Phận người phụ nữ sau ly hôn
Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Trong các vụ án ly hôn, có hàng trăm lý do từ hai phía, như ông bà ta nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có những cặp vợ chồng thực hiện giải pháp ly hôn rất trí thức, với nhiều lý do thấu tình đạt lý, xem như đó là hành vi “văn hóa ứng xử” để “cởi trói cho nhau”. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng, với những lý do hết sức… lãng xẹt, chỉ có chút mâu thuẫn không đáng, cũng đòi cho bằng được: “Thôi, chia tay nhau từ đây!”.
Nguyên nhân ly hôn: Tại anh, tại ả!
Thế mới biết, khi yêu nhau họ tự động trói đời vào nhau, đến khi hết yêu thì cũng sẵn lòng tự cởi trói cho nhau. Trăn trở trước thực trạng ly hôn nên nói bóng, nói gió như thế, nhưng ai cũng biết, trong lòng mỗi người vợ hoặc chồng, ai mà không canh cánh một nỗi buồn khi chia tay nhau. Đành là thế, thực ra khi không còn cơ hội cứu vãn để mãi là “bạn tốt” của nhau đến “răng long đầu bạc”, thì ly hôn là một cứu cánh an toàn cho cả hai phía. Thế nhưng, đằng sau các vụ ly hôn phần lớn lại xuất hiện những bi kịch mới cho thân phận người phụ nữ, với nhiều tổn thương từ tinh thần đến cuộc sống vật chất. Trong khi đối với các quý ông chồng thì sao? “Dường như họ cảm thấy được tháo cũi sổ lồng như “chim bay xa giữa đồng xanh quê hương bao la!”, chị T.M một người phụ nữ vừa mới ly hôn với chồng chưa đầy một tháng, đã chua xót nói với tôi như vậy.
Chồng chị T.M là giảng viên đại học ở một thành phố miền Trung. Tại phiên tòa giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn, anh đã trình bày trước tòa một trong những nguyên nhân khiến hai vợ chồng ly hôn bằng một câu nói gây sốc: “Nhà tôi không có lửa – lửa tình yêu, lửa lòng và cả lửa… bếp!”.
Chị T.M cũng là một giảng viên như chồng, công việc trường lớp đã không cho họ có thời gian dành cho nhau, rồi mâu thuẫn lặng lẽ hình thành trong đời sống gia đình của họ, và không ai chịu mình sai nên cuối cùng họ đành quyết định đường ai nấy đi. Họ thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng là một ngôi biệt thự đồ sộ trong một khu đô thị mới. Trách nhiệm nuôi bé gái bốn tuổi được thống nhất giao cho người vợ. Sau khi chia tay, anh rời khỏi mái nhà chung, đến sống một mình ở một chung cư cao cấp. Còn chị? Hàng ngày, khoảng sáu giờ sáng chị đưa con đến trường, đến chín giờ tối đi dạy thêm về, sang nhà bà ngoại đón con gái về nhà, liêu xiêu bóng mẹ, bóng con trải dài trên đoạn đường vắng tanh không người qua lại… Chị M. lặng lẽ dừng ngang câu chuyện với tôi rồi khóc thật ngon lành, làm tôi cũng chạnh lòng.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Chi N.T nhà ở quận 10, lấy chồng nhỏ hơn mình bốn tuổi. Chuyện tình “đôi đũa lệch” ấy đã gặp không ít rào cản của gia đình và bạn bè. Bất chấp mọi sự can ngăn, họ tiến đến hôn nhân và có một con trai chung, cũng là cháu đích tôn của dòng họ nội, vì thế cuộc sống gia đình ngày càng thêm chan hòa, vui vẻ. Cho đến khi lối xóm thấy vắng bóng anh chồng đi về căn nhà nhỏ, mới biết họ đã chia tay nhau được sáu tháng rồi. Sau một năm ly hôn, anh chồng bế một bé gái khoảng ba tháng tuổi về ra mắt gia đình vợ cũ. Trong khi đó chị T. ngày càng tiều tụy với sắc vóc hao mòn từ nỗi buồn ly hôn. Một lần chị T. đến văn phòng nhờ luật sư tư vấn yêu cầu buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đó cũng là dịp để chị có cơ hội giãi bày, chia sẻ với vị luật sư nọ nguyên nhân ly hôn mà đã hai năm trôi qua chị không biết tỏ cùng ai, vì một lý do hết sức nhạy cảm: “không chịu nổi nhu cầu sinh lý của anh chồng trẻ!” .
