Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Bài 3: Bác sĩ Nguyễn Anh Cường: Tấm gương của một thế hệ

Một trạm phẫu thuật tiền phương ở Tây Ninh

Sau khi lấy được tấm bằng bác sĩ của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ trẻ Nguyễn Anh Cường cũng không chịu về quê để công tác mà anh đã cùng nhiều thanh niên lúc bấy giờ tình nguyện ra chiến trường.
“Đi theo ánh lửa từ trái tim mình”
Thời gian 6 năm đi sơ tán ở vùng đất Phố Lu (Thái Nguyên) tuy nhiều gian khổ nhưng lại là quãng đời đẹp nhất của các sinh viên ngành y, trong đó có chàng trai quê ở vùng chiêm trũng Bình Lục (Hà Nam). Bác sĩ Cường vẫn nhớ như in tất cả: “Lán sinh viên ở trong những đồi cọ lá che bóng mát, con đường đẫn đến hội trường Đồi Hồng rất đẹp. Bếp ăn tập thể nằm dưới thung lũng, trưa và chiều đến giờ ăn cơm rộn ràng tiếng nói cười gọi nhau của từng tốp sinh viên nam nữ. Nhiều bữa phải ăn cơm độn rau rừng nhưng ai cũng khỏe mạnh, yêu đời và chỉ có một mục đích là học cho giỏi, rèn luyện cho tốt để sau này trở thành người cán bộ vừa hồng vừa chuyên”. Đây cũng là thời gian sinh viên các trường vừa học vừa tự làm nhà ở, lớp học để góp công sức cho công cuộc kháng chiến của đất nước. Cường kể tiếp: “Học xong năm thứ 3 chúng tôi đã được về Hà Nội thực tập. Trước khi bắt tay vào công việc chuyên môn của một bác sĩ, chúng tôi phải học làm các việc của y tá và hộ lý như lau nhà, đổ bô, tiêm, thay băng… Trước khi đi chuyên ngành ai cũng phải học đủ về các khoa nội, ngoại, sản, nhi.
Sau khi ở thực tập ở Hà Nội, anh lại về Nam Hà rồi ra Hải Phòng đi thực tập tiếp tại các bệnh viện. Ngoài công việc theo bác sĩ đi học nghề các anh còn phải trực cấp cứu ngoài trận địa. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là lần đi cứu hộ đồng bào trong trận lụt lịch sử năm 1971 tại Hà Nội và đợt thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai năm 1972. Tuy phải dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm nhưng các anh không hề biết mệt nhọc mà chỉ lo cho tính mạng người dân và tìm cách chăm sóc bệnh nhân mau bình phục. Thời gian thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai lại trúng vào dịp giặc Mỹ ném bom B52 trong 12 ngày đêm tại Thủ đô. Ngoài một số bệnh nhân, y bác sĩ còn có cả một số sinh viên trường y cũng bị bom Mỹ giết hại trong trận đánh ác liệt này. Là người trong cuộc, hơn ai hết Cường đã chứng kiến được nỗi đau của đồng bào và từ trong anh nhen lên ngọn lửa căm thù giặc. Chính vì thế chỉ chờ tốt nghiệp ra trường anh đã tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. “Khóa học chúng tôi đa số là nữ chỉ có 70 sinh viên nam nhưng có điều đặc biệt là cả 70 người đều viết đơn tình nguyện đi B. Sôi nổi lắm, hào khí lắm ai cũng ra đi theo ánh lửa từ trái tim mình” – bác sĩ Cường tâm sự.
Xuôi về hướng Nam nhìn qua ô cửa sổ toa tàu, những người lính tân binh biết cuộc chiến đấu sẽ có nhiều gian nguy, mất mát nhưng ai cũng thấy đó là bổn phận, là nghĩa vụ của người thanh niên thời đại. Những địa danh nổi tiếng như cầu Hàm Rồng, đất Hồng Lam, dòng sông Gianh, đường 20 Quyết Thắng, Cổng Trời lần đầu tiên in dấu chân người lính trẻ ra đi với niềm tin phơi phới. Cũng không thoát cảnh mưa dầm Trường Sơn, muỗi vắt đeo bám, cơn sốt rét rừng nhưng họ vẫn phải đạp đá tai mèo, vực sâu vách tối mà đi.
