lễ” còn là ngày nghỉ lễ hằng năm cho người lao động cả nước. Nếu có dịp về đây, du khách sẽ được đi qua 225 bậc thang bằng đá, dưới tán những cây chò xanh mát rượi, sau đó hành hương đến Đền Hạ, nơi tương truyền bà Âu Cơ đã sinh ra chiếc bọc trăm trứng. Bảy ngày sau trứng nở thành trăm người con – tất cả đều là “con Lạc cháu Hồng” – căn nguyên của 2 chữ đồng bào trong ý thức buổi sơ sinh của dân tộc Việt Nam.
Từ nơi này, 49 đứa con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi, để lại người con trưởng lập ra nước Việt Văn Lang… Bên phải đền là chùa Thiên Quang (còn gọi là Cảnh Sơn Thừa Long Tự). Trước chùa là những cây Thiên Tuế, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện cùng Đại đoàn quân tiên phong trước lúc tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội. Bác cũng đã từng dạy rằng: “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Để lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có Đền Thượng – ngôi điện thờ nằm giữa 9 tầng mây, du khách còn phải leo tiếp thêm 102 bậc thang nữa. Đây là nơi các vua Hùng thờ thần trời, đất, thần lửa, thần lúa, lập đàn tế cầu mưa, cầu nắng và tương truyền đây chính là nơi vua Hùng Vương thứ 6 đã cho xây đền thờ Thánh Gióng – người thiếu nhi anh hùng đã cưỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Chênh chếch cạnh đền là lăng của vua Hùng Vương thứ 6 còn gọi là mộ Tổ. Phía trước cửa phía phải đền là cột đá thề – một chứng tích lịch sử ghi dấu lời thề của vua Thục Phán khi nhận lại non sông nước Việt từ Hùng Vương thứ 18 “Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông Vũ miếu họ Hùng”.
Nét mới của lễ hội 2009
Dự lễ đền Hùng năm 2009 khách hành hương sẽ được ban tổ chức giới thiệu nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật – thể thao phong phú, đa sắc màu, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có các loại hình văn hóa dân gian từ thời vua Hùng đến nay. Những giai điệu hát xoan, hát ghẹo; các làn điệu: giáo trống, giáo pháo, xin huê – đố chữ, hát đúm, giã cá, xe chỉ luồn kim, may vá, thêu thùa cổ truyền và phong tục mời trầu, bắc cầu, xẻ ván cũng sẽ được tái hiện từ các nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước về tham gia lễ hội… Ngoài ra nhiều chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương và địa phương cũng sẽ được tổ chức ngay tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.
Tại lễ hội Đền Hùng năm 2009, nhiều hoạt động du lịch – dịch vụ đã được xúc tiến, tổ chức chu đáo như: hội chợ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống; các tour du lịch đến thăm các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ học, lễ hội, các tiết mục biểu diễn dân gian mang dấu ấn văn hóa thời đại Hùng Vương…
Hơn 86 triệu người dân Việt Nam hướng về Đền Hùng thắp lên nén hương kính cẩn tạ lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng đã có công dựng nước để chúng ta có một Việt Nam như ngày hôm nay. Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là ngày hội đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
Chính lễ Đền Hùng dự kiến sẽ diễn ra đúng vào buổi sáng mùng 10 tháng 3 âm lịch trong tiếng trống đồng và tiếng cồng chiêng. Nét đặc sắc ngày nay vẫn giữ được là việc rước kiệu (rước cổ chay) gồm xôi trắng, xôi màu, bánh giầy, bánh chưng để nhắc lại sự tích Lang Liêu và tưởng nhớ công đức dạy dân trồng lúa nước của vua Hùng. Sau kiệu là cuồn cuộn biển người hành hương lên Đền Thượng – nơi sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ. Xong lễ chính, mọi người có thể tiếp tục đến xem biểu diễn múa sư tử cổ truyền và các cô gái Mường trong bộ y phục duyên dáng biểu diễn đâm đuống – nhạc cụ dân tộc cổ…
Năm 2009 “Quốc lễ” Đền Hùng sẽ là ngày hội của đồng bào cả nước, câu ca dao vẫn vang lên trong lòng mỗi người “con Lạc cháu Hồng”:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba…
Bài và ảnh: SONG KIỀU

Bình luận (0)