Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: Người gánh bớt thiệt thòi cho trẻ khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Từ một GV mầm non, cô giáo Lê Thị Tuyết Linh tình nguyện về công tác một ngôi trường chăm sóc dạy dỗ trẻ khuyết tật. Bằng tình yêu thương của người mẹ người chị, cô và tập thể GV nơi đây đã xây dựng một môi trường tốt nhất để cưu mang những số phận kém may mắn để trở thành đơn vị điển hình trong cả nước.

Cô Tuyết Linh (thứ 3, từ phải sang – hàng sau) cùng với các em Trường CB Niềm Tin (ảnh do nhân vật cung cấp)

15 năm trôi qua, nhưng rất nhiều PHHS Trường Chuyên biệt Niềm Tin, Q.Phú Nhuận, TP.HCM vẫn nhớ mãi hình ảnh những cô giáo trẻ dám chấp nhận khó khăn nhận quyết định về Trường chuyên biệt Niềm Tin để công tác, trong đó có nhà giáo Lê Thị Tuyết Linh.

Một quyết định táo bạo

Bước chân vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TW 3 khi tuổi đời không còn trẻ, nhưng ý chí học tập của Tuyết Linh đã giúp ước mơ nghề giáo của cô thành hiện thực. Đến bây giờ cô vẫn còn nhớ những “cột mốc” đầu tiên của sự nghiệp: “Sau 3 năm phấn đấu rèn luyện, tôi đã hòan thành tốt nghiệp và xin dự tuyển về làm giáo viên tại Trường Mầm non Sơn ca 7 quận Phú Nhuận vào năm 2003. Rồi duyên phận đưa đến, sau một lời giới thiệu của một người thầy, người đồng nghiệp, tôi đã tìm thấy ngôi trường Chuyên biệt Niềm Tin”. Nhớ ngày đầu tiên đến trường, cô giáo trẻ vẫn bồi hồi xúc động: “Khi đến nơi đây để “tiền trạm”, tôi đã được chứng kiến, hình ảnh một HS khuyết tật múa hát bài “Con bướm vàng”, thế là bao nhiêu ngỡ ngàng, bao nhiêu xúc cảm trào dâng trong lòng tôi thật khó tả”.

Hình ảnh thân thương đó càng thúc giục hơn ý định chuyển trường của Linh. Thế là một tháng sau cô đã tình nguyện xin về làm giáo viên tại trường. Không ít người coi đó là quyết định táo bạo: “Được công tác nơi đây, tôi mới thấy mình thật hạnh phúc, hạnh phúc là vì mình được may mắn hơn bao nhiêu người cha người mẹ khác khi có một đứa con khuyết tật, hạnh phúc hơn khi được các em học sinh yêu mến, thương yêu giống như những người cha mẹ của chúng, và hơn nữa là được sống và làm việc trong một môi trường chứa chan tình thương yêu của những người đồng nghiệp”.

Cũng giống như những nhà giáo “đứng mũi chịu sào” khác ở các trường chuyên biệt và hòa nhập, hàng ngày các cô phải đối mặt với những khó khăn mà chỉ có những người trong cuộc mới nếm trải đủ: “ Học sinh của trường nhiều dạng tật, khả năng tiếp thu của các em chậm. Nhiều học sinh có hành vi lăng xăng, tâm lý bất ổn, một số em lại có sức khỏe yếu, khả năng tập trung không cao nên không thể tham gia một số hoạt động chung của nhà trường, thậm chí có học sinh bị chậm và giật lùi trên đà phát triển”. Dạy một HS bình thường đã khó, dạy một HS khuyết tật còn khó gấp mười lần. Không chỉ phải nắm được tâm lý lứa tuổi mà còn phải hiểu tính nết và những mặt yếu của các em. Vừa làm cô giáo lại vừa làm bảo mẫu vì đặc thù trường chuyên biệt không có bảo mẫu nên phải chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ như chính đứa con ruột của mình. Khi các em bệnh, mỗi cô giáo lại vào vai BS gia đình, BS nhi khoa để chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh cho mỗi BN nơi đây. Bên cạnh nhiều em tiến bộ còn có nhiều em “đi giật lùi” do sức khỏe yếu. Đây chính là điều trăn trở của các cô trong trường. Trong một lớp học, với học sinh có nhiều trình độ khác nhau nên giáo viên luôn gặp khó khăn, vất vả trong việc xây dựng chương trình giảng dạy của lớp.

Gánh bớt nỗi thiệt thòi của trẻ nhỏ

Với những đóng góp to lớn của đơn vị, Trường Chuyên biệt Niềm Tin và Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Linh đã đạt được các danh hiệu cao quý: Cờ Thi đuaTP ; Bằng khen Chủ tịch UBND Thành Phố; Bằng khen Bộ Giáo dục và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm học 2016-2017. 

Bận rộn từng ngày và cả từng giờ nhưng các cô vẫn không bằng lòng với những kiến thức mình đã có. Quyết tâm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nên cô Tuyết Linh đã hoàn thành lớp trung cấp chính trị và cử nhân quản lý GD để trở thành đội ngũ kế cận mà người bỏ ra công sức để đào tạo là cô Lê Thị Mỹ Thanh – cựu hiệu trưởng nhà trường. Năm 2009 vinh dự và cả trách nhiệm đã đến với cô Tuyết Linh khi được cấp trên bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng nhà trường và được giao nhiệm vụ phụ trách công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Đảm nhiệm công tác quản lý, cô Tuyết Linh càng thể hiện rõ năng lực và phẩm chất ưu tú của mình nên đến năm 2014 cô đã được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng và được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ cơ sở cho đến nay.

Theo cô Linh, đã làm giáo viên trong trường chuyên biệt thì ai cũng đã có cái tâm và trái tim nhân hậu. “Tôi nhớ mãi hình ảnh cô Lê Thị Mỹ Thanh không ngại khó khăn đi gõ cửa từng cơ quan đơn vị, từng mái chùa, nhà thờ… để tìm nguồn kinh phí quà tặng, cho HS nhân các ngày lễ, tết. Rồi hình ảnh của thầy giáo Hạ Đình Luân, tuổi đời vẫn còn trẻ nhưng rất có tâm huyết với nghề. Tính ra đi chỗ khác nhưng sau đó đã trở lại với ngôi trường thân yêu mà thầy đã từng gắn bó. Hình ảnh người thầy giáo hàng ngày phải chăm sóc học sinh từng miếng ăn giấc ngủ, chải và buộc từng mái tóc cho học sinh một cách gọn gàng, rửa từng khóm đồ chơi, lau chùi vệ sinh lớp học,… đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người quản lý và của cả những người đồng nghiệp khác trong đơn vị. Dù đồng lương còn ít ỏi, thua thiệt đủ bề nhưng chính niềm vui để  thầy cô gắn bó với mái trường chuyên biệt chính là tình thương đối với HS, sự đồng cảm muốn chia sẻ với những nỗi đau, mất mát của người cha, người mẹ để gánh bớt nỗi thiệt thòi của trẻ nhỏ. Có thể nói niềm vui của chúng tôi gắn liền với sự phát triển của học sinh, nhìn các em mỗi ngày thêm khôn, dù là rất nhỏ nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi bước tiếp trên con đường nghề nghiệp của mình” cô giáo Linh chia sẻ.

Nguyễn phương Đăng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)