Đâu có giặc là anh đến
Trong thời gian 2 tháng ở Cra-che (Campuchia) bác sĩ Nguyễn Anh Cường cùng với đồng đội mở một lớp y tá, tự nguyện làm thầy giáo để dạy cho nhân dân địa phương. Những kiến thức mà anh có được từ giảng đường và đặc biệt là những kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tập xuống các bệnh viện đã trở thành những giáo án lên lớp của người bác sĩ trẻ giúp nhân dân nước bạn biết sơ cứu, cấp cứu cần thiết.
Khi được điều về Ban Dân y thuộc Khu Sài Gòn – Gia Định tại B10HT5220 Bến Dược (Củ Chi), anh cùng với những bác sĩ đã cứu chữa cho rất nhiều thương, bệnh binh tại chiến trường. Anh kể: “Lực lượng bộ đội thường tổ chức các trận đánh vào lúc nửa đêm không trăng không sao. Chúng tôi đã được báo trước để chuẩn bị công tác cấp cứu như hấp bông băng, xin thêm thuốc và thức suốt đêm để chờ. Kinh nghiệm cho thấy sau khi có tiếng súng nổ loạt đầu nếu sau đó im bặt luôn là ta thắng, anh em thương vong ít. Còn nếu súng bắn kéo dài tới sáng thì trận đánh dây dưa, chắc chắn có nhiều thương vong chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần để chăm sóc thương binh”. Theo anh, chỗ nào có đánh nhau, có thương vong là anh em phải có mặt để sẵn sàng ứng cứu. Các trận đánh ác liệt ở Bến Cát, Bến Súc, Hố Bò, Củ Chi vào những năm 1973, 1974 nhờ Ban Dân y phối hợp với bộ đội “đón đầu” trước nên cứu chữa kịp thời.
Thời gian làm đội trưởng đội giải phẫu Nam Bình Chánh, anh về Hưng Long (Bình Chánh) phụ trách hơn 20 y sĩ, y tá chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó cho cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Tuy không có tin báo chính thức nhưng anh biết thắng lợi ngày một đến gần nhất là tin chiến thắng từ Huế, Quảng Trị, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung khác. Sau trận đánh ngày 23-4 của Sư đoàn 5 đến ngày 29-4 Hưng Long hoàn toàn giải phóng. Theo bước chân thần tốc của bộ đội giải phóng quân các anh mang niềm vui giải phóng đến cho từng người dân, từng xóm ấp vùng ven Sài Gòn trong ngày hôm đó.
Sau khi tiếp quản Trung tâm y tế Gia Định (nay là Bệnh viện Bình Thạnh), anh được điều về làm trưởng khoa nội B Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Gia Định). Vừa mới “lấp hố bom để dựng nhà cao” thì mặt trận biên giới Tây Nam lại có tiếng súng thế là anh lại vác chiếc ba lô thời đánh Mỹ theo đoàn chuyên gia sang giúp nước bạn Campuchia. Trước khi lên đường anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây cũng là thời gian anh quyết tâm tự học thêm tiếng Anh để làm vốn tri thức cho một bác sĩ . Công sức của anh bỏ ra thật không uổng vì sau đó anh được một suất học bổng tại Hungari về chuyên khoa nội soi tiêu hóa. Hiện nay với cương vị Trưởng phòng hành chính Bệnh viện nhân dân Gia Định, anh là người luôn được Ban giám đốc tín nhiệm và đồng nghiệp tin yêu. Đối với các y bác sĩ trẻ anh là tấm gương sáng của một thế hệ đã không tiếc máu xương của mình để cống hiến tất cả cho sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ đất nước.
Hương Thủy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)