Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12: Ông Kha khuyến học

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Đức Kha kiểm tra danh sách học sinh cần giúp đỡ
Đó là cái tên thân mật mà người dân và trẻ em ở khu phố 7, phường 3, TP.Đông Hà (Quảng Trị) dành cho ông. Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của khu phố, ông dồn hết tâm huyết của một người luôn khát khao con chữ để dành cho trẻ em, mong sao chúng có điều kiện tới trường…
Ông là cựu chiến binh Nguyễn Đức Kha, thương binh hạng 2/4, Bí thư Chi bộ – Chi hội trưởng khuyến học.
Giấc mơ dang dở
Hỏi về người cựu chiến binh làm khuyến học giỏi, bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị, hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về ông. “Nhưng muốn gặp anh Kha thì phải hẹn trước, vì có lẽ giờ này anh đang đi vận động quỹ khuyến học để giúp đỡ các cháu”, bà Mỵ nói thêm. Chiều muộn, cái rét độ giữa đông như cắt da xén thịt, ông Kha vừa đặt chân về đến nhà đã loay hoay giở sổ sách vừa ghi chép danh sách các cá nhân, tổ chức ủng hộ quỹ, vừa thống kê lại số trẻ đang cần hỗ trợ tới trường.
Ông sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất nơi đây. Thời bấy giờ còn hoang vắng, cư dân tập trung chủ yếu theo các làng nghề. Khu phố của ông thời điểm ấy là làng rèn. Ông cũng là một tay thợ rèn, đổ mồ hôi trên từng quai búa để kiếm tiền đóng học phí tới trường. Năm 1978, khi vừa tốt nghiệp lớp 12, ông có lệnh gọi nhập ngũ. Dù rất ham học nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu. Gác lại giấc mơ giảng đường ĐH, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam rồi sang Campuchia. Bảy năm sau, trong một trận cùng đồng đội đánh đồn địch, ông bị thương đứt lìa chân trái. Sau đó ông được phục viên trở về quê. “Những ngày sau khi rời chiến trường quả thật tôi rất hoang mang. Với một chân còn lại, cuộc sống sinh hoạt cũng khó khăn, nói chi chuyện trở lại trường học”, ông Kha nhớ lại. Để tiếp tục thực hiện giấc mơ con chữ, ông quay lại với nghề rèn. Thế nhưng trời không mấy khi chiều lòng người. Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai trong khi ông lại là thương binh hạng nặng. Một năm sau ông bỏ nghề. Bỏ nghề – nói thì dễ nhưng đó quả là một quyết định khó khăn – bởi bỏ nghề đồng nghĩa với việc giấc mơ học tiếp sẽ không có điều kiện thực hiện. Thương ông, nhiều đồng đội cũ động viên rồi mai mối cho ông với một cô gái ở tận xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế). Thuở đó, bà Hà – vợ ông bây giờ – cũng nghèo khó, buôn bán ngược xuôi ra đến Đông Hà. Họ gặp nhau qua mai mối, nhưng tình cảm dành cho nhau ngày một nồng đượm. Đám cưới giữa một anh thương binh với cô gái quê nghèo diễn ra trong sự vui mừng của hai họ và bà con xóm giềng. Bốn đứa con lần lượt chào đời sau đó. Ngày ngày hai vợ chồng chạy chợ, buôn thúng bán bưng kiếm sống và nuôi con. Chiếc xe đạp cọc cạch trở thành phương tiện của hai vợ chồng mỗi ngày, giấc mơ học hành của cậu học trò trường làng Nguyễn Đức Kha cũng gác lại theo kế mưu sinh!
