NS – Đại tá Vũ Thành đang sáng tác ca khúc tại nhà riêng
|
Kho tàng âm nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc mang chất hùng ca được viết lên từ trái tim của những nhạc sĩ (NS) vừa cầm súng, vừa cầm đàn. Trong đó có NS – Đại tá Vũ Thành, người có 240 ca khúc ở nhiều thể loại đã được công bố.
Anh bộ đội tài hoa
NS Vũ Thành tên thật là Võ Thành Chính, sinh năm 1947 ở miền Tây sông nước.
Chính cái nôi từ gia đình đờn ca tài tử đã nuôi dưỡng trong ông niềm đam mê âm nhạc. Năm 11 tuổi, ông đã là “nhạc công” chơi mandolin và guitar trong Đoàn ca nhạc trẻ Núi Lam. Cho đến năm 1951, ông tình nguyện xin vào Tiểu đoàn 309 hoạt động tại vùng Mỹ Tho, Đồng Tháp Mười với vai trò trinh sát đặc công. Là lính chiến ra trận bắn súng, những khi trận đánh kết thúc, ông chơi đàn giúp vui cho đồng đội. Ca khúc đầu tay của ông mang tên Nhớ Đồng Tháp Mười ra đời năm 1955. Trong một cuộc họp Sư đoàn 330, Phòng Chính trị tổ chức cuộc thi hát. Nhiều người hát ca khúc nổi tiếng của những NS tên tuổi, còn ông hát bài của mình sáng tác. Bài hát dù nghe lạ tai nhưng tình cảm, tâm trạng thì đi vào lòng người. Không ngờ bài hát này của ông lại đạt giải nhất. Cũng từ đó, bài hát trở thành “nhịp cầu” cho ông đi vào con đường âm nhạc sau này. Trong kháng chiến chống Mỹ, NS Vũ Thành đã cùng với Đoàn văn công Giải phóng đi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hải đảo… Hòa bình lập lại, ông được đề bạt làm Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Hai chương trình nghệ thuật của đoàn đạt huy chương bạc và bằng khen toàn quốc, được nhận Huân chương Chiến công hạng 3. Nhờ đó, đoàn thường xuyên được mời đi lưu diễn, vượt chỉ tiêu 200 suất/năm. Những thành quả của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 đạt được có phần góp sức rất lớn của Đại tá – NS Vũ Thành.
Dấu ấn qua các tác phẩm
NS Vũ Thành không chỉ thành công trong lĩnh vực sáng tác với hàng trăm tác phẩm thể loại ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc múa, vũ kịch mà ông còn “mát tay” trong lĩnh vực đào tạo, dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của quân đội. Là một NS – chiến sĩ gắn chặt cuộc đời với sự nghiệp cách mạng, tác phẩm âm nhạc của ông cũng gắn liền với cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Bên cạnh các giai điệu hào hùng, sôi động là những giai điệu trữ tình ngợi ca vẻ đẹp quê hương, con người, ở đó ghi dấu những chiến công vang dội của người chiến sĩ như Anh giải phóng quân ơi, Nhớ người chiến sĩ năm xưa, Tâm tình người nữ quân y, Trước giờ ra trận… Có một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên, đó là trong lúc chuẩn bị cho một trận chiến quan trọng thì vợ của ông – cô y tá quân y Nguyễn Thị Lợi – bị sốt phải cấp cứu tại Bệnh viện K71/B, bác sĩ cho biết khó lòng qua khỏi. Ông nhận được tin xấu khi đang dẫn đoàn văn công đi phục vụ bộ đội chiến trường sắp bước vào trận đánh lớn. Không thể bỏ nhiệm vụ, ông chỉ biết gửi lá thư động viên vợ và gửi thư cho bác sĩ Đại ở Bệnh viện K71/B, nhờ tận tình cứu chữa vợ mình. Như một “phép lạ”, vợ ông đã qua cơn hiểm nghèo. Điều này đã tạo nguồn cảm xúc cho ông sáng tác ca khúc Trước giờ ra trận. Bài hát sau này được các chiến sĩ bộ đội thuộc nằm lòng với giai điệu trầm hùng, lời ca thiết tha… Đặc biệt, hợp xướng Qua sông Sài Gòn (Vũ Thành đã phổ nhạc theo tác phẩm của nhà thơ liệt sĩ Trường Thắng từ năm 1963) được dàn dựng và biểu diễn tại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam năm 1965 và được hoan nghênh nhiệt liệt. Chính Chủ tịch Mặt trận – luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tự tay cởi chiếc áo vest mình mặc thường ngày đưa cho ông mặc để chỉ huy dàn nhạc hợp xướng với tấm lòng mến phục. Sau buổi diễn, vị Chủ tịch mặt trận đã đến thăm động viên các anh chị em trong đoàn, Vũ Thành rất xúc động khi Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ ưu ái đến bắt tay và nói: “Thấy cậu chỉ huy dàn nhạc làm tôi nhớ đến hồi học bên Pháp quá!”. Rồi ca khúc Hãy nhớ lấy lời tôi với giai điệu và lời ca đầy ấn tượng, tấm gương bất khuất của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được Vũ Thành tái hiện đầy xúc động. Và một hình ảnh đặc biệt gây xúc động cho các chiến sĩ quân đội là một chiến sĩ bộ đội bị thương, nằm dưới hầm sâu đã yêu cầu ca sĩ văn công hát lại bài Tâm tình người nữ quân y, NS Vũ Thành chơi đàn mandolin đệm cho cô ca sĩ văn công này hát. Sau khi nghe xong, người chiến sĩ ấy bảo rằng đã thỏa nguyện và đã hy sinh sau đó.
Bài, ảnh: Thanh Nguyên
NS Vũ Thành đã được tặng thưởng: Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp văn học – nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam… Bên cạnh đó, ông còn nhận 33 giải thưởng âm nhạc từ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương về thể loại hợp xướng, ca khúc, nhạc kịch… |
Bình luận (0)