Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân 22-12: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt dọc đường từ thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương về Đà Lạt, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh người cựu binh già với những bông hoa hồng mới nở và những câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

CCB Nghiêm Xuân Chư đang chăm sóc hoa hồng trồng trong nhà kính của mình

Câu chuyện tình dưới chân núi LangBiang

Ý tưởng những câu thơ rất đẹp trong bài thơ của Chế Lan Viên sáng tác năm 1960 thế kỷ trước và câu chuyện đời thực của cựu chiến binh Nghiêm Xuân Chư (cư trú tại Khu phố Bon Đưng I, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng)) dường như “gặp nhau” khá thú vị.

Được anh em ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập khá, tôi đã gặp gỡ lão nông – cựu chiến binh (CCB) sản xuất giỏi. Sau khi đưa chúng tôi đi thăm khu nhà kính chuyên trồng hoa hồng giống mới và cây trái trong vườn, câu chuyện về “mối duyên” để chàng trai đất Bắc “neo đời” trên phố núi từ ấy cho đến bây giờ (và đến hết cuộc đời) được người lính già kể lại bên tách trà nóng thơm hương…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để nhanh chóng khắc phục khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng đất nước, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam và vùng Tây Nguyên; đáp lời kêu gọi của chính quyền và theo chân các đội hình thanh niên tình nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới, năm 1977, chàng trai Nghiêm Xuân Chư, quê Phú Xuyên – Hà Tây (Hà Nội ngày nay) tình nguyện lên đường vào Nam. Và, vùng đất mà chàng trai 18 đất Hà Thành đầu tiên đặt chân đến là Đức Trọng (Lâm Đồng). Ông được “biên chế” vào Đội công tác chuyên thực hiện các công trình thủy lợi giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, chăn nuôi khu vực Định An, Phi Nôm – Hiệp Thạnh; đồng thời, tham gia tổ công tác xây dựng chính quyền cơ sở, phát triển kinh tế…

Năm 1978, Nghiêm Xuân Chư đăng ký nhập ngũ và tham gia trong Tiểu đoàn Đặc công D200c – Quân khu 6 (Cực Nam Trung bộ), giữ chức vụ Tiểu đội trưởng.

Sau năm năm tham gia quân đội, cuối năm 1982 CCB Nghiêm Xuân Chư giải ngũ và chuyển về công tác tại Bưu điện huyện Lạc Dương. Chính tại đây, vùng đất huyền diệu dưới chân ngọn LangBiang hùng vĩ, chàng cựu quân nhân đất Bắc đã bén duyên cô sơn nữ Kơ Ho để viết tiếp một câu chuyện tình lãng mạn trong thời hiện đại…

Cựu chiến binh sản xuất giỏi

Thời gian công tác tại Lạc Dương (Lâm Đồng), ông Chư chưa nghĩ mình sẽ lập nghiệp tại đất này. Song, cuộc gặp gỡ như một mối duyên tiền định giữa chàng trai Bưu điện và cô Phó Cửa hàng Thương nghiệp huyện Lạc Dương đã quyết định toàn bộ cuộc đời ông. Với vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của một bông hoa rừng, Pang Ting Yơt – cô gái Ko Ho-Cil dưới chân núi LangBiang đã “hớp hồn” chàng cựu quân nhân!

Chàng trai Kinh và cô gái Kơ Ho sau thời gian làm quen, thương nhau đã quyết định về sống chung một nhà. Theo phong tục mẫu hệ của người dân tộc thiểu số bản địa, sau lễ cưới, chàng trai dọn về sống chung nhà vợ.

Những năm đó, Lạc Dương cũng như các địa phương khác của Lâm Đồng đất rộng, người thưa; phần lớn các vùng đất còn hoang vu thiếu người canh tác. Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân, được trải nghiệm qua công tác, trưởng thành trong Quân đội, CCB Nghiêm Xuân Chư không chịu sống cảnh nghèo khó, trong khi đất đai trù phú bị bỏ hoang. Ông đã bàn với vợ, ngoài hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, tranh thủ mọi thời gian và công sức để khai hoang mở rộng đất sản xuất. Có đất, có sức lao động, tháng ngày gia đình CCB này cần mẫn trồng trọt, bón chăm gây dựng cơ nghiệp. Và rồi, những đứa trẻ lần lượt chào đời trong gian nhà gỗ ấm cúng…

Hiện nay, có trong tay 3 hecta đất sản xuất nhưng sức khỏe có phần giảm sút, vợ chồng CCB này đã cho các hộ khác thuê phần lớn diện tích, chỉ giữ lại 4 sào để canh tác. Riêng 2 sào đất trong vườn nhà, ông Chư đã học hỏi và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư kinh phí xây dựng nhà kính và trồng hoa hồng giống mới ngoại nhập, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật cộng với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, vườn hoa hồng của ông Chư liên tục cho hoa đều đặn và năng suất rất cao. Để ổn định “đầu ra”, ông Chư đã ký hợp đồng với một chủ vựa thu mua với giá cố định 950 đồng/bông. Cứ hai ngày, chủ vựa đến cắt một lần, số lượng từ 2.000 đến 3.000 bông; trung bình mỗi tháng ông thu nhập từ 2 sào hoa hồng từ 42-47 triệu đồng. Trung bình mỗi năm thu nhập từ 2 sào hoa hồng, 2 sào trồng Atiso và tiền cho thuê đất sản xuất, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình CCB Nghiêm Xuân Chư thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Nhờ thu nhập từ hoa, vợ chồng người CCB có điều kiện cho con ăn học, xây dựng nhà mới, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình, xây dựng hạnh phúc cho các con. Giờ đây, trong ngôi nhà có 3 thế hệ chung sống dưới chân núi LangBiang tràn ngập tiếng cười, tiếng trẻ thơ bi bô mỗi ngày…

Chuyện tình của người CCB và cô gái Kơ Ho dưới chân núi LangBiang đọng lại trong tôi cảm xúc rất thi vị. Tình yêu có sức mạnh thật kỳ diệu đã gắn kết những số phận lại với nhau như câu thơ “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”!…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)