Khơi lửa hồng cho lớp trẻ
Mỗi ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp với mớ rau củ bán ngoài chợ, từng bước của chiếc chân gỗ nặng nhọc gõ xuống nền đất như nhắc nhở ông về sự nghèo khó. “Mình  vì đất nước phải dang dở giấc mơ, lớp trẻ sau mình nhất định phải khác đi, phải học hành đến nơi đến chốn”, ông thầm nghĩ. Thời điểm ấy, dù mang tiếng đã là thị xã nhưng khu phố 7 nơi ông ở còn lắm vấn đề nhạy cảm, tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp. Phần lớn người dân ở địa bàn đều là lao động tự do, đó là chưa kể nhiều tệ nạn kéo theo các thành phần bất hảo về cư trú. Việc chăm con chữ cho con cái ở đây vì thế cũng không được chu đáo nếu không muốn nói là “nhờ trời”. Muốn giúp lớp trẻ được đến trường, chi bằng mình làm người nêu gương. Ông nghĩ và bàn với vợ, công việc nặng nhọc ông chịu khó thức khuya, dậy sớm tăng giờ làm để con cái có thời gian học hành. Khổ mấy cũng chịu được nhưng con trẻ phải có tương lai khác mình. Bốn đứa con thương cha mẹ, chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 2003, khi đứa con đầu của ông thi đỗ vào một trường ĐH danh tiếng ở TP.HCM, bà con tin tưởng bầu ông giữ chức Trưởng ban mặt trận khu phố. Ở cương vị mới, ông có điều kiện hơn trong việc vận động bà con đưa trẻ tới trường. Cũng trong thời gian này ông đảm nhiệm luôn chức Chi hội trưởng khuyến học. Mỗi ngày sau giờ làm việc tất bật để nuôi con, đôi chân gỗ của ông lại lạch cạch gõ khắp đầu thôn cuối xóm. Vận động một lần không được, ông đến lần hai, lần ba. Ông nghĩ, làm khuyến học phải có sự đồng thuận của toàn dân, là việc của toàn dân, như thế mới thành công. Thế là ông đi đến từng nhà vận động tất cả các hộ trong khu phố trở thành hội viên khuyến học. Mỗi năm bà con trích ra một khoản phí nho nhỏ, góp gió thành bão. Thấy công việc ông làm có ích, mọi người đều ủng hộ.
Mỗi ngày sau giờ làm việc tất bật để nuôi con, đôi chân gỗ của ông lại lạch cạch gõ khắp đầu thôn cuối xóm. Vận động một lần không được, ông đến lần hai, lần ba… Ông nghĩ, làm khuyến học phải có sự đồng thuận của toàn dân, là việc của toàn dân, như thế mới thành công.
Có nhiều trường hợp con nhà nghèo không đủ tiền đóng học phí, ông lại tất bật tìm đến tận trường xin gia hạn học phí cho các em. Chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin về việc học của các em với ban giám hiệu các trường học để kịp thời có biện pháp hợp lý, quản lý chặt chẽ nhất nhằm ngăn chặn những biểu hiện xấu có thể xảy ra trong lứa tuổi học đường. Quỹ khuyến học vận động được, ông dành vào các dịp lễ, tết tổ chức nhiều chương trình tuyên dương học sinh giỏi, đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thi đỗ ĐH, CĐ…
Chia tay người cựu chiến binh Nguyễn Đức Kha khi đôi chân gỗ của ông lại tiếp tục những tiếng gõ lốc cốc xuống mặt đường trên hành trình vì con chữ của con em khu phố, tôi nhớ mãi câu nói của bà Lâm Thị Bích Lan – người phụ nữ đơn thân nghèo khó ở khu phố: “Hồi ba mẹ con tui bồng bế nhau về đây với hai bàn tay trắng, không có chỗ trú mưa nắng nói chi chuyện học hành cho con. Nhờ chú Kha tích cực vận động, ba mẹ con không chỉ có một mái nhà ấm cúng mà hai cháu đã được đi học, mừng nhất là cháu đầu vừa đỗ ĐH”!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Người “vác tù và hàng tổng”
10 năm ông làm người “vác tù và hàng tổng”, công tác khuyến học ở khu phố 7 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp và thi đỗ ĐH cao nhất, nhì phường. Ước tính từ năm 2003 đến 2012, khu phố có trên 700 em đạt học sinh giỏi các cấp, gần 100 em đỗ ĐH, CĐ; trong đó 50 em đã ra trường, có việc làm ổn định, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững… Bên cạnh đó, ông còn sáng lập ra Quỹ phòng chống thảm họa và Quỹ bảo vệ trẻ em để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khi gặp hoạn nạn.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)