Bà Trần Thị Tơ nhớ lại những ngày xuống đường |
Không thường xuyên có mặt trong dòng người ở các cuộc biểu tình, nhưng chị em chợ Trương Minh Giản trong đó có bà Trần Thị Tơ (377/4 đường Đoàn Thị Điểm, P.1, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) như ngọn gió đã thổi thêm sức mạnh vào cơn bão táp của phong trào đòi quyền sống, quyền tự do góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của toàn dân tộc.
Từ cô bé con nhà nghèo
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô bé Tơ là những ngày được theo mẹ về Dĩ An (Bình Dương) thăm quê ngoại. Tuy cách Sài Gòn không xa nhưng ở đây không còn cảnh xe cộ đi lại đông đúc, chen lấn mà tất cả chỉ có một vùng trời yên ắng soi bóng xuống làng quê thanh bình. Được theo chân bà ngoại ra vườn hái rau, lượm trái Tơ thích lắm. Đó cũng là khi cô bé thấy rõ hơn những tháp canh, đồn bót quân thù và không biết bao nhiêu hàng rào dây thép gai cản đường và luôn che chắn những khuôn mặt người dân lam lũ. Bất hạnh đã đến với gia đình Tơ khi người mẹ lâm bệnh nặng rồi vội vã ra đi, bỏ lại một đàn con nheo nhóc. Năm ấy Tơ chưa đủ tuổi lên 5, bà con lối xóm ai cũng chạnh lòng trước cảnh “gà trống nuôi con” của người cha gầy yếu, càng thương hơn lũ trẻ thiếu người sớm chiều chăm ẵm chơi vơi giữa cuộc đời. Mỗi lần thấy ba ẵm đứa em trai 2 tuổi bệnh tật đi chạy chữa thuốc thang, Tơ chỉ biết gạt nước mắt và càng thương em hơn. Nhưng rồi số phận cũng đã cướp đi cuộc đời của em và lại hằn thêm một nỗi đau cứa ruột nữa cho cả gia đình.
Cuộc sống không vì thế mà đứng yên một chỗ, tất cả vẫn trôi theo vòng quay định sẵn. Mấy cha con Tơ phải gắng gượng bươn chải sống qua ngày giữa dòng đời lận đận. Từ trong vất vả, Tơ đã thành một cô gái con nhà nghèo nhưng hiền thảo, chịu thương chịu khó biết đảm đang mọi việc để giúp ba, giúp anh chị. Lớn thêm một chút Tơ theo chân người dì ra chợ Tân Định bán hàng giúp gia đình có thêm đồng ra đồng vào. Những người dân gần xóm Cầu Kiệu rất quý cô gái hiền lành, mến khách hàng ngày tươi cười ngồi bán hàng trong chợ Tân Định bất kể nắng mưa chiều tối. Cũng từ ngày ấy tầm mắt của cô bé tuổi trăng tròn càng mở rộng thêm khi bước những bước đi chập chững vào đời. Đây cũng là thời kỳ phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn như nước thủy triều đang ngày một dâng cao. Nhiều cuộc bãi khóa biểu tình của anh em thợ thuyền đã dấy lên phong trào yêu nước chống kẻ thù. Đặc biệt là sau cái chết của anh Trần Văn Ơn – một học sinh của Trường Pétrus Ký – đã bị chính quyền Pháp sát hại vào ngày 9-1-1950 trong khi dẫn đoàn người tham gia phong trào HSSV Sài Gòn biểu tình chống áp bức bạo tàn. Sự hy sinh anh dũng của người thanh niên quê dừa Bến Tre đã gây một tiếng vang lớn và tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ khắp các tỉnh Nam Kỳ. Được hít thở giữa bầu không khí sôi sục đó, nhiều người dân Sài Gòn cũng lên tiếng phản đối chế độ thực dân và tìm mọi cách để ủng hộ HSSV. Có người hăm hở xuống đường theo đám đông biểu tình nhưng cũng có người chung tay góp sức tiếp tế thuốc men, nước uống, thức ăn để cho tuổi trẻ có thêm sức chiến đấu.
Đến cô gái giàu lòng yêu nước
… Bây giờ dù đã ngoài tuổi 70 nhưng trí não bà Trần Thị Tơ vẫn minh mẫn và sáng suốt như thường. Thời gian đã lấy đi tuổi thanh xuân nhưng vẫn chưa kịp in nhiều nếp chân chim trong khóe mắt và trên cả khuôn mặt phúc hậu của bà. Trong căn nhà mới dựng trên con đường Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận vào một buổi chiều cuối năm 2009, ngồi trò chuyện với tôi, bà vẫn nhớ như in những ngày trẻ tuổi của mình: “ Khi còn ngồi bán trong chợ Tân Định, chị em tụi tôi đã tìm cách úy lạo để tiếp sức cho HS các trường đi đấu tranh. Có khi chỉ là một ký bún tươi, vài khuôn đậu hũ hay một bịch giá đậu nhưng ai cũng thấy vui lòng vì có mình góp chút công trong đó”.
Phải đến khi chuyển sang bán hàng trong chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 bà mới có thêm cơ hội để tham gia phong trào mang tính tự phát và tự nguyện của một nhóm người chưa dư dả của cải, tiền bạc nhưng không hề thiếu lòng yêu nước. “Ngồi bán trong chợ Trương Minh Giản (tên cũ của chợ) chị em chúng tôi nhìn sang bên kia đường là thấy Trường ĐH Vạn Hạnh. Đây là nơi có phong trào đấu tranh của SV rất mạnh mặc dù luôn bị lính đàn áp. Tôi đã từng thấy 1 vài chị em nữ SV bị ngất xỉu do bị lựu đạn cay của tụi cảnh sát. Vì thế những lần sau chị em rủ nhau quyên góp các bọc ni – lông để SV bịt mặt khi bị bọn Mỹ xịt hơi cay vào đám biểu tình. Ai bị nhẹ thì chúng tôi mang chanh trái đưa cho họ để nhỏ vào mắt, nói chung là bằng mọi cách để cứu thoát học sinh”- bà kể tiếp. Không chỉ ứng tiếp cho SV Trường Vạn Hạnh, bà con trong chợ còn “tiếp lương tải đạn” cho SV các trường khác trong đoàn biểu tình. Hôm nào bán hết sớm thì chị em lại theo đoàn biểu tình đi vào tận trung tâm quận 3 để biểu dương lực lượng. Hôm nào bán không hết tuy không được vui nhưng mọi người đi gom những thứ còn dư để giúp SV các trường ĐH sau cuộc biểu tình có thêm “năng lượng”. Lúc đó niềm vui lại lấn át và xoa dịu hết những nỗi buồn và sự vất vả của những người “buôn gánh bán bưng”. Tuy nhiên những việc làm đó không qua được mắt quân thù, nhiều khi các chị bị bọn chúng đeo mặt nạ giơ súng ra cản đường. Tương kế tựu kế, mọi người lại mang thức ăn vào trong mấy ngôi chùa gần đó để che mắt chúng. Sau cuộc biểu tình HSSV lại tụ họp trong chùa nghỉ ngơi, ăn uống để vài tiếng đồng hồ sau tiếp tục “nối vòng tay lớn” trong cuộc đấu tranh chính trị trực diện. Thế là chiến thuật “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” của “đội quân tóc dài” trong chợ Trương Minh Giản không ngờ lại thành công ngoài mong đợi.
Hương Thủy
Bình luận (0)