Nhận thức càng cao, “sóng ngầm” càng dữ dội
Anh T. và chị Đ. đều là chuyên viên cao cấp công tác trong cùng một cơ quan thuộc ngành tư pháp. Họ quen và yêu nhau vì nhận được sự cảm thông, chia sẻ trong nghề nghiệp. Cuộc sống của họ vì thế rất hạnh phúc trong giai đoạn đầu. Đến lúc họ mang cả công việc cơ quan về nhà thảo luận, rồi tranh luận. Vì ai cũng có trình độ chuyên môn nhất định nên không ai phục ai. Cơm sôi nhưng không ai chịu bớt lửa để phải thành cơm khê. Không thích ăn cơm nữa, anh T. chuyển sang “ăn phở”. Biết chuyện, chị Đ. dằn mặt chồng bằng đề nghị ly hôn, nào ngờ anh T. đồng ý ngay lập tức. Rồi họ đưa nhau ra tòa dường như chỉ để hợp thức hóa việc chia tay bằng thủ tục pháp lý, nhẹ nhàng và êm thấm trong không khí rất “hòa bình và hữu nghị”. Khi tòa vừa tuyên án xong, anh T. lãng mạn đến bên cạnh vợ, chân tình đưa tay để chờ đón một cái bắt tay của vợ lần cuối. Nhưng thật bất ngờ, anh lại nhận được một cái tát như trời giáng trước cơn “sóng ngầm” đang trào lên từ nỗi bất lực của người vợ, khiến cả khán phòng và hội đồng xét xử vô cùng sửng sốt. Có lẽ, sau bản án của tòa, khiến chị T. chợt nhận ra những cơn “sóng dữ” mà chị vốn đã quen kìm nén trong lòng rồi sẽ không còn có cơ hội để … “dậy sóng” (?)
Một câu chuyện ly hôn khác, có lẽ sẽ rất buồn khi nghe qua. Anh là người đã ly dị vợ và chị đã ly dị chồng. Họ gặp nhau trong công việc một cách rất tình cờ, rồi kết hôn với nhau trong lo âu, dè dặt bởi nỗi ám ảnh của sự đổ vỡ. Nhưng rồi họ càng cố trân trọng, nâng niu hạnh phúc mong manh vừa mới có bao nhiêu thì “sóng ngầm” trong họ càng mãnh liệt bấy nhiêu. Sự chia sẻ trong mối quan hệ gia đình có cả con anh, con em, con chúng ta, không dễ mấy ai vượt qua phiền phức, tị hiềm. Người phụ nữ ấy lại một lần nữa ra tòa làm thủ tục ly hôn. Sau đó, với một nách hai con, một của chồng trước, một của chồng sau, chị lặng lẽ sống, đến bây giờ khi đã bước sang tuổi 40, với một đứa con vừa mới vào đại học và một đứa đang chuẩn bị vào lớp 10. Hiện chị chỉ biết chu toàn công việc và chăm sóc tốt cho các con. Có lẽ nỗi buồn của những cuộc hôn nhân bất hạnh đã lấy cắp đi của chị những nụ cười quý giá nhất của tuổi xuân nên không để cho chị có thời gian nghĩ đến chuyện gì khác nữa.
“Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời… như một lời chia tay”
Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã làm day dứt biết bao trái tim yêu phải lắng đọng lòng mình trước những cuộc chia tay. Nhưng những câu chuyện ly hôn thì không bao giờ dừng lại, khi mà cuộc sống cứ hối hả mỗi ngày, tất bật, quay cuồng trong không gian lẫn thời gian. Ở đâu đó, trong bất cứ lúc nào, dù chia tay nhau nhưng có lẽ trong tiềm thức họ vẫn nghĩ về nhau, dù là bất chợt hay vô tình. Nỗi đau trong họ vẫn luôn là những vết cắt dù đã thành sẹo, rồi có lúc đau lòng lắm thay khi chợt nhận ra vết thương lòng ấy vẫn đang âm ỉ mỗi khi bưng hộp cơm ăn lặng lẽ… một mình. Rồi những khi lang thang xuống phố với hình ảnh con trẻ dung dăng, dung dẻ níu chặt tay mẹ mà cứ hỏi “ba đâu?” . Rồi những tháng ngày cằn cỗi trôi qua, mấy mẹ con lại dẫn nhau về nhà ngoại chơi, như mọi lần. Và lại nát lòng vì không thể tìm ra câu trả lời cho ngoại, khi nghe câu hỏi quen thuộc của bà với các cháu “Ba mấy đứa nhỏ không qua chơi sao?”
Vậy đó, hôn nhân là hạnh phúc, ly hôn lại là sự giải thoát. Liệu cuộc sống có mấy ai muốn chọn cho mình sự giải thoát từ trong cuộc sống hạnh phúc mà họ đã chọn lựa, khả dĩ vì những lý do chẳng đặng đừng mà thôi.
Nhìn vào hiện tượng ly hôn ngày càng phổ biến, không biết có ai cảm thấy đồng cảm với tôi về thân phận người phụ nữ khi tình yêu khép lại, hạnh phúc cũng không còn, thân phận họ mỏng manh, buồn tẻ… như một lời chia tay. Vậy nên, nếu còn có thể, xin đừng ly hôn!
L.S Trần Thị Phụng
Bình luận (0)